Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Từ bài văn “lạc đề” nghĩ về việc dạy – học môn văn

Tạp Chí Giáo Dục

Sau chuyện một bài văn điểm 4 từng được đăng tải trên mạng với cách triển khai đề bài thể hiện cảm xúc về người thân từng gây nhiều tranh cãi, tuần qua, lại có thêm một bài văn điểm 4 thu hút nhiều ý kiến trái chiều khi bị phê rằng "lạc đề". Chưa bàn tới chuyện đúng, sai trong cách đánh giá của giáo viên, mà chỉ xin đề cập tới những điều còn trăn trở.
Cách đây khoảng một năm, cũng từng có một bài văn được post lên mạng gây xôn xao dư luận, nhưng với điểm 9 – cho thấy đây là môn học luôn nhận được sự quan tâm. Quay lại với bài văn điểm 4 vừa qua, với đề bài "Người bạn ấy sống mãi trong lòng tôi", HS viết về một chú mèo từng gắn bó suốt thời thơ ấu của mình. Cậu coi chú mèo là người bạn thân thiết nhất bởi có thể chia sẻ mọi cảm xúc – điều khó nói với bố, mẹ và anh trai bởi họ tối ngày bận rộn với công việc. Qua những từ ngữ miêu tả việc cậu đi câu cá, dằm cá cho mèo, chia sẻ với mèo khi bị điểm kém, đến những câu văn tả vẻ xăng xái của mèo khi tìm cậu để khoe chiến công bắt được chuột hay cách chú dụi dụi vào chân mỗi lần đón chủ đi học về… có thể thấy HS đã gần gũi, có cảm nhận khá sâu sắc và thể hiện chân thực những suy nghĩ, tình cảm của mình.

Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các nhà trường thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá môn văn theo hướng kích thích sự sáng tạo, kỹ năng diễn đạt và thể hiện tình cảm chân thực của HS. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT môn văn vừa qua cho thấy, một số nơi thực hiện chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân giải thích cho việc điểm thi môn văn ở một tỉnh thấp đột biến là do học sinh mất điểm ở câu hỏi đòi hỏi các em phải biết viết lên ý kiến của mình. Vì thế, cách triển khai đề bài và thoát ly cách diễn đạt, miêu tả chi tiết theo những bài văn mẫu – điều đang khá phổ biến ở các nhà trường hiện nay – cần được khích lệ.
Thống Nhất (HNM)

 

Bình luận (0)