Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp: Vào TCCN, nhiều cơ hội liên thông lên ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Khi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã cận kề thì các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) vẫn đang còn rộng cửa đón nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển (ĐKDT). Bậc học này giờ là cơ hội cho hàng trăm ngàn thí sinh (TS) sẽ dự thi tốt nghiệp THPT lần hai. TS Hoàng Ngọc Vinh (ảnh), vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nói về cơ hội vào các trường TCCN.

* Năm nay phương thức tuyển sinh vào TCCN có gì thay đổi so với năm trước không? Các trường TCCN có các hình thức tuyển sinh như thế nào để đáp ứng nhu cầu của TS?

– Năm nay, để tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà và đỡ tốn kém cho TS, Bộ GD-ĐT qui định các cơ sở đào tạo TCCN chỉ thực hiện hình thức xét tuyển trên cơ sở căn cứ kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 của TS để tuyển sinh (trừ các ngành đào tạo năng khiếu có thể tổ chức thi tuyển). Như vậy TS chỉ cần lấy kết quả học tập ở bậc THPT, bổ túc THPT hoặc kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 của mình (tùy theo tiêu chí tuyển chọn của từng trường đã được thông báo cụ thể trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh TCCN năm 2008) gửi về trường nơi mình ĐKDT để các trường làm căn cứ xét tuyển.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho TS, thời gian tuyển sinh TCCN kéo dài từ tháng bảy đến tháng 12-2008. Bộ cũng cho phép các trường có thể chủ động tuyển nhiều đợt trong năm tùy kế hoạch tuyển của từng trường.

TS được đăng ký số nguyện vọng dự tuyển vào TCCN không hạn chế. Như vậy, TS có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào học TCCN ở các trường khác nhau. Do đó cơ hội được vào học TCCN của TS sẽ rất cao.

* Những TS trượt tốt nghiệp lần một sẽ dự thi tốt nghiệp lần hai vào cuối tháng tám có cơ hội ĐKDT vào TCCN hay không?

– Những TS trượt tốt nghiệp lần một sẽ dự thi tốt nghiệp lần hai vào cuối tháng tám vẫn có cơ hội ĐKDT vào TCCN năm 2008.

Tuy nhiên TS cần lưu ý hạn nộp hồ sơ ĐKDT tại trường sẽ tùy theo kế hoạch tuyển sinh cụ thể của từng trường và kết thúc vào những thời điểm khác nhau.

* Những TS chưa đỗ tốt nghiệp nhưng đã hoàn thành chương trình THPT, bổ túc THPT có được tiếp nhận vào học TCCN? Yêu cầu xét tuyển đối với đối tượng này qui định ra sao?

– Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn về việc này. Những HS trượt tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT khi vào học TCCN sẽ được các trường TCCN xét công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện ở phổ thông và miễn trừ cho HS không phải học lại các môn văn hóa với những môn có điểm tổng kết từ 5,0 trở lên. Các trường TCCN sẽ tổ chức ôn tập và tổ chức thi tốt nghiệp ba môn văn hóa cho HS.

Như vậy, HS trượt tốt nghiệp THPT vẫn có thể được vào học TCCN. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể đi làm ngay hoặc có thể học liên thông lên CĐ, ĐH.

* Ông đánh giá như thế nào về số lượng, xu hướng chọn trường TCCN của TS năm 2008? Những ngành nào, trường nào được TS quan tâm, ưa chuộng nhất?

– Giữa tháng sáu vừa qua, các sở GD-ĐT đã bàn giao cho các trường gần 100.000 bộ hồ sơ ĐKDT vào TCCN. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ này chưa nói lên điều gì. Vì chỉ có 37/64 sở GD-ĐT đến bàn giao, các sở GD-ĐT còn lại sẽ gửi hồ sơ theo đường bưu điện.

Hơn nữa, năm 2008 Bộ GD-ĐT qui định các cơ sở đào tạo TCCN chỉ thực hiện hình thức xét tuyển trên cơ sở căn cứ kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 của TS để tuyển sinh. Vì vậy, đa số TS chọn phương án gửi thẳng hồ sơ ĐKDT về trường (mà không nộp qua sở GD-ĐT).

Theo đánh giá sơ lược tại hội nghị bàn giao hồ sơ, các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực: y tế, kế toán – tài chính, du lịch, công nghệ điện – điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin… là những lĩnh vực đào tạo có nhiều hồ sơ ĐKDT.

* Theo ông, các qui định về đào tạo liên thông có tạo ra nhiều cơ hội cho HS trung cấp học liên thông lên ĐH, CĐ không? Để được học liên thông lên trình độ CĐ, ĐH phải đáp ứng những điều kiện gì?

– Học lên các trình độ cao hơn là nguyện vọng của hầu hết HS trong các trường TCCN. Qui chế đào tạo liên thông góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của người học, tạo điều kiện cho người học nâng cao tri thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu nhân lực. Do vậy, xét về phương diện nào đó qui chế này góp phần tạo thêm sức hút HS vào các cơ sở giáo dục TCCN, HS có thêm động cơ phấn đấu học tập ngay khi còn học TCCN…

Về cơ hội cho HS học liên thông thì rất nhiều, nhưng học liên thông có thành công hay không thường chỉ đối với những ai chịu khó học tập, thường xuyên tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp và luôn có ý chí vươn lên… Tuy nhiên, do những hạn chế nhất định mà cơ hội học liên thông cho HS trong những trường TCCN có thể không ngang bằng với HS TCCN trong các trường CĐ, ĐH. Bộ GD-ĐT sẽ khắc phục những bất cập này trên cơ sở tăng cường kiểm soát việc thực hiện qui chế.

Để được học liên thông từ TCCN lên CĐ, ĐH, người học phải dự thi tuyển ba môn gồm: hai môn cơ bản và một môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề). Hướng dẫn và các điều kiện chi tiết về đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ hoặc ĐH có thể tham khảo trên trang web của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ www.moet.gov.vn.

* Xin cảm ơn ông.

THANH HÀ (TTO)

Bình luận (0)