Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Từ 1-7-2011: Bắt buộc lắp hộp đen trên ô tô vận tải

Tạp Chí Giáo Dục

Thiết bị giám sát hành trình
Từ ngày 1-7-2011, các loại xe ô tô kinh doanh vận tải (KDVT) bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) hay còn gọi là hộp đen. Theo đó, tất cả xe KDVT hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô KDVT hàng hóa bằng container phải gắn TBGSHT.
Hộp đen giúp quy trách nhiệm khi có sự cố
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện tại trên toàn quốc có khoảng 400.000 phương tiện KDVT, trong số này sẽ có trên 100.000 xe thuộc diện phải lắp đặt hộp đen. Tính sơ bộ, mỗi thiết bị có giá 10 triệu đồng thì số tiền mà ngành vận tải phải bỏ ra sẽ lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Phần lớn xe khách thuộc diện phải lắp đặt hộp đen và có khoảng trên 20.000 xe container cũng thuộc diện này. Được biết, các doanh nghiệp vận tải lớn, làm ăn bài bản đều rất ủng hộ phương án này. Thiết bị đã lắp đặt có thể phải thay thế nếu không đáp ứng được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình xe ô tô theo Thông tư 08/2011/TT-BGTVT mới ban hành. Thiết bị được lắp đặt nếu chưa đạt chuẩn thì sẽ nâng cấp để vừa đáp ứng đủ các tiêu chí của quy định mới, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, nâng cao chất lượng của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Long – Giám đốc Công ty TNHH Trực Nhân, đơn vị chuyên nhập khẩu thiết bị này cho biết: “Về cơ bản, các sản phẩm hộp đen của chúng tôi đều đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ GTVT mới ban hành. Hiện chúng tôi đã và đang cung cấp đến khách hàng loại hộp đen được sản xuất tại Hàn Quốc. Thiết bị này có thể ghi lại hình ảnh, âm thanh liên tục trong suốt quá trình chạy xe. Các dữ liệu được truyền thông tin qua GPS, hình ảnh trong và ngoài xe hiển thị trên internet. Đặc biệt, khi xảy ra va chạm, thiết bị sẽ ngay lập tức ghi lại dữ liệu vào thẻ nhớ. Giá bán sản phẩm này khoảng 280-320 USD tùy theo mức độ yêu cầu của người mua”. Giải đáp lo lắng về việc các doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ tốn kém do phải đầu tư bộ phận máy chủ (sever) trị giá hàng chục ngàn USD, ông Long cho biết, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết thông qua việc doanh nghiệp vận tải thuê luôn sever của nhà cung cấp thiết bị với mức giá từ 70.000-80.000 đồng/ xe/ tháng. Đến nay, nhiều đơn vị cung cấp, sản xuất hộp đen còn lo ngại về việc đáp ứng một số tiêu chí như: việc sử dụng công nghệ GPS thông qua bản đồ google có thể bị chậm hoặc độ chính xác không cao. Việc giám sát phương tiện giao thông trực tuyến qua máy chủ gặp trở ngại nếu diện phủ sóng di động của các nhà mạng chưa tốt. Hay việc giải quyết thế nào đối với các thiết bị đã được các doanh nghiệp vận tải lắp đặt nhưng không đảm bảo các tiêu chí tối thiểu…
Bản thân người lái xe sẽ có ý thức hơn

Xe kinh doanh vận tải sẽ được lắp hộp đen
Theo quy định TBGSHT phải có tính năng liên tục ghi, lưu giữ và truyền phát qua mạng internet về máy tính của doanh nghiệp để lưu trữ theo quy định các thông tin tối thiểu về quá trình khai thác, vận hành của xe như: thông tin về xe và lái xe; hành trình xe; tốc độ vận hành của xe; số lần và thời gian dừng, đỗ xe; số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian làm việc của lái xe (bao gồm cả thời gian lái xe liên tục và tổng thời gian làm việc trong một ngày của người lái xe). Ngoài các thông tin tối thiểu này, tùy theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp vận tải, TBGSHT có thể có thêm các tính năng hỗ trợ quản lý khác.
Trên thực tế, trước khi Luật Giao thông đường bộ quy định một số xe KDVT phải lắp đặt TBGSHT, đã có một số doanh nghiệp vận tải lớn lắp đặt thiết bị loại định vị vệ tinh (GPS). Nhận thấy những tiện ích mà thiết bị mang lại, các doanh nghiệp này đã đi tiên phong nhằm quản lý vận tải tốt hơn. Họ dễ dàng quản lý hoạt động của các đầu phương tiện, giờ xuất bến, giờ đến bến, thời gian dừng xe… từ đó giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu suất khai thác. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị đang được sử dụng này sẽ phải tích hợp thêm một số tính năng khác mới đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của TBGSHT được quy định trong Nghị định 91. Bởi những tính năng mà doanh nghiệp đang sử dụng mới hướng tới mục đích quản lý hiệu quả khai thác chứ chưa chú ý đến mục tiêu ATGT.
Hiện nay, phần cứng của TBGSHT chủ yếu được các doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc còn phần mềm do các công ty Việt Nam sản xuất. Từ trước đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm định chất lượng sản phẩm, tất cả các doanh nghiệp đều tự mua về lắp đặt. Tuy nhiên, theo Thông tư 08/2011/TT-BGTVT vừa ban hành thì Vụ Khoa học – Công nghệ Bộ GTVT sẽ là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm và kiểm tra việc công bố hợp quy TBGSHT theo quy chuẩn này và các quy định hiện hành có liên quan khác.
Lợi ích lớn nhất của việc gắn thiết bị là đảm bảo được các tiêu chí cần kiểm tra kiểm soát: lái xe không được lái quá bốn tiếng, gây mệt mỏi, ngủ gật; xe khách tránh dừng đỗ bừa bãi trên đường, mở cửa xe khi đang chạy gây mất an toàn, chạy vượt tốc độ… Thêm vào đó, việc lắp thiết bị cũng khiến chính bản thân người lái xe phải có ý thức hơn trong việc tuân thủ quy định. Không chỉ thế, TBGSHT cũng giúp doanh nghiệp quản lý phương tiện của mình một cách khoa học và dễ dàng hơn. Nó cũng là một căn cứ để quy trách nhiệm khi có sự cố. Vì vậy, việc lắp đặt TBGSHT sẽ giúp người lái xe và doanh nghiệp thêm an toàn, thêm lợi nhuận.
Bài, ảnh: H.A
Từ ngày 1-1-2012, xe KDVT hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe KDVT hành khách hợp đồng buộc phải gắn TBGSHT. Từ ngày 1-7-2012, các loại xe KDVT hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe KDVT hành khách hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, KDVT hàng hóa bằng container phải lắp TBGSHT.

 

Bình luận (0)