Sự kiện giáo dụcTin tức

TS. Huỳnh Công Minh: Còn sức khỏe là còn hết mình với giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Tân Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn (trái) tặng quà lưu niệm cho nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh
Sáng 6-6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi chia tay TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP (nhiệm kỳ 2004-2011).
Tại đây, TS. Minh tâm sự: “Khi nghe đồng chí Lê Hồng Sơn (tân Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, PV) gọi điện mời tham dự buổi chia tay này, tôi đã chuẩn bị rất kỹ từ trang phục cho đến tâm lý. Tuy nhiên, khi tham dự buổi lễ này, tôi nhận thấy sự chuẩn bị của mình còn sơ sài. Tôi thật sự xúc động trước những tình cảm mà anh em, đồng nghiệp đã dành cho tôi. Đặc biệt là sự hiện diện của PGS.TS Trần Quang Quý – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và anh Đỗ Quốc Anh – Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM…”.
1. “40 năm gắn bó với ngành giáo dục, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, anh Minh đã có rất nhiều đóng góp, cống hiến cho ngành”, PGS.TS Trần Quang Quý khẳng định.
Đúng vậy. Năm 1971, khi còn là sinh viên Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn (nay là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) anh đã bí mật tham gia hoạt động Đoàn và là cán bộ Đoàn trường. Cũng trong thời gian này, anh đã đi dạy ở một số trường tư thục để có tiền trang trải cuộc sống…
Năm 1974, anh ra trường và được phân công dạy tại Trường PTTH Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Năm 1975, anh về Trường THPT Bùi Thị Xuân (lúc bấy giờ có tên gọi là Trường THPT Nguyễn Bá Tòng, TP.HCM). Tại đây, anh vừa làm công tác Đoàn vừa làm Phó hiệu trưởng và còn là Thư ký của Hội Nhà giáo yêu nước. Ba năm sau, khi hoạt động Đoàn của Trường Bùi Thị Xuân đang là điển hình của ngành GD-ĐT TP.HCM thì anh được phân công về làm Hiệu phó Trường THPT Củ Chi. Từ trung tâm thành phố chuyển về công tác ở một vùng quê hẻo lánh, nghèo nàn, nhiều người sẽ nghĩ như vậy là “bị đì”, nhưng với anh, đó lại là cơ hội để anh cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Và đúng một năm sau, anh lại được Sở GD-ĐT TP phân công giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc, Bình Chánh. Năm 1980, anh về công tác tại Phòng Cán bộ tổ chức của Sở GD-ĐT.
Kể cũng lạ, chỉ trong vòng sáu năm (từ năm 1974 đến 1980), anh đã công tác ở năm đơn vị khác nhau. Không biết cái này là được hay là mất, nhưng theo anh thì: “Đi tới đâu, tôi cũng có những cải tiến đổi mới để nâng cao chất lượng dạy và học…”.
Năm 1987, anh về làm Trưởng phòng GD-ĐT Q.10. Và tên tuổi của anh đã gắn liền với sự phát triển vượt bậc của giáo dục quận 10.
Anh nhớ lại: “Ngày 18-11-1988, chúng tôi tổ chức Đại hội giáo dục của quận. Từ đó xây dựng mô hình xã hội hóa giáo dục, thực hiện đa dạng hóa trường lớp, xây dựng hệ thống trường bán công để tăng nguồn đầu tư cho giáo dục. Trên cơ sở đó xây dựng P.11 làm mô hình thí điểm xóa mù chữ và thực hiện phổ cập. Từ đó nhân rộng ra toàn quận. Và Q.10 đã trở thành điển hình của thành phố cũng như cả nước về phong trào phổ cập giáo dục…”.
Trong quãng thời gian này, anh đã tạo nên thương hiệu cho Trường THCS Nguyễn Văn Tố. Và thương hiệu đó vẫn còn cho đến ngày hôm nay…
2. Nhiều người nhận xét anh là người không chỉ có lý luận giỏi mà thực tiễn cũng rất giỏi. Anh hội đủ tất cả những điều kiện cần và đủ để đổi mới giáo dục. Theo đó, năm 1995, một lần nữa anh được điều về công tác tại Sở GD-ĐT. Lần này, anh giữ chức Trưởng phòng Giáo dục phổ thông.
Việc đầu tiên khi anh về đây là đẩy mạnh phong trào đổi mới phương pháp dạy học. Tức là đổi mới quan điểm dạy số đông sang dạy cá thể. Từ đó từng bước đổi mới chương trình phổ thông… Không chỉ dừng lại ở đó, anh đã tổ chức phân cụm các trường THPT để phát huy thế mạnh của từng trường cũng như nâng cao chất lượng giáo dục và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp. Trên cơ sở ba chung: triển khai chương trình – kế hoạch chung, kiểm tra chung và giáo án chung. Từng khối lớp học thống nhất trọng tâm bài giảng, giáo viên giỏi – có kinh nghiệm kèm giáo viên còn yếu để tất cả cùng đều tay. Qua đó đã kéo giảm khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các trường, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm sau luôn cao hơn năm trước – đều vượt trên 95%.

