Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Từ bài viết “Phụ huynh kiện vì trường cải tiến chỗ ngồi”: Nếu chưa phù hợp, phải điều chỉnh ngay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau bài báo nhan đề “Tại Trường Tiểu học Lương Định Của (TH LĐC): Phụ huynh kiện vì trường cải tiến chỗ ngồi”, để rộng đường dư luận, chúng tôi đã chuyển những lo lắng của bạn đọc đến phòng chuyên môn ngành GD-ĐT.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT, cho biết:

Khi HS đến trường học, vấn đề  an toàn sức khỏe của các em luôn là mối ưu tiên hàng đầu, các trường đều phải tạo điều kiện để HS phát triển mạnh khỏe một cách tốt nhất. Những băn khoăn, lo ngại của PHHS về việc con em bị vẹo cột sống là chính đáng. Tuy nhiên, yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy ngày càng cao, dẫn đến tổ chức hoạt động cũng phải thay đổi theo. Phương pháp dạy truyền thống bảng đen, phấn trắng cần thiết nhưng không phải là phương tiện duy nhất. Chúng tôi tham quan các lớp học ở Singapore thì thấy tất cả lớp học của nước bạn không ngồi theo kiểu của chúng ta hiện nay mà bàn ghế xếp ngồi theo kiểu học nhóm. Điều này chúng ta chưa làm được vì bàn ghế đóng chặt quá, không xoay chuyển được. Các trường đang nghiên cứu thêm để bố trí chỗ ngồi phù hợp theo xu hướng chung.
PV: Thưa ông, xã hội luôn ủng hộ cái mới tiến bộ nhưng nếu việc cải tiến lại làm PHHS bất an thì cũng cần phải xem xét lại?
Ông LÊ NGỌC ĐIỆP: Về chuyên môn, có thể PHHS chưa rõ, phương pháp học hiện nay khác trước, GV giao việc cho HS làm, tổ chức cho các em hoạt động học tập và nhắc nhở, giúp đỡ, đánh giá kết quả. Do vậy, GV hạn chế sử dụng bảng và HS cũng không nhất thiết phải quay cổ nhìn lên bục giảng. Trong trường hợp phải tập trung nhìn lên bảng đen, GV nhắc nhở HS đổi tư thế ngồi mà không phải quay lưng, ngoái cổ như PH lo ngại.
Trường TH LĐC tiến hành học theo nhóm mấy năm nay và mỗi năm có cải tổ hơn, Sở GD-ĐT đánh giá cao nỗ lực và nhiệt tình của nhà trường. Theo khảo sát của nhà trường, phần đông HS ham thích học nhóm. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị trường mời toàn thể PHHS họp để giải thích và lắng nghe ý kiến. Người làm công tác quản lý giáo dục phải đứng nhiều góc độ khác nhau để đánh giá. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy chưa phù hợp, chúng ta phải điều chỉnh ngay. Do vậy, góp ý của PHHS, dù cho chỉ là một ý kiến, cũng cần phải lắng nghe.
Học theo nhóm tại Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3. Ảnh: TIẾN ĐẠT
Không chỉ là vấn đề vẹo cột sống, PHHS lo lắng chất lượng học tập, GV có nguy cơ cháy giáo án, còn HS khó tiếp thu bài học?
Phương pháp học nhóm đòi hỏi năng lực sư phạm của người thầy trong soạn bài, năng lực tổ chức lớp học, giúp đỡ những HS chưa tiến bộ… Nếu các hoạt động trên lớp diễn ra nhịp nhàng, HS sẽ cảm thấy việc học thoải mái, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Mặt khác, trong Quyết định 896 của Bộ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ thực hiện chương trình cho người thầy và tự chịu trách nhiệm về tiết học. Nghĩa là GV có thể linh động tăng, giảm thời lượng một tiết học tùy theo đối tượng HS, miễn sao hoạt động dạy học đạt hiệu quả cao nhất.
Riêng việc Trường TH LĐC tổ chức học nhóm cho 100% bộ môn và HS, sau một học kỳ, Sở GD-ĐT sẽ có tổ chức đánh giá và rút kinh nghiệm. PHHS hãy ủng hộ một thế hệ mới, cách làm mới.
Theo nguyên tắc, GV muốn trao đổi với nhóm nào thì đến bàn của nhóm đó, GV bắt buộc phải có thao tác yêu cầu HS xoay cả người lại hướng về bảng. Đúng là thực tế GV có thể sơ ý lơ là quên nhắc HS nên nhiệm vụ của hiệu trưởng phải thường xuyên nhắc nhở vấn đề này trong các buổi họp chuyên môn.
Ngoài Trường TH LĐC, một số trường khác trong TP cũng đang thực hiện tổ chức việc dạy và học theo nhóm ở mức độ đơn giản hơn. Thưa ông, có ý kiến cho rằng, cơ sở vật chất, GV những trường này chưa đồng bộ thì việc áp dụng phương pháp mới là một sự vội vàng và hấp tấp?
Không thể chờ đợi được, phải đổi mới theo mức độ hiện có kết hợp với sáng tạo. Quan trọng nhất là năng lực GV có chịu đổi mới hay không … Trong những năm qua, giáo dục của mình chỉ là đơn vị thụ hưởng nên có một số thiệt thòi về cơ sở vật chất. Chúng tôi kiến nghị quận 3 cũng như các quận khác cho thay toàn bộ bàn ghế của trường học để các bộ bàn ghế nhẹ hơn.
HỒNG LIÊN thực hiện (SGGP)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)