Sự kiện giáo dụcTin tức

TS. Kambiz Ghawami – Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới CHLB Đức: Trường học phải bỏ tuyệt đối phương án học thuộc lòng

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Huỳnh Công Minh tặng hoa cho TS. Kambiz Ghawami trong Ngày hội Giáo dục phát triển 2011. Ảnh: T.Dân
Trong khuôn khổ Ngày hội Giáo dục phát triển TP.HCM lần 3-2011, tiến sĩ Kambiz Ghawami (SN 1955) – Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới CHLB Đức, ủy viên hội đồng Trường Đại học Việt – Đức đã có chuyến tham quan và làm việc tại TP.HCM. Nhân dịp này, Giáo Dục TP.HCM có cuộc trò chuyện với ông xoay quanh vấn đề làm thế nào để nền GD-ĐT Việt Nam hội nhập với nền giáo dục tiên tiến thế giới?
PV: Thưa tiến sĩ, Việt Nam đang từng bước phấn đấu để có được nền giáo dục tiên tiến, hội nhập với thế giới. Vậy, ông có thể cho biết các tiêu chí cần có của một nền giáo dục được xem là tiên tiến thế giới?
TS. Kambiz Ghawami: Để có được một nền giáo dục tiên tiến, trước hết phải đảm bảo 6 mục tiêu giáo dục cho mọi người. Đó là: mở rộng và cải thiện giáo dục mầm non, đặc biệt đối với trẻ em thiệt thòi; đảm bảo năm 2015, tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với giáo dục tiểu học miễn phí, chất lượng tốt; thanh niên được đào tạo các kỹ năng cơ bản; đạt trên 50% người biết đọc, viết trong cả nước; xóa bỏ được tình trạng bất đẳng giới và cuối cùng là nâng cao chất lượng GD-ĐT. Từ đó tạo nên một nền giáo dục phát triển bền vững, làm cho con người biết cách tư duy và hành động đúng đắn.
Còn cụ thể trong mỗi trường học cũng như từng bậc học thì sao, thưa ông?
Nhiều quốc gia châu Âu có nền giáo dục chất lượng cao, cho thấy số học sinh trong mỗi lớp học quyết định đến chất lượng đào tạo. Như lớp học ở Phần Lan, Thụy Điển – nơi có nền giáo dục hàng đầu thế giới chỉ có 14 học viên/lớp. Cần một lớp học nhỏ để tạo sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh. Các vấn đề đưa ra do đó được phân tích kỹ càng và giáo viên có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với các em. Hơn nữa, một lớp học ít học viên cho thấy tình yêu của giáo viên với lớp học ấy. Qua một năm học, người giáo viên có thể nắm bắt được tâm tư, trình độ của các em và có thể đưa ra những lời khuyên, hướng nghiệp chính xác.
Còn như ở Đức là một nhà nước liên bang (16 bang), đường lối giáo dục của chúng tôi là cho các bang quyền tự quyết định. 16 bộ trưởng GD-ĐT của 16 bang sẽ được toàn quyền đưa ra hướng phấn đấu hay các cải tiến giáo dục và chịu trách nhiệm về tình hình giáo dục của bang mình. Chương trình của mỗi bang do đó cũng khác nhau nhưng mục tiêu chung là 16 bang phải có sự tương đồng nhau về chất lượng đào tạo. Một điểm nữa là chúng tôi hướng nghiệp cho học sinh ngay từ… tiểu học. Sau 4 năm tiểu học, các em đã bắt đầu định hướng xem mình sẽ học THCS, sau đó học nghề hay học THCS để tiếp tục học THPT và đại học. Vì trong chương trình THCS có những chương trình và kiến thức quy định chung trong việc tiếp tục học THPT hay học nghề. Tốt nghiệp bậc THCS tức là các em đã đạt mốc kiến thức phổ thông chung. Rất nhiều thanh niên Đức tham gia học nghề, những em không học nghề thì có thể đăng ký bất cứ trường đại học nào ở 16 bang sau khi tốt nghiệp THPT.
