Từ 1/7, khi Luật Bảo hiểm Y tế có hiệu lực thi hành, tại 10 bệnh viện lớn tuyến trung ương sẽ triển khai chương trình “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng hài lòng của bệnh nhân bảo hiểm y tế”.
TS Lý Ngọc Kính – Cục trưởng Cục Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế), đơn vị được giao soạn thảo chương trình trao đổi với Tiền Phong xung quanh vấn đề này:
Các bệnh viện xây dựng kế hoạch, triển khai hẹn khám bệnh theo giờ qua điện thoại, qua mạng internet đối với bệnh nhân không phải đối tượng cấp cứu là để chủ động phân bổ thời gian khám hợp lý, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi và bệnh viện chủ động việc tăng cường cho khoa khám bệnh.
Ngoài ra sẽ áp dụng quy trình phát số khám tự động có kiểm soát, thông báo trên bảng điện tử hoặc phát phiếu khám, số khám cho từng bệnh nhân và thông báo phiếu khám, số khám qua loa đài.
Tại các khoa cận lâm sàng sẽ trả kết quả nhiều lần trong ngày để bệnh nhân đỡ mất thời gian chờ đợi, hẹn rõ thời gian trả kết quả xét nghiệm hoặc tùy từng trường hợp có thể trả kết quả qua đường bưu điện.
Đặc biệt sẽ cắt bỏ những cung đoạn, thủ tục hành chính gây phiền hà đối với bệnh nhân nhập viện, tổ chức đón tiếp tốt, phổ biến các quy định cần thiết, thăm khám và thực hiện sớm, đầy đủ y lệnh khi bệnh nhân nhập khoa điều trị, tiến tới áp dụng bệnh án điện tử.
Đăng ký khám bệnh qua điện thoại, qua internet có khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu không, thưa ông?
Một bác sĩ chỉ khám 25 bệnh nhân một buổi. Nếu lượng bệnh nhân đông thì bệnh viện phải bố trí thêm bàn khám, bác sĩ, nhân viên y tế. Với những bệnh nhân đã đăng ký, bắt buộc phải khám cho họ đúng thời gian đã đăng ký, trừ trường hợp đặc biệt.
Bệnh viện phải tổ chức lại bộ phận đón tiếp, thông tin, hướng dẫn cho bệnh nhân thủ tục đến khám, nhập viện hoặc phải chuyển viện sau khi khám bệnh. Có như vậy mới giúp quá trình khám chữa bệnh được nhanh chóng và hiệu quả.
Nếu có thắc mắc trong quá trình khám chữa bệnh theo chương trình này, bệnh nhân sẽ liên lạc với ai, thưa ông?
Nếu có thắc mắc, bệnh nhân có thể gọi tới đường dây nóng của bệnh viện, hoặc trao đổi với bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin. Nếu chưa thỏa mãn với lời giải thích của bệnh viện, bệnh nhân có thể gửi thắc mắc tới Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế).
Từ ngày 1/7, 10 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện thí điểm chương trình gồm BV Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, K, Thống Nhất TPHCM, Hữu nghị, Mắt T.Ư, Nhi T.Ư, Phụ sản T.Ư và T.Ư Huế. Sau một thời gian thí điểm sẽ có đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện của chương trình này.
Trước khi triển khai chương trình, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với các bệnh viện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và có kế hoạch cụ thể triển khai chương trình.
Thái Hà (TPO)
Bình luận (0)