“An toàn khu (ATK) đang dần trở thành điểm đến du lịch nổi bật ở Thái Nguyên. Bởi, nơi đây sở hữu quần thể Di tích quốc gia đặc biệt có diện tích lớn với hơn 180 điểm di tích trải dài trên nhiều xã, thị trấn. Nhiều nghị quyết, kế hoạch của Đảng, Nhà nước đang tập trung phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử ATK”, ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết.
Đoàn về thăm Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và chụp hình lưu niệm tại tượng Bác Hồ
Tiềm năng du lịch
Trong ký ức của nhiều người, ATK trước đây chỉ là những miền đồi núi hiểm trở, cùng những cung đường ngoằn ngoèo, uốn lượn; vực sâu, rừng rậm, người dân nghèo khó. Hôm nay, ATK đã là chốn thị tứ với những khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao, khu du lịch sinh thái, đường cao tốc, nhà cao tầng, nơi tìm về lịch sử của du khách thập phương.
Chúng tôi về ATK thăm những chứng tích đã đi vào sử sách như: Nhà tù Chợ Chu, nơi thành lập Việt Nam Giải phóng quân, nơi Bác ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo; Cụm di tích Bác ở tại Khuôn Tát (Cây đa, đoạn suối Khuôn Tát – nơi Bác tắm, giặt, câu cá, nhà sàn và hầm Bác ở tại đồi Nà Đình…); thăm nơi Tổng Bí thư Trường Chinh, Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại Phụng Hiển, rồi địa điểm Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam; thắng cảnh Khuôn Tát và nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam… Từ trên những đỉnh cao, phóng tầm mắt ra xa là đèo cao, dốc thẳm, rừng rậm… nhờ vậy mà đã “che bộ đội, vây quân thù” trong thời kháng chiến. Thỉnh thoảng, trên đường đi, chúng tôi thấy nhiều đoàn công nhân đang bạt núi mở rộng đường ra nhiều làn xe; các khu nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng, các điểm vui chơi, điểm dừng chân cho du khách tấp nập người ra vào. Điều đó, làm chúng tôi thấy vui vẻ, xen lẫn niềm tự hào.
Các đoàn tham quan đến An toàn khu đều lưu lại kỷ niệm với các di tích đã đi vào lịch sử của dân tộc
Chị Vũ Thị Thu Hương, cán bộ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thái Nguyên với giọng trầm ấm, giới thiệu cho chúng tôi thêm sự đa dạng của các di tích nơi đây. Chị bảo: Trên địa bàn huyện có 17 xã, thị trấn nhưng có khoảng 183 điểm di tích lịch sử cách mạng và danh thắng, 30 di tích quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh…. Còn ông Nguyễn Minh Tú, vừa đứng chụp hình với chúng tôi, ông vừa vui mừng cho biết: Với tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên cùng các tuyến quốc lộ được nâng cấp, mở rộng, thời gian di chuyển từ thủ đô về Thái Nguyên được rút ngắn, giúp Định Hóa nói riêng và Thái Nguyên nói chung đã gần hơn với du khách. Định Hóa những năm gần đây tổ chức nhiều chương trình lớn nhằm ôn lại truyền thống hào hùng gắn với phát triển du lịch. Trong thời gian tới, Định Hóa tiếp tục tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng tới thế hệ trẻ đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên qua những hình thức trải nghiệm thực tế. Ngoài các điểm di tích, các du khách sẽ có những trải nghiệm trong hoạt động nhóm cộng đồng, vui chơi, giải trí, hòa mình vào không gian văn hóa địa phương.
An toàn khu – Kết nối và phát triển du lịch về nguồn
Trong báo cáo của huyện Định Hóa nhấn mạnh về những chủ trương đã đi vào đời sống người dân, tạo được hiệu quả bước đầu như: Nghị quyết 08 (2018) về Định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên; Nghị quyết 14 (2021) của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử truyền thống được xác định là một trong các sản phẩm du lịch chủ lực. Nói về thực hiện các chủ trương của các cơ quan cấp trên tại huyện Định Hóa. Ông Nguyễn Minh Tú, khẳng định: Chủ trương của huyện là gắn phát triển kinh tế với du lịch về nguồn. Huyện đã chủ động với phối hợp với sở ban ngành xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng và sinh thái Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; lập hồ sơ khoa học di tích, di sản văn hóa phi vật thể và sưu tầm hiện vật lịch sử văn hóa; thực hiện quy hoạch, đề án, dự án tu bổ di tích, sinh thái, cảnh quan và môi trường; thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích; tuyên truyền, quảng bá, tổ chức lễ hội, thu hút du khách gắn với phát triển du lịch, dịch vụ…
PGS.TS Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (áo xanh đứng giữa bên trái) và ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa trao học bổng cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn
Ngoài ra, UBND huyện Định Hóa phối hợp tổ chức các hoạt động “Trải nghiệm về nguồn – ATK Thủ đô gió ngàn”, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá văn hóa, du lịch Thái Nguyên. Tổ chức hoạt động trải nghiệm liên kết điểm du lịch tại Khu di tích lịch sử, sinh thái ATK Định Hóa với các điểm du lịch khác trong tỉnh nhằm phát triển chuỗi du lịch lịch sử – giáo dục – sinh thái tại Thái Nguyên. Mặt khác, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong huyện.
Về ATK được biết, được tìm hiểu và tận mắt chứng kiến sự thay da, đổi thịt từng ngày nơi vùng lịch sử chiến khu; được nghe lãnh đạo huyện Định Hóa cho biết về nhiều giải pháp phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội trong giai đoạn tới như: Xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh; Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Kêu gọi đầu tư cụm Khu công nghiệp Tân Cương; đẩy mạnh thực hiện chương trình Chuyển đổi số và cải cách hành chính; tập trung xây dựng Đồ án quy hoạch mở rộng thị trấn Chợ Chu theo Quyết định số 419 (2016) của Thủ tướng về Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên – Tuyên Quang – Bắc Kạn… Tiếp tục phát triển, duy trì những hoạt động văn hóa như: Lễ hội chùa Hang; Lễ hội Lồng Tồng… Thực hiện những điều đó, ngoài mục tiêu tôn vinh các dự án di tích lịch sử và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, còn nỗ lực tạo sức bật cho ngành du lịch Thái Nguyên trong thời kỳ mới.
Đoàn chúng tôi về ATK lần này là cán bộ do Thành ủy TP.HCM cử đi học tập, phần lớn sinh ra, lớn lên trong thời bình. Qua chuyến đi đã giúp chúng tôi thêm đỗi tự hào về con người và vùng đất đã đi vào huyền thoại đang được hồi sinh, phát triển từng ngày.
Trần Mạnh
Bình luận (0)