Trong trường học, chúng tôi đưa ra 3 loại đánh giá: kiểm tra nội dung chương trình các em được học có tính chọn lọc, kiểm tra phỏng đoán nghề nghiệp và kiểm tra có tính chọn lọc các kết quả cao. Đối với bậc THPT, trong mỗi năm học các em sẽ có 10 ngày tham quan đất nước của mình. Trong 10 ngày ấy, chúng tôi cũng tổ chức học nhưng là học ngoài trời, kết quả là những chuyến đi đó cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng hơn so với 10 ngày trong lớp học.
Bên cạnh đó, chất lượng của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đào tạo của giáo viên. Ở Đức cũng như Việt Nam và các quốc gia khác, lực lượng giáo viên là những công chức nhà nước. Tuy nhiên, ở Đức, người được xem là công chức có thu nhập rất cao, giáo viên chúng tôi cũng vậy. Nhà nước luôn có đãi ngộ đối với giáo viên vì chúng tôi là một đất nước rất nghèo khoáng sản, nên “tài nguyên” chính là con người và giáo dục con người. Đội ngũ giáo viên vì thế được “đầu tư” và đào tạo rất tốt. Là giáo viên tức là đã đạt chuẩn cao và không cần phải đào tạo thêm nữa. Các thầy cô vì thế chỉ toàn trí cho việc dạy học ở trường, không phải làm thêm việc gì để kiếm sống.
Ông đánh giá như thế nào về nền giáo dục Việt Nam, những yếu kém – ưu thế cũng như chúng tôi cần có các nguyên tắc, bước phát triển như thế nào để đạt đến nền giáo dục tiên tiến, hội nhập thế giới, thưa tiến sĩ?
Tôi để ý, thấy Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung trong những giải đấu quốc tế, như Olympic chẳng hạn thường đạt được thành công, có kết quả rất cao. Rồi những phát minh, sáng chế của Việt Nam mang tầm thế giới. Qua đó cho thấy Việt Nam đã có một nền tảng vững về GD-ĐT. Trong suốt 20 năm có quan hệ hợp tác, tôi nhận thấy diện mạo giáo dục nước bạn đang từng bước thay đổi. Tuy nhiên, để có được một nền giáo dục tiên tiến thì Việt Nam còn phải cải thiện nhiều vấn đề. Nhưng chính các bạn phải cân nhắc và quyết định con đường tiên tiến của mình sẽ là sao chép lại cách làm của các nước thành công hay sẽ sáng tạo, đi theo hướng riêng của mình. Song, cá nhân tôi, qua nhiều lần tham quan trường học, tôi nhận thấy trước hết các trường cần phải nâng tầm chủ động sáng tạo cho học sinh, tuyệt đối bỏ phương án học thuộc lòng, cọ xát nhiều hơn với thực tế. Tiếp đến là giao quyền, giao trách nhiệm cho mỗi cá nhân cũng như có một “liên minh” giáo viên với quyền lợi và nghĩa vụ xứng đáng. Tìm cách để giảm áp lực thi cử cũng như gánh nặng kinh tế cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Giữa Đức và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau về dân số, diện tích. Nhưng nước bạn rất giàu tài nguyên khoáng sản. Song tôi thiết nghĩ, tài sản duy nhất của các bạn vẫn như chúng tôi chính là chất xám, năng lực của con người. Vì vậy, Việt Nam hãy đầu tư hơn nữa vào giáo dục!
Trên mối quan hệ sâu sắc về GD-ĐT giữa hai nước Việt Nam – Đức, bản thân ông đã có dự định gì để giúp cho giáo dục Việt Nam phát triển, thưa tiến sĩ?
Giữa Việt Nam và Đức có một mối quan hệ sâu sắc về GD-ĐT. Tổ chức chúng tôi đã và đang hỗ trợ Bộ GD-ĐT Việt Nam dự án 165 của TW Đảng về hỗ trợ đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ở Đức. Theo chương trình này, mỗi năm có trên 100 người sang Đức du học. Với chức năng của mình, tôi luôn sẵn sàng, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các bạn. Bên cạnh Trường Đại học Việt – Đức TP.HCM là một thuận lợi, nếu các em muốn sang Đức học tập, tôi sẵn sàng giúp tìm trường, tìm thầy. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc hợp tác với GD-ĐT Việt Nam để tiếp tục công việc của 20 năm qua mà chúng ta đã làm rất tốt.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Tuyết Dân (thực hiện)

Bình luận (0)