Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Chất lượng kém – trường phải chịu trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Dư luận báo chí đang dấy lên vấn đề của ĐH Phan Thiết, trường ĐH “3 không”. Một lần nữa, việc thành lập trường ĐH một cách ồ ạt lại được nhắc tới. TS. Nguyễn Đức Nghĩa (ảnh), Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã có những lý giải riêng về vấn đề này. TS. Nghĩa cho biết:
Theo tôi, một trong các nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực đó là đội ngũ quản lý các trường ĐH xuất phát từ giáo dục phổ thông. Bản thân họ không nắm được quy trình hoạt động của một trường ĐH, CĐ. Điều nữa là chúng ta còn khác biệt khá nhiều so với thế giới. Do đó, để hội nhập, các trường phải học được cách quản lý một trường ĐH theo mô hình quốc tế như thế nào. Để làm sao hoạt động tốt hơn và phục vụ mục tiêu của người học một cách tốt nhất.
Thực tế, lãnh đạo bộ cho biết đã có đội ngũ kiểm tra ĐH Phan Thiết trước khi thành lập. Vậy tại sao lại có hiện tượng này?
Thực ra ở đây vấn đề mang tính chất khá lớn. Ở chỗ tuy vụ việc đề cập đến một hai trường nhưng nó là dạng bài toán giải quyết về số lượng và chất lượng. Một mặt chúng ta bị áp lực về số lượng, nhu cầu hội nhập quốc tế, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ, chúng ta muốn trở thành “con rồng”, chỉ số phải đạt 450 sinh viên/vạn dân. Trong vòng 20 năm vừa qua, dù số trường ĐH tăng gấp 3 lần, số sinh viên tăng 1.000 lần. Nhưng tỷ lệ sinh viên đạt theo yêu cầu thì đến năm 2020 mới đạt được. Như vậy, yêu cầu về số lượng là một thôi thúc rất lớn. Chính trên nền phát triển kinh tế đòi hỏi phải có một số lượng nhất định nào đó về những người có trình độ ĐH. Việc thành lập các trường ĐH mà chúng ta quen dùng khái niệm “ào ạt” thực ra chỉ đáp ứng được yêu cầu số lượng. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng, do chúng ta xuất phát từ điểm rất thấp, cho nên có hiện tượng “bùng nổ”, việc kiểm soát chất lượng rất khó. Trước hiện tượng đó, vấn đề hiện nay phải rà soát lại quy trình. Thực hiện đúng, thực hiện nghiêm quy trình đã đề ra. Không vì chất lượng thấp mà hạn chế việc mở trường. Nếu nói chúng ta đang không có quy trình mở trường thì không đúng. Tuy nhiên, trong quá trình mở trường, ở một khâu nào đó của quy trình không được tôn trọng, đặc biệt là khâu kiểm tra, khâu hậu kiểm, đánh giá chất lượng sau khi thành lập. Thứ hai, đứng về phía các nhà đầu tư, hiện nay, đầu tư rất manh mún. Phải chi nhiều nhà đầu tư cùng phối hợp để thành lập một trường ĐH lớn thì nó sẽ tốt hơn. Còn hiện nay, nguồn lực đầu tư ít nhưng họ lại muốn thành lập riêng các trường ĐH của họ, thậm chí là trường ĐH của cá nhân. Chính vì nguồn lực không tập trung, mở trường thì được nhưng khi đi vào vận hành thì không còn kinh phí.
Có ý cho rằng, lỗi không phải tại quy trình mà cần xem lại đội ngũ kiểm tra, đánh giá từ phía cơ quan quản lý cấp bộ?
Tất nhiên đó cũng là một khâu phải xem xét lại. Chúng ta có quy trình, có đội ngũ thực hiện quy trình thì chúng ta cũng phải có bộ phận kiểm tra giám sát việc thực hiện quy trình và phải có khen thưởng cũng như kỷ luật đối với những người vi phạm. Và một điều mà chúng tôi cũng muốn nói là hiện nay đánh giá tiềm lực đầu tư vào một trường ĐH, chúng tôi vẫn thiên về ý kiến cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mở trường ĐH. Vì thực chất trong thời gian vừa qua, các trường ĐH do doanh nghiệp, các tập đoàn lớn thành lập vẫn hiệu quả hơn.
Hiện nay đội ngũ quản lý kiểm tra của bộ theo tiến sĩ có vấn đề không?
Hiện nay lực lượng đó quá mỏng để có thể đảm bảo hết các kỹ năng. Do đó, cũng đến lúc phân cấp, phân quyền và đặc biệt là vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ví dụ có thể phân cấp quyền tự chủ và đồng thời gắn với trách nhiệm của các trường ĐH đến đâu. Khi các trường ĐH hoạt động không đúng tiêu chí đề ra trong đề án thành lập trường thì giải pháp sẽ là như thế nào. Nên có quy định ngay từ đầu thì chúng ta sẽ có những giải pháp hỗ trợ khuyến khích một trường ĐH hoạt động tốt. Đồng thời cũng nên có những giải pháp để chấn chỉnh trừng phạt, thậm chí đóng cửa một trường ĐH hoạt động không tốt.
Ngoài đội ngũ quá mỏng, tiến sĩ có cho rằng năng lực của đội ngũ quản lý, kiểm tra của mình đang có vấn đề?
Điều này thì chúng tôi không dám nói. Như tôi đã nói, vấn đề quan trọng đối với một trường ĐH mới thành lập đó là tính chuyên nghiệp và năng lực của các chuyên viên được tuyển dụng. Hiện nay, những ĐH mới thành lập thì từ lãnh đạo đến chuyên viên, các trường phải tranh nhau mời các chuyên gia quản lý có trình độ. Điều đó dẫn tới việc khủng hoảng thiếu đội ngũ lãnh đạo và chuyên viên lành nghề ở các trường ĐH có nghiệp vụ để tham gia các phòng đào tạo, quan hệ quốc tế… Đây là một việc có lẽ ở mức độ vĩ mô. Bộ GD-ĐT cũng phải nghĩ tới việc tập huấn mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ chuyên viên này.
Ngoài việc các trường ĐH thành lập không đúng “cam kết”, một hiện tượng khác là nhiều trường đào tạo chui, tiến sĩ nghĩ sao?
Nếu nói Bộ GD-ĐT thả lỏng vấn đề này thì cũng không phải. Nhưng bộ phải phân cấp cho các trường, nếu có chuyện gì xảy ra, các trường phải chịu trách nhiệm. Rất vô lý khi Trường Phan Thiết hoạt động như thế mà bộ lại phải chịu trách nhiệm. Trường phải chịu trách nhiệm.
Theo tiến sĩ, vấn đề phân cấp, phân quyền trong giáo dục ĐH sẽ phải được sửa đổi như thế nào trong Luật Giáo dục?
Sửa đổi theo hướng ai có năng lực thì giao quyền tự chủ cho người đó. Không giao bừa bãi.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)