Hội nhậpGiáo dục phát triển

TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành: Với tôi, thực học đơn giản là học thật, kiến thức thật, dạy thật và làm việc thật…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Trường học cũng như một sân khấu, nếu không có diễn viên giỏi, kịch bản hay… sân khấu ắt sẽ vắng. Là một nhà tuyển dụng, tôi biết các bạn SV cần học những gì và Nhà trường sẽ phải đào tạo những gì để SV ra trường có thể đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động, của xã hội và rộng hơn nữa là nền kinh tế đất nước trong buổi đầu hội nhập…”, TS Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành; TGĐ Công ty May Sài Gòn, đã chia sẻ như thế trong buổi diễn văn chào mừng lễ khai giảng và công bố chuẩn đầu ra năm học 2009-2010.
Năm học này, Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành đã công khai “chuẩn đầu ra” với 19 chuyên ngành đào tạo bậc cao đẳng; trở thành đơn vị đào tạo bậc CĐ khu vực phía Nam đi tiên phong trong việc “công khai” sản phẩm đào tạo của mình.
Giải pháp “bảo hành” chất lượng của cơ sở đào tạo
“Chuẩn đầu ra” là chủ trương của Bộ GD&ĐT; theo đó, Nhà trường sẽ xây dựng và công bố những tiêu chuẩn cần thiết để công khai với xã hội về sản phẩm mà đơn vị đào tạo ra, giúp người học hình dung sau quá trình đào tạo có thể làm được việc gì và nhà tuyển dụng biết được sản phẩm đào tạo của trường. Về kết cấu, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo của trường gồm 5 phần: kiến thức, kỹ năng, thái độ, vị trí công tác và hướng phát triển…
Xuất phát từ thực tiễn “Nhiều SV ra trường không đáp ứng được yêu cầu của DN”, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn xảy ra, cung và cầu giữa doanh nghiệp và nguồn nhân lực vẫn luôn bị chông chênh… Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, tất cả các trường ĐH trong cả nước phải công bố chuẩn đầu ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Các trường phải xây dựng và công bố “chuẩn đầu ra” để công khai với xã hội về sản phẩm mình đào tạo ra, đồng thời cũng giúp người học hình dung sau quá trình đào tạo có thể làm được việc gì và nhà tuyển dụng biết được sản phẩm đào tạo của trường.
Trước yêu cầu của Bộ GD&ĐT, nhiều trường ĐH đã xây dựng cho mình “chuẩn đầu ra” phù hợp với thực tiễn, trong đó phải kể đến các trường như: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Thương Mại… Và có lẽ, đi tiên phong trong khối CĐ công bố chuẩn đầu ra là Trường CĐ mang tên Bác – Cao đẳng Nguyễn Tất Thành. Chia sẻ về việc tiên phong trong công bố “chuẩn đầu ra” khối CĐ, TS Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Nhà trường, nhận định: “Chuẩn đầu ra chỉ là tổng hợp lại kiến thức, kỹ năng của người học trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên, việc làm này cũng tác động trở lại rất lớn cho việc đào tạo của Nhà trường…”. Lý giải về tác động này, TS Hùng, cho biết: Dù chương trình đào tạo của các trường đều có mục tiêu nhưng mục tiêu đào tạo thường được xác định một cách định tính, mang nặng tính chất định hướng và khá chung chung. Nếu dựa vào đó, người học khó hình dung ra những điều cần học để đạt mục tiêu… Trong khi đó, “chuẩn đầu ra” định lượng những kiến thức, kỹ năng của người học phải đạt được sau khi học xong. Điều này tác động đến cả những người thầy thực hiện việc giảng dạy chương trình đó và là cơ sở để các doanh nghiệp kiểm định các tiêu chí đào tạo, đồng thời giúp các nhà tuyển dụng lao động tìm đúng người, đúng việc. 
Cũng từ năm học 2009 trở đi, tại Trường CĐ Nguyễn Tất Thành, “chuẩn đầu ra” sẽ được phổ biến rộng rãi để sinh viên tự so sánh, đối chiếu, bồi dưỡng kiến thức của mình. Nếu sinh viên thấy trong chuẩn đầu ra có phần kiến thức nào chưa được học thì có quyền khiếu nại với nhà trường, để làm rõ trách nhiệm của người dạy và trách nhiệm của người học trong việc tổ chức giảng dạy theo chuẩn đầu ra, và còn là quá trình hợp tác từ hai phía, TS Hùng, cho biết thêm.
Thực học mới làm nên giá trị
“Với tôi, thực học đơn giản là học thật, kiến thức thật, dạy thật và làm việc thật…”, – quan niệm “thực học” của vị Hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành khá đơn giản. Thế nhưng, với quan niệm đơn giản đó “vị thuyền trưởng” tài ba này đã lèo lái con thuyền “CĐ Nguyễn Tất Thành” vươn đến tầm cao mới. Và sự thật đã chứng minh, so với các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM, Trường CĐ Nguyễn Tất Thành còn quá trẻ; thế nhưng, là một doanh nghiệp làm giáo dục (Trường CĐ Nguyễn Tất Thành thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) nên Trường rất thấu hiểu nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Vì thế ngay từ đầu, Nhà trường đã xây dựng cho mình một phương pháp đào tạo chuyên biệt: “Đào tạo gắn kết từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp – xã hội”. Đồng thời, thông qua việc phát triển mối liên kết giữa bốn nhà: Nhà trường; Nhà doanh nghiệp; Nhà nghiên cứu; Nhà quản lý là một trong những thế mạnh vượt trội của trường. Hiện tại, chương trình đào tạo của trường đã tạo được sự liên hoàn, kết nối từ phòng thí nghiệm, thực hành, đến các xưởng sản xuất; đưa HS-SV đến thực hành thực tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các vùng phụ cận.

