Y tế - Văn hóaThư giãn

TS. Nguyễn Kế Hào: Nhà giáo tận tâm, tận trí

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Nguyễn Kế Hào – nguyên Vụ Trưởng GD Tiểu học từ năm 1994 khi Bộ GD-ĐT thành lập và đã từ chức Vụ trưởng trước lúc về hưu vì những bất đồng trong đổi mới chương trình giáo dục năm 2000. Chiều ngày 19-1-2021, bạn bè ở Hà Nội báo tin cho biết anh vừa qua đời.


TS. Nguyễn Kế Hào – nguyên Vụ Trưởng GD Tiểu học

Tôi biết anh khi còn dạy Trường Trung học Sư Phạm, lúc đó anh là Phó Giám đốc Trung Tâm Công Nghệ Giáo Dục. Anh và các anh Phạm Toàn, Nguyễn Minh Thuyết đến trường giới thiệu và giảng bài cho giáo sinh vì TP.HCM đang có nhiều trường và sẽ có thêm nhiều quận, huyện dạy lớp 1 của chương trình này.

Khi Bộ GD-ĐT mở lớp bồi dưỡng về GD Tiểu học ở Trường Quản Lý GD Hà Nội, anh có buổi nói chuyện về nền GD nước nhà đang tiến tới phổ cập
vào năm 2005 và thật sự GD Tiểu học đã có những bước chuyển động tích cực cho sự đổi mới.

Kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 15 là cuộc cách mạng cấp tiểu học. Lâu nay, giáo viên kiểm tra miệng, kiểm tra viết lấy điểm. Mỗi tháng cộng trung bình và xếp hạng. Từ hạng nhất, nhì, ba …. Có HS lên bảng danh dự, có em đội sổ ở hạng chót lớp. Thông tư 15 xếp loại theo học lực của từng môn học Giỏi – Khá – Trung bình – Yếu. Sự thay đổi dấy lên làn sóng dư luận mạnh mẽ. Phụ huynh, giáo viên, báo chí đều lên tiếng, phần lớn là chỉ trích. Nhiều trường vẫn duy trì bảng HS danh dự. Giáo viên vẫn âm thầm cho điểm. Vụ GD Tiểu học theo dõi, giải thích và vẫn thực hiện, từng bước cải tiến. 20 năm trôi qua cũng còn là vấn đề mà xã hội quan tâm.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia, Tiểu học là bậc học đầu tiên tiến hành. Với 5 tiêu chí thì ngôi trường đạt chuẩn phải có diện tích đất là 10m2/HS. Trường tối đa là 30 lớp và mỗi lớp là 35 HS. Đây là vấn nạn cho các TP đất chật người đông. Mỗi m2 đất là vàng. Các nơi tổ chức đi học tập mô hình Trường TH Nghĩa Hành ở tỉnh Nam Định. Nhận thấy các chuẩn đều có thể khả thi nhưng tiêu chuẩn diện tích đất cho mỗi HS thì rất khó. Trong các Hội nghị tổng kết về trường chuẩn, tôi đã xuất Bộ GD-ĐT nên có quy định chuẩn riêng cho đô thị bằng cách tính diện tích xây dựng. Tôi cũng đề xuất lên Ban Giám đốc Sở GD-ĐT TP và UBND  TP.HCM là một năm, mỗi quận, huyện phải xây được 1 trường. Nếu được như vậy thì 20 năm TP.HCM đã có 480 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia.
Tôi có nhiều kỷ niệm với anh. Khi giảm tải môn Tiếng Việt chương trình Cải cách GD, anh gọi điện thoại và muốn tôi cùng các anh chị chuyên viên của Vụ tham gia. Hội thảo phải thật tập trung và tổ chức  ở  tỉnh Hải Dương trong 1 khách sạn. Mỗi lần vào TP.HCM, anh đều yêu cầu tôi đưa thăm các trường mà không cần báo trước cho trường chuẩn bị. Có lần đến Trường Tiểu học Bình Chiểu quận Thủ Đức, ngôi trường đang cố gắng để xét chuẩn quốc gia. Khi nhìn sân trường có 2 cây cổ thụ, có bóng mát, sân trường thêm đẹp nhưng anh bảo phải đốn bỏ vì đó là cây si không hợp trong khuôn viên  trường tiểu học. Đến ngôi trường có quá nhiều khẩu hiệu, anh nhờ hiệu trưởng gọi một số thầy cô ngồi vào bàn, lấy giấy bút ra và giải thích câu “Tiên học lễ Hậu học văn” . Sau đó đọc cho mọi người cùng nghe. Anh thật hoà nhã, giản dị và cũng không phê phán nặng nề chỉ mong cho nhà trường hiểu và đã là khẩu hiệu phải rõ ràng, tường tận để thầy trò dốc sức thực hiện.

Tôi nghỉ hưu, anh vào TP.HCM, anh mời tôi làm đại diện cho Công nghệ giáo dục phía Nam. Tôi rất biết ơn nhưng xin anh cho được nghỉ. Tôi đã được 4 trường ngoài công lập mời, có trường đề nghị trước lúc nghỉ 1 năm và trả 1/2 lương nhưng tôi từ chối vì ân nghĩa với người mà tôi quý trọng.

Tôi viết những dòng này kính nhớ anh – Nhà giáo đã dành hết tâm trí, sức lực cho GD tiểu học. Người đã đặt viên đá tảng cho đổi mới toàn diện bậc học tiểu học. Một nhà giáo không nghĩ về quyền lợi riêng mà luôn luôn mong ước cho tiểu học, cho HS đến trường mỗi ngày là một ngày vui, là một ngày hạnh phúc.

Lê Ngọc Điệp (Nguyên Trưởng phòng GD Tiểu học Sở GD -ĐT TP HCM)

Bình luận (0)