Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TS. Trịnh Hòa Bình: Đừng ngộ nhận về facebook

Tạp Chí Giáo Dục

 

“Nói xấu” trên facebook (FB) và những hệ lụy của nó đã có bài học nhãn tiền. Có lẽ, chưa năm nào, vấn đề xử lý các thông tin phản ánh tiêu cực trên FB lại nóng như năm nay. Có lẽ, có quá nhiều người “ngộ nhận” về vai trò của FB. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS. Trịnh Hòa Bình – nguyên Giám đốc Dự án điều tra dư luận xã hội học, Viện Khoa học xã hội – về vấn đề này.

PV: Vừa qua có nhiều sự cố liên quan đến FB, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

FB là một tiện ích để cho các “thần dân” của xã hội hiện đại có cơ may được sử dụng. Qua các trang mạng xã hội, không riêng FB, con người thực hiện được nhiều giao tiếp liên cá nhân, không phải thông qua các thiết chế, tổ chức, ràng buộc có tính chất truyền thống, mặc định của xã hội. Nó là phương tiện để phát triển hơn cá nhân trong xã hội. Như vậy, trên mặt lý thuyết đó là một cơ may, một tiện ích, tích cực. Nhưng bất cứ một hiện tượng xã hội nào cũng có hai mặt của nó. Các trang mạng xã hội một mặt giúp các thành viên trong xã hội thể hiện được tính cá nhân, thực thi quyền con người. Nhưng nếu lạm dụng nó, sử dụng nó một cách méo mó, sử dụng không đúng cách hoặc chưa đủ độ chín chắn trưởng thành thì có thể đưa lại những hệ lụy, những kết cục mà xã hội, cộng đồng và bản thân đương sự đó không mong muốn. Chúng ta đứng trước những câu chuyện rất cụ thể như cặp vợ chồng nọ lên mạng xã hội cảnh báo dịch Ebola bằng cách dựng đứng câu chuyện dẫn đến bị phạt, hay sử dụng FB để báo nhau, thách đố nhau… Còn trong phạm vi trường học, người ta sử dụng FB để bình luận, để nói xấu, đơm sai, thất thiệt, đánh giá không tích cực về nhà giáo. Tất nhiên sử dụng FB như một tiện ích để phản biện, để giúp người khác sửa cái không tốt là một điều tích cực nhưng lại sử dụng FB để vu khống, phát biểu thiếu trách nhiệm là câu chuyện đã có. Hoặc sử dụng FB để nói xấu, đơm sai không tích cực…

Trong chừng mực nào đó, có thể thấy FB như một tờ báo nhưng lại không có sự kiểm duyệt của Luật Báo chí, của luật liên quan nên không được điều chỉnh mặc dù có khi tác giả trang mạng cá nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Đó là bức tranh có thật, khá hỗn loạn, cởi mở và thiếu kiểm soát. Mới đây nhất là sự kiện 3 học sinh THCS chiếm tên miền mạo xưng phiến quân IS. Đó là sự ngông cuồng, thiếu kiểm soát của giới trẻ nhưng cũng cho thấy sự non nớt, thiếu chín chắn và còn xa mới đạt được sự trưởng thành để sử dụng có hiệu quả mặt tích cực của các trang mạng xã hội.

Nhưng có thể đặt câu hỏi ngược lại liệu có phải do chúng ta chưa có cơ chế phù hợp để người phản biện có chỗ phản biện?

