1. Sáng đi làm, chạy xe ngang qua con đường nọ, tôi bỗng chú ý một tấm biển dựng bên lề đường: “Tụi con bán sữa”. Đứng cạnh tấm biển là hai cô sinh viên giơ tay vẫy chào, miệng cười tươi xinh xắn. Ấn tượng với cách tiếp thị dễ thương này, tôi dừng xe lại. Các em đon đả chào mời: “Dạ cô mua sữa giúp tụi con, sữa do tụi con tự nấu ạ!”, “Cô dùng thử sữa, nếu thấy ngon, mời cô ủng hộ tụi con”. Tôi không rành marketing lắm nhưng nhận thấy cách tiếp thị của các em sinh viên có những ưu điểm sau: Thứ nhất, dùng ngôn ngữ bình dân giản dị: Từ “tụi con” là từ địa phương miền Nam, nghe chân chất, dễ thương làm sao. Đánh vào đối tượng khách hàng lớn tuổi, nhìn vào sẽ thương mà ghé ủng hộ; nhưng những người trẻ tuổi không vì thế mà ngoảnh mặt làm ngơ, cũng muốn ngừng lại xem bạn trẻ bán gì. Thứ hai, từ “tụi con bán sữa” đánh vào tâm lý, tình cảm khách hàng hơn là lý trí. Không cần nêu bán sữa gì, không cần quảng cáo sữa ngon như thế nào, chỉ cần báo cho mọi người biết mặt hàng bán là “sữa” và người bán sữa chính là “tụi con”! Thứ ba, các em phân công rõ ràng: hai cô gái dễ thương đứng vẫy tay chào khách với nụ cười tươi. Nụ cười thân thiện của các em là nam châm thu hút khách dừng chân. Các bạn đứng bên trong, người pha, rót sữa, kẻ giao sữa và nhận tiền. Thao tác rành rẽ, pha chế sạch sẽ, thái độ lễ phép, khách đi đường nhìn vào thiện cảm với các sinh viên làm kinh tế.
2. Tôi tìm hiểu thêm thì được biết đây là những sinh viên tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự nấu sữa bán để kiếm thêm tiền cho các sinh hoạt hàng ngày. Khi “xuống đường” làm kinh tế các em đã dẹp qua ngần ngại bản thân, vượt qua rào cản của sĩ diện và sự thẹn thùng của tuổi mới lớn, thậm chí phải dầm mưa, dãi nắng. Có thể đây là “khởi nghiệp” đầu tiên của các em trong cuộc đời. Tôi thầm cảm phục các em vì tinh thần lao động chân chính và thái độ dấn thân này. Tôi còn được biết các sinh viên khác, ngoài giờ học còn làm thêm nhiều việc để có thêm tiền trang trải cho việc học và sinh hoạt hàng ngày như: giúp việc nhà theo giờ, làm thêm ở nhà hàng, quán ăn, dạy kèm trẻ tại gia, thậm chí chạy xe Grab.
Có những sinh viên may mắn, kinh tế gia đình đầy đủ, được cha mẹ lo cho mọi thứ, không cần phải tìm kế mưu sinh. Những em này chỉ biết học và hoàn thành các nhiệm vụ ở trường. Vậy mà thật đáng trách, một số em lại không học hành nghiêm túc, lãng phí thời gian vào những cuộc chơi vô bổ. Tôi tin rằng các em ấy sẽ không được rèn luyện và mau chóng trưởng thành bằng những sinh viên nghèo phải lăn xả vào đời sớm, phải mưu sinh bằng lao động chân chính.
3. Cháu tôi du học ở nước ngoài về kể lại, trong kỳ nghỉ hàng năm, nhà trường đã tạo nhiều điều kiện cho học sinh thâm nhập cuộc sống, thực hiện nhiều dự án, đăng ký làm thêm công việc ở bên ngoài để rèn luyện thực tế. Vì thế nên khi vào đời, các em thích nghi nhanh mà không phải ngỡ ngàng, lúng túng.
Ở nước ta, có một điều nghịch lý là vào năm học thì giáo viên cho rằng phải chạy đua với chương trình, không có thời gian để hoạt động trải nghiệm thực tế. Trong khi đó thời gian nghỉ hè rộng thênh thang hai tháng, quỹ thời gian khá ư là rảnh rỗi thì học sinh lại ở nhà chơi rong, thiếu sự hướng dẫn những hoạt động trải nghiệm. Nếu gia đình khá giả thì đăng ký cho con em tham gia trại hè này, chuyến tham quan nọ; còn thì phần lớn các em vùi đầu vào máy tính chơi game hoặc chơi những trò thiếu lành mạnh, gây lo lắng, buồn phiền cho cha mẹ. Để rảnh tay và muốn có người quản lý con, phụ huynh lại nhét các em vào những lớp học thêm. Rốt cuộc, tuy nghỉ hè nhưng các em cũng chỉ biết học và học, hai chữ “thực tế” vẫn còn là điều rất xa vời.
Thiết nghĩ, nền giáo dục nước ta cũng phải chuyển đổi mạnh mẽ về vấn đề này. Nhà trường nên tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận cuộc sống ngay từ khi học phổ thông. Nhất là vào dịp nghỉ hè, nhà trường nên tổ chức các hoạt động cho học sinh trải nghiệm thực tế. Ví dụ như tập bán hàng, tập làm kinh tế nhỏ để gây quỹ, làm vệ sinh môi trường ở khu phố, làm công tác xã hội ở những cơ sở từ thiện…
Câu chuyện “tụi con bán sữa” trên đây cũng là một việc làm đáng suy nghĩ và đáng biểu dương. Mong sao mỗi khi hè đến là dịp để học sinh được học từ cuộc sống sinh động muôn màu, muôn vẻ để những ngày nghỉ hè thực sự bổ ích và hứng thú đối với các em.
Trần Thị Bình Dương (TP.HCM)
Bình luận (0)