Giờ thực hành của sinh viên khoa Dược

Để xây dựng “chuẩn đầu ra”, chất lượng giáo dục cao luôn phải đảm bảo; đặc biệt đội ngũ GV bao gồm GS, TS, Th.S… phải nhiều kinh nghiệm và là chuyên gia đầu ngành góp phần truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm làm việc thực tế cho SV. Đồng thời, chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật cho phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng; từ đó mang lại cho HS-SV những kỹ năng cần thiết của người lao động trong nền kinh tế toàn cầu, tiến tới tiếp cận với trình độ lao động quốc tế. Do vậy, với 19 khoa đào tạo cao đẳng, 12 khoa đào tạo ngành nghề và 5 khoa dạy nghề, Trung tâm xuất khẩu lao động, Trung tâm tư vấn du học, Trung tâm tư vấn tuyển sinh – truyền thông, Trung tâm nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ và Phòng thí nghiệm dược, thư viện… Trường CĐ Nguyễn Tất Thành còn xây dựng hệ thống quản lý, điều hành các hoạt động đào tạo bằng cách ứng dụng CNTT, tiết kiệm thời gian của thầy và trò (qua hệ thống truyền thông, internet với sự kết nối của 19.000 HS-SV đã có địa chỉ email liên hệ trực tiếp với các phòng ban và thầy cô giáo). Trên hết là việc chuyển dịch từ quá trình đào tạo thành tự đào tạo, hình thành trong SV tính tự lập, tích cực, chủ động trong học tập, từ đó kích thích các em có được kỹ năng tư duy khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi tốt nghiệp ra ngoài xã hội.
Đặc biệt, ngoài kiến thức chuyên môn, Nhà trường còn tập cho các em HS-SV phải biết làm chủ chính mình, biết quản trị thời gian, biết kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giải quyết xung đột, tổ chức hành chính, soạn thảo văn bản, CNTT, ngoại ngữ… Nhờ vậy, SV sau khi tốt nghiệp có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc gia, hoặc được doanh nghiệp tiếp nhận ngay với tỷ lệ chiếm đến 98% các em ra trường. Cũng phải nói thêm rằng, khởi đầu trường chỉ tuyển khoảng 300 SV theo học, đến nay trường đã có 19.000 SV và các khóa cựu sinh viên ra trường chính là những người đồng hành cùng nhà trường, trợ giúp HS-SV tìm nơi thực tập và giới thiệu việc làm; đồng thời, trường cũng đã ký kết với một số trường đại học ở Singapore, Australia liên kết đào tạo. Hướng phấn đấu đến 2017, Trường CĐ Nguyễn Tất Thành sẽ trở thành một trong 50 trường đại học danh tiếng trong cả nước về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của xã hội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, công nghệ và kỹ thuật…
Một số thành tích nổi bật của Trường CĐ Nguyễn Tất Thành
* Huân chương Lao động hạng III cho Công ty CP May Sài Gòn.
* Huy chương “Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công nghiệp trao tặng.
* Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho TS Nguyễn Mạnh Hùng.
* Danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua” do Bộ Công thương trao tặng cho TS Nguyễn Mạnh Hùng.
* Huân chương Lao động hạng II cho Trường CĐ Nguyễn Tất Thành và Huân chương Lao động hạng III cho TS Nguyễn Mạnh Hùng.
NHƯ TRÍ

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)