Chỉ trong khoảng hơn 30 phút, bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM), cũng là người tiếp nhận đường dây nóng cúm A/H1N1, trả lời ít nhất 10 cuộc điện thoại nhờ tư vấn.
Bác sĩ Nghiệm cho biết, những cuộc gọi lúc đêm không hiếm, với những câu hỏi như: làm thế nào để tránh cúm A/H1N1? Các triệu chứng của nó như thế nào?…
Cũng theo bác sĩ Nghiệm, có hơn 1.000 loại bệnh có triệu chứng sốt, nhưng cách để mỗi người tự bảo vệ mình khỏi cúm A/H1N1 cũng rất đơn giản và mọi người không nên quá hoang mang.
Khám theo dõi dấu hiệu cúm A/H1N1 cho học sinh trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TP.HCM) – Ảnh: V.An
Cúm A/H1N1 là gì?
Vi-rút cúm A/H1N1 là một loại vi-rút mới xuất hiện, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp từ người này sang người khác qua các giọt nước bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính vi-rút cúm, sau đó đưa tay lên miệng, mũi.
Thời gian ủ bệnh là 7 ngày, thời gian lây truyền cúm A/H1N1 là 1 ngày trước khi có dấu hiệu bệnh và kéo dài đến 7 ngày sau khi phát bệnh.
Bệnh có các biểu hiện giống như cúm mùa như: sốt, đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể nôn, tiêu chảy. Cúm A/H1N1 có thể diễn biến nặng gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Ngày 11.6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố cúm A/H1N1 trên thế giới hiện đang ở cấp độ cảnh báo cao nhất, giai đoạn 6, nghĩa là một đại dịch cúm đã chính thức xảy ra.
Giai đoạn 6 không có nghĩa rằng H1N1 sẽ gây ra nhiều ca tử vong hoặc làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng. Điều này đơn giản có nghĩa là đã có bằng chứng rõ rằng rằng vi-rút đang lây lan một cách dễ dàng từ người này sang người kia tại các quốc gia khác nhau, thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới.
|
Tránh cúm
Tuy bệnh cúm A/H1N1 đang tiếp tục lan rộng ra cộng đồng, nhưng bác sĩ Nghiệm cho biết, loại vi- rút bệnh này không nguy hiểm như nhiều người nghĩ. Người khỏe mạnh nếu bị nhiễm cúm A/H1N1 có thể khỏi sau vài ngày, song phải tuân thủ chế độ tự cách ly giám sát tại nhà, phòng lây lan. Chỉ những người bệnh mãn tính về tim, phổi, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai mới dễ bị vi-rút cúm A/H1N1 tấn công.
Mỗi người có thể tự bảo vệ mình khỏi cúm bằng các biện pháp như:
– Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi. Việc đeo khẩu trang cũng có thể làm giảm sự lây truyền cúm.
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước (hoặc nước diệt khuẩn), tránh chạm tay vào mặt (đặc biệt là sau khi che miệng khi ho hoặc hắt hơi).
– Tránh tiếp xúc gần với những người có vẻ như không khỏe và những người bị sốt và ho. (Nên giữ khoảng cách khoảng 1m).
– Giảm thời gian hoạt động ở những nơi đông người. Hồ bơi là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm cúm vì tuy đã có chất khử khuẩn nhưng không chắc các hồ bơi có được xử lý vệ sinh thường xuyên hay không.
– Đi khám bệnh nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. Nếu sốt nhưng tình trạng chưa đến lúc cần phải đi khám ở các bệnh viện, có thể dùng Paracetamol 500mg, cứ 6 giờ đồng hồ còn sốt thì uống 1 viên rồi tiếp tục theo dõi.
Việc sử dụng khẩu trang không đúng cách có thể làm tăng hơn là giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra những hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách:
– Đeo khẩu trang cẩn thận để che miệng và mũi, buộc chặt để giảm tối thiểu khe hở giữa mặt và khẩu trang.
– Không chạm tay vào khẩu trang.
– Không sử dụng lại những loại khẩu trang chỉ được sử dụng một lần.
– Thay khẩu trang mới, khô sạch nếu khẩu trang bị ẩm, bẩn; giặt kỹ khẩu trang và ủi nóng đối với các khẩu trang thông thường vẫn đeo khi đi đường.
|
Bên cạnh đó, việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mỗi người là điều hết sức cần thiết như: ăn các loại trái cây có vitamin C hay uống thêm viên sủi vitamin C pha với chừng 1/2 lít nước mỗi ngày; có các thói quen tốt cho sức khỏe như: ngủ đủ, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và tích cực hoạt động thể chất.
Các vật dụng sinh hoạt cá nhân cũng cần được quan tâm như: sử dụng khăn mặt, khăn tắm, bàn chải, kem đánh răng riêng. Dụng cụ ăn uống chung, sau dùng phải xử lý bằng xà phòng hoặc phơi nắng trong nhiều giờ, hoặc xử lý bằng nước đun sôi. Nên sử dụng ly uống nước riêng.
Môi trường sinh hoạt thông thoáng là một yếu tố làm giảm thiểu sự phát triển và độ lây lan của vi-rút cúm A/H1N1. Theo lời khuyên của ngành y tế, các gia đình, trong các cao ốc văn phòng nên hạn chế dùng máy lạnh và vệ sinh máy lạnh thường xuyên; đặc biệt hạn chế dùng máy lạnh trung tâm tại các văn phòng, thay vào đó là quạt máy, quạt thông gió. Mở tung các cửa sổ cho không khí và đặc biệt là ánh sáng mặt trời lọt vào vì vi-rút cúm A/H1N1 chỉ tồn tại được ngoài không khí trong 3 giờ đồng hồ và sẽ bị tiêu diệt nhanh hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
WHO khuyến cáo: “Bạn chỉ cần uống thuốc kháng vi-rút, ví dụ như oseltamivir hay zanamivir, nếu nhân viên y tế thăm khám cho bạn khuyên bạn phải làm như vậy. Các cá nhân tuyệt đối không nên mua thuốc để phòng ngừa hay phòng chống loại cúm mới này (Tamiflu) mà không có đơn thuốc của bác sĩ, và nên thận trọng khi mua thuốc kháng vi-rút qua trang thông tin internet quốc tế”. |
Quần áo, mùng mền, màn cửa cần được xử lý vệ sinh thường xuyên hoặc mang ra ngoài phơi nắng. Hằng ngày nên sử dụng nước javel, xà phòng, nước diệt khuẩn (chất tẩy Natri hypochlorite 0,05%, cồn Ethanol 70 độ) lau chùi sàn nhà, bàn ghế, tay nắm các cửa ra vào, nhất là cửa nhà vệ sinh.
Bác sĩ Nghiệm cho biết: “Hiện nay, ngành y tế vẫn còn kiểm soát được dịch bệnh cúm A/H1N1 và còn đủ khả năng cách ly, điều trị mặc dù số ca bệnh có tăng. Ngành y tế cũng đang chờ khẳng định của WHO cùng những chuyển biến mới của H1N1 khi bắt đầu mùa đông, để xác định cúm A/H1N1 có phải là bệnh mùa vụ hay không”.
Nguyên Mi (TNO)
Bình luận (0)