Sự kiện giáo dụcTin tức

Từ 26-7, người dân TP.HCM không được ra khỏi nhà sau 18 giờ

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là yêu cầu mà ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra tại hội nghị trực tuyến Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 7, diễn ra tối 25-7.


Từ 26-7, người dân TP.HCM không được ra khỏi nhà sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trước đây sau 1 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP có đặt ra 3 kịch bản chống dịch. Dù rất cố gắng nhưng TP vẫn không đạt được mục tiêu kịch bản thứ nhất và phải thực hiện kịch bản thứ hai là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao. Hiện nay trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, kịch bản thứ ba nhiều khả năng sẽ áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp, đây là điều mà TP không mong muốn.

Để kịch bản thứ ba không xảy ra, trên cơ sở Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP đã ban hành Công văn số 2468/UBND-VX ngày 23-7-2021 với các biện pháp hết sức quyết liệt, chưa có tiền lệ và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó, để thực hiện hiệu quả nhất, ông Phong yêu cầu mọi người dân phải đặt mệnh lệnh cho chính mình thực hiện nghiêm "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”. Từ tối mai 26-7, người dân không được ra khỏi nhà sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh. 

Ông Phong yêu cầu lực lượng công an, quân sự, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 và phải tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố. Chính quyền địa phương tập trung lực lượng siết chặt các khu phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Mỗi khu phong tỏa phải thành lập tổ công tác quản lý, trong đó có sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, thanh niên xung phong, các đoàn thể và tổ Covid-19 cộng đồng để tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện quy định về giãn cách của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa. Yêu cầu tất cả mọi người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).

Đối với các lĩnh vực được phép hoạt động, ông Phong yêu cầu phải định kỳ đánh giá nguy cơ dịch bệnh, tuân thủ nghiêm các bộ tiêu chí an toàn và tuyệt đối không tập trung đông người; khuyến khích phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm”.

Các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy mô giảm còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn – lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác. Các công ty quản lý shipper phải điều chỉnh số lượng shipper được hoạt động đến mức tối thiểu theo hướng: giảm ít nhất từ 10% so với ngày thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy (ngày 22-7-2021). Shipper phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch Covid-19 và chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, TP.Thủ Đức, cụ thể, có thẻ đeo, có dấu hiệu nhận diện, thể hiện thông tin cá nhân, công ty và địa bàn hoạt động.

TP sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm trễ giải quyết phản ánh của người dân dẫn đến dịch bệnh lây lan tại đơn vị, địa phương do mình quản lý. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải gương mẫu chấp hành phòng chống dịch, nếu vi phạm xem xét xử lý kỷ luật.

Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu, kể cả cách chức. Mọi trường hợp vi phạm cách ly tùy theo mức độ sẽ xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật. Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trong thời gian thực hiện các quy định, ông Phong yêu cầu chính quyền địa phương đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhân rộng các gian hàng 0 đồng, phiên chợ nghĩa tình.

Đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu cần thiết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu phong tỏa, khu cách ly; không để ai phải thiếu ăn, thiếu mặc, không ai bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực này đề nghị liên hệ tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp. Khi khó khăn người dân có thể liên hệ đường dây nóng qua tổng đài 1022 hoặc đường dây nóng của địa phương để được hỗ trợ.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, từ ngày 27-4 đến nay, TP có 55.570 ca nhiễm đã được Bộ Y tế công bố. Riêng trong 17 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận 46.892 ca nhiễm; như vậy trung bình mỗi ngày phát hiện 2.931 ca bệnh; các ca nhiễm hiện nay được ghi nhận phần lớn là tại khu phong tỏa, khu cách ly.

Tình hình diễn biến phức tạp, khó lường có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách từ chính người dân và việc kiểm soát của cơ quan chức năng “ngoài chặt trong lỏng”. Hiện nay ở một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi trên đường dù TP đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chúng ta phải nhận thấy rằng việc này cực kỳ nguy hiểm, là nguyên nhân dịch kéo dài, nếu không dừng lại tình hình dịch sẽ tồi tệ hơn, bắt buộc TP phải áp dụng những giải pháp mạnh nhất, cao nhất và sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

N.Trinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)