“Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” là chủ đề năm học 2009-2010 do Bộ GD-ĐT phát động. Đây là vấn đề lớn, muốn đổi mới phải cần có lộ trình cụ thể và lâu dài. TS. Huỳnh Công Minh, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã dành cho Giáo Dục TP.HCM buổi trò chuyện chung quanh kế hoạch thực hiện chủ đề này.
PV: Thưa Giám đốc Sở, ngành giáo dục TP.HCM có chương trình hành động cụ thể thực hiện đổi mới quản lý như thế nào?
– TS. Huỳnh Công Minh: Đổi mới giáo dục đã được nêu từ lâu, Nghị quyết TW2, năm 1996 đã đề ra nên không còn xa lạ. Năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT chính thức phát động chủ đề này trên cả nước, TP.HCM cũng đã có kế hoạch thực hiện từ trước.
Cụ thể trong đổi mới quản lý là chúng tôi đã lập kế hoạch, đề ra chiến lược đến năm 2020 với những bước đi cụ thể. Đặc biệt, sở đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch có tính lâu dài, liên tục để từng bước đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa nhà trường, hội nhập với thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường công tác bồi dưỡng cho lực lượng quản lý để chuyên nghiệp hóa, xây dựng nhà trường phát triển bền vững. Thực hiện công khai, dân chủ trong hệ thống quản lý nhà trường: công khai về chất lượng, tổ chức và tài chính. Và một yếu tố nữa không thể thiếu trong đổi mới quản lý là tăng cường công tác thanh tra. Để hiệu lực thanh tra được tốt hơn, chúng tôi tiến hành đổi mới biện pháp, hình thức thanh tra.
Còn để nâng cao chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT đã, đang và sẽ làm những gì, thưa Giám đốc?
Trước hết phải xác định rõ chuẩn của chất lượng, đó là mục tiêu đào tạo của nhà trường. Khi đề cập đến chất lượng phải nghĩ ngay đến việc đào tạo con người có sức khỏe, đạo đức, trí tuệ, óc thẩm mỹ, tự tin và linh hoạt trong cuộc sống. Từ những mục tiêu đã đưa ra, ngành GD-ĐT TP.HCM sẽ kiểm tra lại những điều kiện cần thiết, tiến hành nâng cao chất lượng để củng cố, bổ sung nhằm đem lại kết quả tốt nhất.
Chấp hành nghiêm túc chương trình của Bộ GD-ĐT ban hành, đồng thời phải tổ chức vận dụng sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương. Nhà trường phải tổ chức cho học sinh hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, phát huy năng khiếu thẩm mỹ và thể chất đối với giáo viên. Tăng cường thực hành, giảm lý thuyết hàn lâm để học sinh tiếp nhận tri thức và rèn kỹ năng.
Về phương pháp dạy: Tích cực đổi mới từ việc bồi dưỡng giáo viên với phương pháp dạy học cá thể thay cho dạy học số đông đến việc cung cấp trang thiết bị dạy học để tăng cường hoạt động nghe nhìn, tăng thời lượng học tập 2 buổi/ ngày và giảm sĩ số học sinh trong lớp.
Chúng tôi rất quan tâm và coi trọng bậc tiểu học là bậc học cơ sở làm tiền đề xây dựng nề nếp tự học, ham đọc sách cho học sinh. Nhận thức được công tác quản lý rất quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng nhà trường. Với phương hướng đổi mới quản lý trên, chúng tôi vận dụng vào thực tế, giao quyền chủ động cho nhà trường và giáo viên trong biên soạn, thiết kế bài giảng, kể cả kiểm tra, đánh giá.
Với những công việc vừa nêu, dù năm học mới bắt đầu nhưng tình hình đổi mới của nhà trường có những chuyển biến tích cực ở từng giáo viên và học sinh. Chúng tôi rất hoan nghênh sự tham gia tuyên truyền, quảng bá của các cơ quan thông tấn báo chí và sự phối hợp của ban đại diện cha mẹ học sinh các trường đã góp phần thực hiện chủ trương của năm học “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” có chuyển biến tích cực.
Một số cá nhân, đơn vị còn lúng túng, thậm chí e ngại việc đổi mới, Giám đốc nghĩ sao về những mặt tồn tại này và có cách khắc phục như thế nào?
Điều này chúng tôi có nắm bắt được. Đổi mới quản lý là một quá trình, phải làm sao để giải quyết những quan điểm và cung cách làm việc cũ, lạc hậu sau đó mới tập trung thành hệ thống, nề nếp đồng thời xây dựng, củng cố, phát triển nhân tố mới tích cực hơn. Những nhân tố này ít, mới hình thành nên đôi khi chưa rõ ở nội dung mà chỉ dừng lại ở hình thức. Việc đổi mới chưa hình thành một cách đồng bộ, đây là điều khó khăn. Ví dụ: Chúng ta kêu gọi phải giáo dục học sinh tự học, kích thích tư duy các em phát triển độc lập trong khi đó việc thi cử, đánh giá vẫn theo kiểu cũ, kiểm tra kiến thức hàn lâm một cách từ chương, học thuộc lòng. Chúng tôi nhận thức được rõ vấn đề này và đã phát động đổi mới toàn diện trong nhà trường. Không chỉ đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục mà đổi mới từ mục tiêu đào tạo, phương pháp giảng dạy đi đôi với quản lý.
Để khắc phục những khó khăn trước mắt, chúng tôi đã triển khai trong toàn thành phố theo quy trình đổi mới tư duy, nhận thức từ các cấp quản lý đến hiệu trưởng các trường. Đi đôi với đổi mới tư duy phải có tiến trình đổi mới toàn diện từng trường, từng cơ sở, cá nhân và xây dựng kế hoạch đổi mới cho mình tùy theo tình hình, điều kiện cụ thể để cùng hướng về mục tiêu chung là đổi mới toàn diện nhà trường đến năm 2015 và năm 2020.
Chúng ta thấy rằng đổi mới, đào tạo những con người năng động có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực tư duy độc lập không hoàn toàn mâu thuẫn với việc đào tạo những học sinh có khả năng vượt qua các kỳ thi lý thuyết! Giáo viên phải bình tĩnh, chọn lọc những cách làm tốt và hiệu quả nhất cho mục tiêu chung nói trên.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thầy có lời gì nhắn gửi đến những người đã và đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người?
Ngành GD-ĐT TP.HCM đang trên đà phát triển. Sự cống hiến của các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên là những nhân tố tích cực đã đem lại thành quả nói trên. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, tôi hy vọng rằng các thầy cô giáo sẽ tiếp tục có những sáng kiến mới để khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, trong công việc, để mãi mãi xứng đáng với thiên chức của ngành nghề đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chúc tất cả các thầy cô giáo sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin cảm ơn Giám đốc.
“Chúng tôi đã thường xuyên tạo ra diễn đàn trên Báo Giáo Dục TP.HCM để tất cả các thầy cô giáo có điều kiện giao lưu, trao đổi, giải quyết những vướng mắc, giúp giáo viên có hướng đổi mới một cách hiệu quả nhất”.
(Huỳnh Công Minh)
|
Trần Trọng Tri (thực hiện)
Bình luận (0)