Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Từ chợ đầu mối về chợ lẻ: Vì sao chênh lệch giá cao?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện tượng giá bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như rau củ quả, thuỷ hải sản vọt lên cao hơn 200 – 300% so với chợ sỉ xuất hiện trong vòng ba tháng trở lại đây, không chỉ do chi phí khâu phân phối tăng…

Theo các tiểu thương chợ lẻ, do số lượng bán hàng mỗi ngày ít, lại không có phương tiện vận chuyển và nếu mua trực tiếp hàng từ chợ đầu mối về bán thì phải thức khuya dậy sớm nên họ thường lấy lại của trung gian.
Nhiều trung gian

Quãng đường từ chợ đầu mối đến chợ lẻ, tuy ngắn nhưng qua ít nhất hai, ba tầng nấc. Chị Hải, chủ vựa rau ở chợ Tam Bình nói rằng: các vựa ở chợ đầu mối bán lại cho một trung gian, rồi từ trung gian này rau mới tới tay các tiểu thương chợ lẻ. Cứ qua mỗi khâu, giá phải tăng ít nhất 15 – 20% do gánh thêm chi phí vận chuyển, hao hụt…

Giá nhiều loại thực phẩm tươi sống ở các chợ lẻ có khi gấp hai, ba lần chợ sỉ.

Ảnh: Lê Quang Nhật

Anh Hiền, một tài xế xe tải nhỏ, đồng thời là chủ mặt hàng rau củ bỏ mối cho một số chợ trung tâm Thủ Đức tính toán, giá từ chợ đầu mối đến tiểu thương chợ lẻ phải tăng ít nhất 15 – 20% vì chi phí xăng dầu và hao hụt.
“Tui thường mua rau cả bó, rồi về bán lại cho tiểu thương chợ lẻ và họ phải lựa chọn nên tỷ lệ hư hỏng mất ít nhất 15% nên phải bù vào giá mới có lời…”, Hiền nói thêm.
Cũng giống như mặt hàng rau, thịt từ chợ đầu mối về chợ lẻ cũng qua ít nhất hai trung gian, tỷ lệ tăng giá thêm khoảng trên 5%.
“Bọn chị thường mua heo mảnh của một đầu mối mua lại từ các vựa ở chợ Hóc Môn với giá 50.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng so với giá chợ sỉ”, chị Hải, tiểu thương ở chợ Bắc Ninh, Thủ Đức cho hay.
Giá chợ lẻ
Chị Hải chìa cuốn sổ ghi chi tiết giá từng mặt hàng rau mua của thương lái ở Lâm Đồng nói: cà chua thu vào 4.000 đồng thì bán cho đầu nậu đưa về chợ lẻ có 4.300 đồng, bắp cải tăng thêm có 400 đồng lên 2.000 đồng/kg, cải thảo mua vô 4.000 đồng, bán ra chưa đến 4.500 đồng/kg…
Thế nhưng, khi về đến chợ lẻ thì tiểu thương đẩy giá cà chua lên 10.000 – 12.000 đồng, cải bắp 7.000 đồng, cải thảo 8.000 đồng…
Mặt hàng thuỷ sản, từ chợ đầu mối Bình Điền giá cá lóc có 45.000 đồng/kg, thì đến chợ lẻ người tiêu dùng phải mua 65.000 đồng, tăng 44%; cá kèo từ 40.000 đồng lên 75.000 đồng, tăng 87%, cá nục từ 27.000 – 30.000 đồng/kg tăng lên 45.000 – 48.000 đồng, thêm hơn 66%… Thịt heo tuy mức chênh lệch giá ít hơn, nhưng tiểu thương chợ lẻ cũng kiếm lời 4.000 – 5.000 đồng/kg…
Có nhiều yếu tố được các tiểu thương bán lẻ đưa ra để lý giải cho giá bán lẻ cao như: mức chi phí cho một chỗ bán lên đến cả triệu đồng mỗi tháng, việc buôn bán ở chợ dưới thời tiết nắng mưa khiến tỷ lệ hao hụt hàng hoá nhiều, chi phí vận chuyển tăng cao do đường xa, kẹt xe… và áp lực chi phí đời sống của họ ngày càng tăng.
Bà Hai, bán rau cải tại chợ Bình Thới hơn 20 năm kể, ba giờ sáng con gái bà chạy xe từ nhà ở khu Cầu Tre (quận 11) ra chợ Bình Điền mua hàng cho đến năm giờ sáng. Trước đây, vốn liếng cả sạp rau quả của bà Hai chỉ hơn một triệu. Bây giờ giá cả tăng cao, tiền hàng mỗi ngày chợ của bà gần ba triệu. Cải xàlách bà mua tại chợ đầu mối 40.000 đồng/kg, đem về bán lẻ 50.000 đồng/kg, lời 10.000 đồng, nhưng bà kể: “Có lúc cải bị giập nát, hư hỏng phải chịu lỗ”.
Tiểu thương chợ lẻ tính toán, để có một chỗ ngồi bán hàng, mỗi tháng phải chi khoảng từ 1 – 2 triệu tiền thuê sạp, chưa kể tiền điện nước, sinh hoạt phí cá nhân ở chợ…
“Giá cả tăng cao, buôn bán khó khăn. Nhiều lúc còn phải mượn bạc lãi đến 20%/tháng để đắp vô vốn”, bà Hai than như vậy.
Trong khi đó, bà Liên, bán rau ở chợ Hoàng Hoa Thám, Tân Bình cho rằng: lúc giá chợ sỉ giảm, bán lẻ khó giảm vì chợ lẻ còn gánh những chi phí khác, mà những chi phí này không giảm. Một chuyến rau chừng 200 ký, thuê xe từ chợ Bình Điền về hết 200.000 đồng, chi phí cho mỗi ký hết 1.000 đồng, thuê người phụ bó và sơ chế rau lại cho đẹp tốn thêm 500 đồng/kg, loại bỏ rau hư, giập, cỏ rác trong mớ hàng sỉ khoảng 20%, cộng với chi phí thuê sạp, tiền dây, tiền bao đựng… Các chi phí này đều tăng so trước đây. Bà Liên nói: “Tôi đi chợ hàng ngày, cũng phải mua với giá tăng. Giá rau bán lẻ phải tăng gấp đôi giá mua mới đủ bù công sức, trang trải các chi phí”.
Nguồn SGTT

Bình luận (0)