Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Từ chối học nghề vì sợ mất… trợ cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người lao động (NLĐ) dù  thất nghiệp nhưng vẫn từ chối học nghề vì sợ sẽ không còn được hưởng trợ cấp.
Vấn đề hỗ trợ học nghề cho NLĐ thất nghiệp gặp khó khăn vì chính NLĐ không quan tâm. Thay vì học nghề để có việc làm ổn định, họ chỉ muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thà… thất nghiệp hơn đi học!
Theo báo cáo của Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM tại hội thảo “Tư vấn hỗ trợ học nghề cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp” do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức ngày 13-12, đến nay toàn thành phố có trên 35% người được hưởng trợ cấp hàng tháng có nhu cầu tư vấn giới thiệu việc làm. Trong khi đó, số người được giới thiệu việc làm chỉ chiếm chưa đầy 3%. Cũng chỉ trên 0,5% số người đề nghị và được hỗ trợ học nghề.
Thực tế, số đông NLĐ đăng ký và hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ nhằm nhận tiền trợ cấp, ít quan tâm đến vấn đề tìm nguồn việc làm mới hoặc hỗ trợ học nghề…
Trung tâm Dạy nghề quận Bình Tân, một trong 4 đơn vị thu hút được đông đảo số lượng người thất nghiệp “chịu” đi học nghề của toàn thành phố, năm 2012 cũng chỉ có 60 người theo học nghề. Trong khi đó, số người được tư vấn học nghề lên đến trên 3.000 và hơn 100 người có quyết định trợ cấp. Con số người thất nghiệp được giới thiệu việc làm còn “hẻo” hơn, chỉ 10 lao động. Giám đốc trung tâm Lê Thanh Vân lý giải, phần lớn NLĐ có trình độ học vấn thấp nên ngại học nghề. Nhiều người có con nhỏ, lớn tuổi, nhà xa càng không “thiết tha” đăng ký.
Trường CĐ Nghề iSPACE năm nay cũng chỉ đào tạo nghề được cho 7 lao động. “Mặc dù trường rất tích cực tư vấn cho lao động thất nghiệp nhưng số người đăng ký được hỗ trợ học nghề trong các năm qua vẫn còn thấp” – ông Võ Văn Hiệp (Giám đốc Trung tâm Đào tạo bác sĩ máy tính thực hành, Trường CĐ Nghề iSPACE) thừa nhận. Ông Hiệp đề cập thêm một số nguyên nhân, người lao động thất nghiệp mới đăng ký học nghề, sau đó có việc làm thì lại bỏ ngang. Ngoài ra, lượng học viên đăng ký quá ít, không đủ mở lớp, phải kéo dài thời gian chờ đợi khiến họ thấy nản.
Là đơn vị mới tham gia đào tạo nghề cho người thất nghiệp được 7 tháng nay, Trường TC Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương cũng đào tạo nghề cho gần 40 lượt lao động, tuy nhiên học viên vẫn chưa thực sự hài lòng. “Đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông, tay nghề thấp với thu nhập chỉ từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng nên khi mất việc họ chỉ quan tâm đến khoản được trợ cấp và tìm ngay việc mới nhằm trang trải cuộc sống thay vì chú ý đầu tư tay nghề” – một đại biểu nhấn mạnh.
Trợ cấp… lạc hậu!
Mức chi phí hỗ trợ 300 ngàn đồng/NLĐ/tháng được xem là lạc hậu và “không thấm tháp” so với tình hình giá cả leo thang hiện nay. ThS. Nguyễn Đắc Hiển (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương) nêu thực tế: “Phần lớn người học đã thất nghiệp nhưng lại phải bù thêm chi phí (thường là gấp đôi) cho việc học nghề dẫn đến tâm lý e ngại”. ThS. Hiển còn nêu thực tế, việc thanh toán tiền hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp còn quá chậm, gây ảnh hưởng đến khâu chi trả thù lao cho giáo viên cũng như quyết toán chi phí thực hành cho học viên.
Phó hiệu trưởng Trường TC Nghề Thủ Đức Tạ Quang Sinh cũng đơn cử, tại đơn vị, trường luôn phải ứng tiền túi trả cho giáo viên trước vì chờ nguồn thanh toán quá chậm. 
Nâng mức kinh phí hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp là kiến nghị cấp thiết của hầu hết các đơn vị có tham gia đào tạo. Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM Trần Xuân Hải kiến nghị, mức kinh phí hỗ trợ nâng lên nhằm phù hợp với chi phí đào tạo của từng ngành nghề nhưng không quá 700 ngàn đồng/tháng và không quá 6 tháng.
Việc thu hút NLĐ thất nghiệp học nghề, theo ông Võ Văn Hiệp (Giám đốc Trung tâm Đào tạo bác sĩ máy tính thực hành, Trường CĐ Nghề iSPACE), cần phải làm “tới nơi tới chốn”, cốt lõi phải cải thiện được thu nhập thông qua bằng cấp. Ông Hiệp cho rằng, lý do NLĐ thất nghiệp ngoài việc doanh nghiệp giải thể còn do chuyên môn và bằng cấp của họ chưa đáp ứng. Do đó, việc giải quyết tình trạng thất nghiệp cần tập trung nâng cao chuyên môn và cải thiện bằng cấp của NLĐ. Hiện nay, hoạt động dạy nghề cho người thất nghiệp chỉ mới dừng lại ở việc đào tạo sơ cấp. Sau khi hoàn thành sơ cấp nghề và trở lại môi trường làm việc, thu nhập của NLĐ phải được cải thiện so với lao động phổ thông thì hoạt động dạy nghề mới thật sự thu hút.
Mê tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)