Sự kiện giáo dụcTin tức

Từ 2010, sẽ thu học phí theo ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Dự kiến học phí sắp tới sẽ tăng theo nhóm ngành. Ảnh: M.T

Tại hội nghị “Kế hoạch ngân sách năm 2010 các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25-12, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ trình Thủ tướng phê duyệt đề án cơ chế học phí mới (giai đoạn 2010-2015). Theo đó, sẽ xác định học phí theo các nhóm ngành.
Chi phí đào tạo bình quân thấp
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Văn Ngữ đánh giá, chi phí đào tạo bình quân cho 1 học sinh – sinh viên (HS-SV) năm 2009 rất thấp. Cụ thể, bình quân 1 học viên đào tạo sau ĐH được ngân sách nhà nước chi hỗ trợ 2,39 triệu đồng/năm. SV hệ ĐH – CĐ nhận mức tương ứng là 2,15 triệu đồng; hệ TCCN và nghề là 1,1 triệu đồng. Con số này đối với hệ đào tạo năng khiếu, phổ thông dân tộc nội trú, dự bị ĐH là 13,39 triệu. Mức ngân sách thấp rất khó để các trường tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị, tài liệu, giáo trình… đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Các trường lại phải đồng thời đối mặt không ít khó khăn khác. Như mức học phí đã được điều chỉnh dù có tăng nhưng không “thấm” so với chi phí đào tạo tăng đáng kể hiện thời. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hiện hành vẫn chưa tạo đủ điều kiện cho các trường tăng thu từ các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo… Nhiều trường thiếu hụt kinh phí do vừa phải thực hiện các chính sách miễn giảm học phí với số lượng lớn SV thuộc đối tượng chính sách xã hội lại vừa phải thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích học tập cho HS.
Là một trong số đơn vị thực hiện thí điểm mô hình tự chủ tài chính, PGS.TS Phạm Quang Trung (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đề nghị bộ nên nâng cao tự chủ cho các trường hơn và việc cắt giảm chi phí để các trường “tự đứng” được phải cần thực hiện theo lộ trình. Nếu không các trường sẽ gặp khó trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trả lương cho nhân viên, thậm chí dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong một bộ phận giáo viên. Phía ĐH Đà Nẵng đề cập vấn đề tăng kinh phí đào tạo tiến sĩ, mức bình quân trên 2 triệu đồng/tiến sĩ hiện nay thấp quá, rất khó đảm bảo chất lượng.
Thu học phí theo ngành học
Theo dự thảo quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2015, dự kiến sẽ ở mức như sau: khoa học xã hội, kinh tế, luật: 290.000 – 550.000 đồng/tháng; kỹ thuật – công nghệ: 310.000 – 650.000 đồng/tháng; khoa học tự nhiên: 310.000 – 650.000; nông – lâm – thủy sản: từ 290.000 – 550.000 đồng/tháng, y dược: từ 340.000 – 800.000 đồng/tháng; thể dục thể thao – nghệ thuật: từ 310.000 – 650.000 đồng/tháng.
PGS-TS Nguyễn Văn Đỉnh (Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho khối ngành nghệ thuật ít nhưng trong đào tạo cần đầu tư nhiều. Thực tế những ngành nghệ thuật, kỹ thuật kim hoàn, sơn mài… sĩ số chỉ từ 8-15 SV/lớp nhưng vẫn chỉ trả được giáo viên 29 ngàn đồng cho mỗi giờ đứng lớp và không có điều kiện để trả hơn. Ông Đỉnh đề nghị thời gian tới Bộ GD-ĐT nên xem xét lại mức ngân sách hỗ trợ cho những trường thuộc khối này bởi cứ duy trì theo mức tính hiện hành các trường nghệ thuật khó mà tồn tại, khó đảm bảo được chất lượng.
Bàn giải pháp cải thiện thu nhập cho người dạy, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khuyến khích hiệu trưởng các trường trả thu nhập cho giáo viên theo khả năng nguồn thu từ trường, ngoài mức lương tối thiểu theo quy định Nhà nước. Thực tế, có đơn vị “kêu” thu nhập của giảng viên trẻ hiện nay còn thấp, bình quân 1,5 triệu đồng/tháng (kể cả lương và phụ cấp). GS.TS Từ Quang Hiển (Giám đốc ĐH Thái Nguyên), đặt vấn đề cần có quy định rõ ràng trong công tác đào tạo cử tuyển, nhất là ở chi phí đào tạo. Trước đây, các trường được trực tiếp giao chi phí đào tạo cử tuyển. Theo quy định mới, chi phí này phải giao lại cho địa phương. Do đó, các trường phải ký hợp đồng đào tạo trực tiếp với từng địa phương. Trong khi đó, địa phương “quan niệm” những đối tượng này do Nhà nước cử đi học nên không trả chi phí đào tạo cho các trường. Vì thế, một số trường đã trả lại chỉ tiêu cử tuyển, từ chối nhận sinh viên cử tuyển gửi từ các địa phương.
Để các trường thuận tiện trong quản lý, trong năm 2010, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành khoảng 20 văn bản để hướng dẫn tập trung vào các vấn đề như: xây dựng chuẩn đầu ra, quy chế về nghiên cứu khoa học và đào tạo sau ĐH, cơ sở tham gia đánh giá lãnh đạo bộ, kiểm định chất lượng ĐH… Đồng thời, bộ yêu cầu đến hết năm 2010, các trường phải hoàn thành việc thực hiện “3 công khai”, nhất là công khai tài chính.
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)