Sau một năm thực hiện nghị quyết (NQ) 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, ngành giáo dục đã có những bước chuyển mình. Trước những bước đi của ngành, chia sẻ với Giáo dục TP.HCM nhân dịp đầu xuân 2015, TS. Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng cuộc đổi mới này sẽ thành công.
PV: Thưa ông, xin ông có thể cho biết đánh giá của ông sau một năm thực hiện NQ29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT?
Sau một năm thực hiện NQ29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, ngành giáo dục đã có nhiều chuyển biến, từ phía Bộ GD-ĐT cho đến các trường. NQ đã có tác động nhất định về nhận thức và bắt đầu có chuyển động trong công việc. Ví dụ như Bộ GD-ĐT đưa ra phương pháp chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực như tinh thần NQ29 đã bắt đầu có dấu ấn trong lĩnh vực giáo dục. Hay từ một nền giáo dục khép kín sang một nền giáo dục mở. Một số chủ trương của ngành cơ bản đi đúng hướng đổi mới như một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, một kỳ thi quốc gia… Bên cạnh đó đương nhiên vẫn còn nhiều việc cần phải đổi mới nữa. Theo tôi, đổi mới phải mang lại hiệu quả thiết thực, không được nhân danh đổi mới. Muốn được như thế thì bộ và ngành GD-ĐT phải có giải pháp tập hợp trí tuệ của các chuyên gia tâm huyết, cùng nhìn về một hướng, tránh sự tác động theo hướng tiêu cực của lợi ích nhóm. Tôi tin cuộc đổi mới này sẽ thành công. Vì chủ trương đổi mới này phù hợp với quy luật khách quan. Nhưng thành công sớm hay muộn còn tùy thuộc vào năng lực của các nhà quản lý.
Ngành giáo dục đưa ra giải pháp là đổi mới thi cử để tác động vào cách dạy, cách học. Theo ông, chủ trương này có phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay?
Theo tôi, đây là một chủ trương đúng. Lâu nay chúng ta học để ứng thí. Bây giờ đổi cách thi để tác động ngược lại vào cách dạy và học. Thay đổi đề thi cũng là một giải pháp. Trước đây thi để kiểm tra trí nhớ của học sinh, làm giống thầy mới được điểm cao thì bây giờ người nói giống thầy chỉ được điểm trung bình, còn nói khác thầy mà có lý, có cơ sở khoa học thì mới được điểm cao. Giữa thi cử và cách dạy, cách học có mối quan hệ mật thiết, thay đổi cái này sẽ tác động đến cái kia.
Bên cạnh đó, thi cử và chương trình có mối quan hệ mật thiết. Thi cử là một việc trong chương trình. Theo quan niệm mới, chương trình phát triển năng lực giống như chuẩn bị cho người ta biết cách xây nhà thay vì chỉ cho người học vật liệu để làm nhà. Thực tế hiện nay kiến thức nhân loại sản sinh rất nhanh, chỉ ít năm nhân lên gấp đôi. Người thầy làm sao có thời gian để cập nhật hết kiến thức? Việc truyền thụ kiến thức trở nên lạc hậu. Cần phải cung cấp cho người học phương pháp tiếp cận kiến thức. Từ đó, người học có thể tự cập nhật kiến thức suốt đời. Thầy dạy trở thành thầy học, tức là làm thầy về cách học. Nhân đây tôi cũng nói chương trình là công cụ sư phạm để tác động vào năng lực học sinh. Người thầy dùng công cụ sư phạm ấy tác động vào làm phát triển năng lực của học sinh. Công cụ này khác với các loại công cụ khác ở chỗ nó chịu sự quy định của đối tượng mà nó tác động. Câu chuyện mua chương trình, bản quyền của nước ngoài về dạy là không phù hợp. Nên theo tôi, tất cả các chương trình của Việt Nam thì chúng ta phải viết ra. Nếu có mua chương trình nước ngoài chỉ để tham khảo cách làm. Dạy tiếng Anh cũng thế, nội dung trong sách giáo khoa chuyển tải được văn hóa Việt Nam.
Như trên ông có nói sau một năm, Bộ GD-ĐT cũng có chuyển động tích cực, theo ông, năm tiếp theo chúng ta cần chú trọng điều gì?
Theo tôi, với nhà khoa học, hãy tiếp tục làm rõ nhận thức về những giá trị cốt lõi của chủ trương đổi mới, nắm chắc, không làm sai. Còn công việc cụ thể, thứ nhất phải xử lý việc kiểm định chất lượng. Đây là thước đo, là giải pháp để hạn chế sơ hở của cơ chế thoáng mở đầu vào và tự chủ trong đào tạo ở các trường. Có cơ quan kiểm định độc lập của xã hội, có cơ quan kiểm định Nhà nước cùng làm. Thứ hai, là làm chương trình cho tốt, tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Nghiên cứu cho thấy, nếu nghe giảng, học sinh tiếp thu khoảng 15-20%, tự học tiếp thu trên 50%, học qua công việc thì tiếp thu 80-90%. Nên việc tổ chức hoạt động học quan trọng vô cùng. Công việc của người thầy là phát hiện năng lực bên trong, năng lực khác nhau của mỗi học trò, rồi tác động và kích thích cho nó phát triển, nên khó hơn công việc truyền thụ. Chương trình phải làm sao tác động vào việc phát triển năng lực. Hiện nay, tôi nghĩ cần cẩn thận không lại sa vào truyền thụ kiến thức. Chương trình phải đi trước. Vấn đề nữa là phải làm rõ vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận trong khu vực các trường học, đề nghị chính sách thuế khác nhau cho hai loại trường này. Việc nữa là những cơ chế chính sách tạo ra sự bình đẳng giữa khu vực công và tư từ TCCN trở lên. Hiện nay có sự bất bình đẳng giữa hai khu vực này, kể cả bình đẳng về cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)