Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tự bảo vệ mình

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây bạo lực học đường, nạn bắt cóc và xâm hại trẻ em khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất an. Để giúp các bậc cha mẹ ứng phó với những tình huống này, Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM đã kịp thời tổ chức buổi trò chuyện chuyên đề: “Kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình” do ThS Phạm Thị Thúy, chuyên gia tham vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng sống, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM đảm trách.
Trang bị kỹ năng
Khi được hỏi: “Điều gì có thể hoặc đã từng gây nguy hiểm cho con bạn ?”, rất nhiều phụ huynh đã không ngần ngại chia sẻ. Chị Đinh Thị Thu (quận 3) cho biết: “Xem ti vi thấy các clip trẻ em bị cô bảo mẫu đánh, rồi các bé trong lớp đánh nhau, tôi cứ nghĩ chuyện xảy ra ở ở đâu xa xôi lắm, nhưng mới đây, khi tắm cho con tôi bất ngờ phát hiện người con có vết bầm, hỏi mãi bé mới nói là bị bạn cấu”. Còn chị K. (quận 8) tâm sự, con gái chị từng bị nhân viên cứu hộ trong hồ bơi tấn công xâm hại vào năm bé học lớp 8, may thay cháu được chị cho đi học võ nên đã phản ứng kịp thời, thoát khỏi nguy hiểm.

Các phụ huynh trao đổi cùng ThS Phạm Thị Thúy.

Theo ThS Phạm Thị Thúy, ở bất cứ nơi nào và ở độ tuổi nào cũng có những mối hiểm nguy tiềm tàng cho trẻ. Trẻ nhỏ ở nhà sẽ có những mối nguy hại từ các thiết bị… trong nhà. Trẻ đến trường có thể bị bạn bè, giáo viên bạo hành. Trên đường từ trường về nhà, từ nhà đến công viên, từ công viên đến siêu thị, từ siêu thị đến hồ bơi, từ những nơi tưởng chừng vô hại… trẻ đều có thể bị lạc, bị người lạ mặt lừa gạt, gạ gẫm, xâm hại… Trong khi đó dù các bậc phụ huynh có dành thời gian cho con cái đến đâu cũng không thể dõi theo con suốt 24/7 và càng không thể bảo bọc con mình suốt đời. Do đó chúng ta phải rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình để có thể chống lại những tình huống xấu có thể xảy đến với trẻ. Nguyên tắc thứ nhất của kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình là gieo vào tư duy trẻ rằng: “Không ai bảo vệ mình bằng chính bản thân mình cả.”

Chị Nguyễn Thị Bạch Liên ở Phú Nhuận cũng cho biết, con chị năm nay 13 tuổi và chị thường xuyên nói cho con biết về những mối nguy hiểm mà con có thể gặp để cháu tự phòng tránh nhưng cháu không để tâm, thậm chí còn cho rằng mẹ quá lo xa. Vậy kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình là cần thiết, nhưng không hề đơn giản mà phải có phương pháp cụ thể và phù hợp.
Tự tin, tự lập, lễ độ và tử tế
Để có thể gieo vào tư duy trẻ rằng: “Không ai bảo vệ mình bằng chính bản thân mình” trước hết trẻ phải tự tin vào khả năng của bản thân. Để làm được điều đó trẻ cần có một khối lượng kiến thức vững vàng, kỹ năng cần thiết và sự hoạt bát, nhanh nhẹn để có thể tự lập ứng phó với từng tình huống khác nhau bất chợt có thể xảy đến. Đây là một quá trình rèn luyện dài hơi, vì thế “giáo án” của bài học này cũng phải theo từng giai đoạn phát triển và lứa tuổi của trẻ.

Những mối nguy hại có thể xảy đến với trẻ thường được chia làm hai môi trường: trong gia đình và bên ngoài xã hội. Ở độ tuổi sơ sinh – 3 tuổi, bất kỳ vật dụng tưởng chừng vô hại nào cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ngoài việc luôn trông chừng trẻ, các bậc phụ huynh nên bắt đầu tập cho con giới hạn những thứ không được chạm vào, không được bỏ vào miệng… Khoảng 3 – 6 tuổi trẻ bắt đầu có nhận thức rõ ràng về thế giới xung quanh, bắt đầu đi học và có bạn bè, các bậc phụ huynh nên dành thời gian theo dõi, trò chuyện về những hoạt động bên ngoài của con, chỉ cho con những bộ phận quan trọng trên cơ thể như đầu, mắt, vùng kín. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng, trẻ có thể bị tổn thương nặng, hoặc bị xâm hại nếu không biết tự bảo vệ những bộ phận quan trọng trên cơ thể. Bước vào độ tuổi nhi đồng (từ 6 – 12 tuổi) thế giới của trẻ trở nên phong phú hơn. Nhiều bé có thể tự đi học bằng xe bus hoặc xe đạp, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và vui chơi với bạn bè. Điều này đồng nghĩa với việc bé có thể tiếp xúc với nhiều người lạ hơn. Người lạ có thể tìm đến nhà, đóng vai bạn của mẹ hoặc giả người quen đến đón con ở trường, có thể xuất hiện như một người tốt khi con bị lạc hoặc cần con giúp đỡ. Ở tuổi này các bậc phụ huynh nên thay đổi phương pháp rèn luyện cho trẻ không chỉ bằng những lời dặn dò biến các bài học thành một trò chơi sắm vai và đặt tình huống. Ví dụ như: Một người lạ mặt đến đón con ở trường thì con làm thế nào? Nếu có người đến tìm ba mẹ khi con ở nhà một mình thì con có mở cửa không? … Hãy giả định và tập cho con bạn xử lý tình huống, sau đó hướng dẫn để con chủ động giải quyết theo đúng cách. Tuy nhiên, những trường hợp giả định sẽ không đủ thuyết phục con bạn bằng những thông tin trên báo chí, truyền hình. Đi kèm với thông tin là việc theo dõi những tác động bên ngoài của internet đối với trẻ. Nếu con bạn có mạng xã hội, bạn cũng nên có và kết bạn với chúng, đây là một kho dữ liệu những thông tin và mối quan hệ tốt, xấu đối với trẻ mà bạn nên thâm nhập một cách nhẹ nhàng.

Và điều quan trọng là ngay từ những năm tháng đầu đời hãy dạy cho con bạn cách cảnh giác chứ đừng tránh xa những người lạ mặt, bởi nếu không chúng sẽ trở nên ngại giao tiếp và khó hòa nhập. Hay cách từ chối sự giúp đỡ của người khác một cách lịch sự, lễ phép nếu không thật cần thiết. Cách lựa chọn chứ không phải là chối từ việc giúp đỡ những người xung quanh, bởi điều này sẽ hình thành sự vô cảm trong giới trẻ. Nếu những bài học được hướng dẫn một cách bài bản và được rèn luyện thường xuyên con bạn sẽ hiểu rõ khả năng của bản thân, tự tin vào chính mình mà vẫn lễ độ và sống tử tế.

PHAN NGỌC

(SGGP)

Bình luận (0)