Câu hỏi này đưa ra câu trả lời vừa có vừa không. Không phải không có cơ hội để cá nhân bày tỏ nhưng cơ hội đó đi kèm với các điều khoản khác. Đó là mỗi thành viên xã hội phải được trang bị các kiến thức hiểu biết về tri thức chung, về pháp luật, những nguyên tắc của va chạm cọ xát thông tin đặc biệt là phản biện xã hội. Chúng ta có cơ chế phản biện. Nhưng cơ hội đó không được thể hiện sáng rõ, minh bạch và đồng loạt như nhau ở mọi giới lớp người. Ở mặt còn thiếu, khi người ta trình bày ý kiến phản biện, nêu lên quan điểm trái ngược với quan điểm chỉ đạo chính thống, có những tiêu chí không tích cực như đòi hỏi các ý kiến phản biện gửi đến cơ quan có trách nhiệm, kênh này, kênh kia. Những điều khoản này cũng khiến người ta thấy phản biện hay bày tỏ chính kiến trực tiếp hóa ra lại gấp khúc, đi đường vòng, thậm chí tồn đọng, mắc mớ ở đâu đó. Trong bối cảnh đó, người ta thấy bày tỏ gián tiếp hợp lý hơn dù những ý kiến đó nhiều khi méo mó, chệch chuẩn nhưng lại tạo ra được sự quan tâm, chú ý của xã hội, cộng đồng. Rồi từ đó gây áp lực cho phía phải nhận thông tin, buộc lòng họ phải xem xét. Do đó, trong hệ lụy đi kèm không mong muốn của tiếng nói ngược nhiều khi gây nên sự hỗn loạn, rối ren mất trật tự hóa ra ở mức độ nào đó, nó cũng tạo ra hiệu ứng tích cực, khơi gợi sự quan tâm. Bởi ngày nay đang có thực trạng thờ ơ, vô cảm ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống nên có thể nói đó là lấy độc trị độc chăng. Vì đọc những quy định về phản biện ta có thể thấy không phải cá nhân nào cũng làm được nên họ chọn giải pháp ra giữa đường “la làng” cho mọi người cùng thấy.

Còn câu chuyện ứng xử với FB trong giáo dục, ở đâu đó còn có sự xử lý nóng vội, thưa ông?

Cái đó có thể đúng với những “cơ thể” giáo dục nho nhỏ. Hãy nói đến thể chế, thiết chế chung. Chúng ta thấy thái độ của những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục không phải lúc nào cũng văn hóa. Đó là tầm vĩ mô. Còn trong nhà trường, nói thẳng ra đó là “sân nhà người ta, người ta có quyền cử ra trọng tài, tuyển chọn ra diễn viên…”. Nhưng cũng phải nói lại, có nhiều phụ huynh thích được tham gia, thích được lấy lợi ích chung để phục vụ lợi ích riêng. Nên khi có vấn đề nảy sinh thì tìm cách “cắt gọt”.

Qua những sự kiện này, theo ông, tại sao không phát huy được tính dân chủ trong trường học?

Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi. Giáo dục cũng đang chuyển từ giáo dục một chiều sang giáo dục đa chiều. Tuy nhiên, mọi người luôn sợ sự dân chủ vì sợ mất kiểm soát. Do đó, các trường vẫn thích giáo dục một chiều. Mặt khác, có thể nói, 40% người dùng FB hiện nay đang bị “ngộ nhận” về FB. FB không phải là nhật ký bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Mà nó là thế giới phẳng, là nơi để các cá nhân thiết lập mối quan hệ. Sự ngộ nhận này đã dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn như tôi đã phân tích ở trên.

Vậy theo ông, làm thế nào để người dùng FB phát huy được đúng vai trò của nó?

Vẫn là câu chuyện hiểu biết, biết cái gì. Phải biết mình biết cái gì. Câu chuyện này liên quan đến thiết chế giáo dục. Vì giáo dục là truyền tri thức. Do vậy, đó là câu chuyện giáo dục gia đình, câu chuyện nhận thức mỗi cá nhân. Thật là buồn cười nếu chúng ta đưa ra yêu cầu mở các khóa huấn luyện sử dụng FB như thế nào là chuẩn mực. Vì chỉ có một chuẩn giá trị chung đó là tính chân thiện mỹ trong đời sống hàng ngày.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê

“Có trường yêu cầu không được sử dụng FB làm việc này việc kia. Đó là phản ứng tiêu cực và xét ở góc độ nào đó là vi phạm quyền con người.

Về nguyên tắc, trẻ sử dụng được internet là dùng được FB, vì FB chỉ là một tiện ích của internet. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ tâm sinh lý lứa tuổi thì bố mẹ phải ở bên cạnh con cái. Với sự phát triển công nghệ như hiện nay, thì việc làm bạn với con cũng là một “nỗi khổ” của cha mẹ. Nếu cha mẹ không trở thành bạn của con, kể cả trên FB thì trẻ có nguy cơ bị “xã hội hóa” lệch lạc. Còn nhà trường chỉ làm cho quá trình xã hội hóa một đứa trẻ diễn ra tập trung cao nhất”, TS. Trịnh Hòa Bình nói.

 

Bình luận (0)