Ban biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM tặng hoa cho nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh trong buổi chia tay
Ông Huỳnh Kim Sen – Giám đốc Trung tâm Thông tin & Chương trình giáo dục nhớ lại cái ngày còn là “lính” của anh Minh ở Phòng Giáo dục trung học: “Anh Minh thường nói với chúng tôi, các em làm gì thì làm nhưng phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết. Anh Minh luôn quan tâm tới anh em đồng nghiệp. Trong quãng thời gian làm việc cùng anh, tôi có thể khẳng định rằng ở thành phố này nơi nào vui, nơi nào buồn anh đều có mặt”.
Năm 1999, anh lên làm Phó giám đốc Sở, phụ trách chuyên môn. Với cương vị mới, anh lại càng có nhiều cơ hội để cùng các cộng sự đưa giáo dục thành phố ngày càng phát triển. Sau một nhiệm kỳ làm Phó giám đốc, năm 2004, anh được Thành ủy, UBND TP giao trọng trách “thuyền trưởng” của ngành GD-ĐT TP. Và anh chính là vị Giám đốc thứ 9 của ngành GD-ĐT từ ngày giải phóng (năm 1975).
Với người Á Đông, số 9 là số đẹp và cũng là con số may mắn. Có lẽ vì vậy mà trong thời gian anh làm Giám đốc, ngành GD-ĐT TP đã có rất nhiều thành quả được Bộ GD-ĐT, Thành ủy, UBND TP và dư luận xã hội ghi nhận.
3. PGS.TS Trần Quang Quý thừa nhận: “Với cương vị là “thuyền trưởng”, bảy năm qua, anh Minh đã có nhiều sáng kiến, đổi mới, nhất là trong việc thực hiện cuộc vận động “Hai không”, phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD-ĐT phát động. TP.HCM còn có thêm phong trào “Sống có trách nhiệm”, qua đó nâng cao được ý thức của toàn ngành. TP cũng là đơn vị đi đầu xây dựng trường học tiên tiến hiện đại – chất lượng cao. Có thể nói, TP.HCM luôn luôn là đơn vị đứng đầu cả nước về chất lượng giáo dục”.
Để được Bộ GD-ĐT đánh giá 14/14 tiêu chí xuất sắc, là ngọn cờ đầu để các tỉnh, thành trong cả nước học tập, không phải lúc nào vị giám đốc thứ 9 của ngành GD-ĐT TP.HCM cũng gặp may mắn. Trên thực tế, đã không ít lần anh phải vất vả để có được một mô hình trường tiên tiến hiện đại như Trường THPT Lê Quý Đôn, hay như mô hình Trường THPT Nguyễn Thái Bình…
Trong nhiệm kỳ 2005-2010 của Đảng bộ Sở GD-ĐT TP, TS. Huỳnh Công Minh còn kiêm thêm chức Bí thư vào hai năm cuối (sau khi Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Ngai về hưu). Nhớ lại khoảng thời gian này, bà Nguyễn Thị Hải Dung – Chánh văn phòng Đảng ủy Sở tâm sự: “Tuy bận nhiều việc và có lúc phải nằm viện nhưng anh vẫn dành thời gian cho công tác Đảng. Làm việc cùng anh, chúng tôi có được bốn bài học quý báu. Đó là biết lắng nghe để hiểu và giải quyết đúng; dám làm, làm chịu trách nhiệm trong công việc; không ngừng đổi mới và chủ động tìm tòi; quan tâm, động viên nhau để vượt qua mọi thử thách, áp lực của công việc”.
Còn tân Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn thì thừa nhận là bản thân sẽ phải cố gắng rất nhiều để giáo dục TP.HCM ngày càng phát triển. Và “Mong anh Minh sẽ là người anh, người thầy, cố vấn cho ngành GD-ĐT TP trong thời gian tới”, ông Sơn nói.
Trước những tình cảm này, anh Minh bộc bạch: “Tôi hứa, còn sức khỏe ngày nào thì hết mình cho sự nghiệp GD-ĐT ngày đó. Tuy hôm nay, các bạn tổ chức buổi chia tay với tôi nhưng đó là chia tay theo quy định của Nhà nước (nghỉ hưu theo chế độ), chứ không phải chia tay sự nghiệp giáo dục”.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT PGS.TS Trần Quang Quý: “Với những cống hiến của anh Minh cho ngành GD-ĐT TP.HCM nói riêng và giáo dục cả nước nói chung, tôi mong lãnh đạo ngành GD-ĐT TP có những đề nghị với trung ương để khen thưởng xứng đáng với công lao của anh”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)