Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 27-5-2018 sẽ thông xe cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) bắc qua sông Tiền. Mấy năm qua, người dân ở vùng tứ giác Long Xuyên đã trông đợi từng ngày để được đi trên chiếc cầu này, thay cho nỗi nhọc nhằn lụy phà.

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 1.

Người dân ở Đồng Tháp ngắm cầu Cao Lãnh từ bờ phía TP Cao Lãnh – Ảnh: CHẾ THÂN

Từ quốc lộ 30 (TP Cao Lãnh) vào đường dẫn nối vào cầu Cao Lãnh dài hàng chục cây số đã được xây dựng rất khang trang cho 4 làn xe lưu thông. 

Trên mặt đường mới thảm nhựa cũng vừa được kẻ những làn sơn trắng để phân làn cho xe lưu thông ngược xuôi qua lại cây cầu này.

Mơ ước bao đời thành hiện thực

Trên đoạn đường dẫn vào cầu Cao Lãnh gần 2km, tại xã Tịnh Thới (TP Cao Lãnh), các công nhân thuộc Tổng công ty Thăng Long đang hối hả thảm nhựa trên đoạn đường dân sinh dài khoảng 600m. 

Anh Nguyễn Văn Quý, kỹ sư kỹ thuật hiện trường, cho biết đây là đoạn đường dân sinh vừa được bổ sung vào dự án, sẽ hoàn thành thi công trong vài ngày nữa. 

Trên các tiểu đảo dẫn vào cầu, những nhóm công nhân đang tất bật trồng cây xanh để làm đẹp tuyến đường.

Đặt chân lên giữa cầu Cao Lãnh, chúng tôi được anh Vũ Mạnh Hiền, kỹ sư quản lý chất lượng thuộc liên danh nhà thầu thi công CRBC và Vinaconex E&C, cho biết công nhân đang kiểm tra định kỳ lực căng cáp dây văng cầu. 

Ông Trịnh Duy Hải, cán bộ phòng quản lý dự án cầu Cao Lãnh thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư dự án), cho biết các đơn vị thi công sẽ kiểm tra an toàn kỹ thuật cầu trước ngày thông xe.

Theo ông Hải, sau buổi lễ thông xe vào sáng 27-5, dự kiến khoảng 15h cùng ngày cầu Cao Lãnh sẽ cho xe cộ lưu thông. 

"Vào buổi tối sẽ mở đèn chiếu sáng mỹ thuật chiếu lên các sợi cáp dây văng, thân trụ tháp cầu và gầm cầu để làm đẹp kiến trúc cầu, tạo cảnh quan cho cả khu vực xung quanh. Cầu cũng được lắp các thiết bị rất hiện đại như hệ thống quan trắc về độ an toàn, camera giám sát giao thông…" – ông Hải giới thiệu.

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 2.

Chụp ảnh kỷ niệm cầu Cao Lãnh nối qua dòng sông Tiền – Ảnh: CHẾ THÂN

Đường về miền Tây bớt nhọc nhằn

Mặc dù còn vài ngày nữa cầu Cao Lãnh mới thông xe, nhưng những ngày qua có rất nhiều người dân ở Đồng Tháp đã lên cầu để ngắm nhìn cây cầu mong đợi này. Có mặt trên cầu trưa

24-5, em Hồ Thị Thanh Trúc cho biết em cùng hai bạn học cùng Trường THPT Nguyễn Quang Diệu (TP Cao Lãnh) tranh thủ giờ tan trường sớm lên tham quan cầu. 

"Cầu được xây rất đẹp, sắp tới các bạn ở TP Cao Lãnh qua huyện Lấp Vò rất lẹ, không còn phải chờ đợi phà" – Thanh Trúc nhận xét.

Đến tham quan cầu, ông Phạm Vĩnh Hảo (60 tuổi, nhà ở phường 11, TP Cao Lãnh) thổ lộ: "Vui lắm, cầu sắp thông xe nên dân Đồng Tháp không còn mệt mỏi những lúc kẹt phà Cao Lãnh từ 1-2 giờ".

Ông Trần Văn Thi, tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết khi thông xe cầu Cao Lãnh, thời gian xe lưu thông từ TP.HCM đến các địa phương trên tuyến và ngược lại sẽ rút ngắn đáng kể.

"Cầu Cao Lãnh được xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam còn có ý nghĩa to lớn về mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa chính phủ và nhân dân hai nước" – ông Thi nói.

Theo ông Thi, ngoài cầu Cao Lãnh, trước đây Chính phủ Úc đã tài trợ xây dựng cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang – Vĩnh Long) bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại. 

Việc xây dựng hai cầu này không những giúp hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn giúp chuyển giao trình độ quản lý cho đội ngũ kỹ sư của tổng công ty. 

Đồng thời cũng giúp chuyển giao công nghệ thi công cho các kỹ sư, thợ làm cầu Việt Nam để tiếp tục thực hiện các công trình giao thông quy mô lớn, kỹ thuật cao của đất nước.

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 3.

Công nhân kiểm tra an toàn từng hạng mục công trình – Ảnh: CHẾ THÂN

7.500 tỉ đồng kết nối đồng bằng sông Cửu Long

Công trình xây dựng cầu Cao Lãnh dài 2,01km và xây dựng cụm tuyến đường nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống dài 21,45km đi qua huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với tổng chi phí xây dựng khoảng 7.500 tỉ đồng. Cầu Cao Lãnh được thiết kế với quy mô cầu dây văng, nhịp chính dài 350m, chiều cao thông thuyền 37,5m, trụ tháp hình chữ H cao 123,4m, mặt cầu rộng 24,5m, gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô mặt đường rộng 20,6m cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80km/h.

Cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống thuộc dự án "Kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL" nhằm tạo điều kiện cho người dân từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP.HCM. Dự án trên còn kết nối với tuyến N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đang thi công, hình thành nên trục giao thông quan trọng kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ. Từ đây sẽ từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía tây theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc ở khu vực ĐBSCL.

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 4.

Các em học sinh trường THPT Nguyễn Quang Diệu háo hức lên cầu trước ngày thông xe – Ảnh: CHẾ THÂN

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 6.

Ông Phạm Vĩnh Hảo-người dân vui mừng được lên tham quan cầu trước ngày thông xe – Ảnh: CHẾ THÂN

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 7.

Tại xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, các công nhân hối hả thi công thảm nhựa đoạn đường dân sinh dài khoảng 600 m – Ảnh: CHẾ THÂN

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 8.

Công nhân vui vẻ dọn cỏ, trồng cây xanh làm đẹp tuyến đường lên cầu Cao Lãnh – Ảnh: CHẾ THÂN

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 9.

Các công nhân đang kiểm tra lực căng cáp dây văng – Ảnh: CHẾ THÂN

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 10.

Các kỹ sư kiểm tra công trình trước ngày thông xe (Ảnh chụp ngày 24-5) – Ảnh: CHẾ THÂN

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 11.

Cán bộ kiểm tra kỹ thuật trước ngày thông xe cầu Cao Lãnh – Ảnh: CHẾ THÂN

Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 12.
Từ 27-5 xe bon bon qua cầu Cao Lãnh - Ảnh 13.
NGỌC ẨN/ TTO

Bình luận (0)