Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Từ chối làm thầy để… làm thợ

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là lựa chọn con đường sự nghiệp của anh Đinh Xuân Tân (sinh năm 1987, quê Bình Định), kỹ sư cơ khí ô tô hiện làm việc tại Xí nghiệp Công nghiệp và Dịch vụ ô tô (ISAMCO).

Anh Đinh Xuân Tân (trái) đang hướng dẫn thợ sửa xe cho khách

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí động lực (hệ liên thông tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM), anh Tân được một giảng viên giới thiệu đi dạy tại một trường trung cấp, nhưng thay vì đồng ý thì anh từ chối và xin vào làm việc tại ISAMCO đến nay. Vừa qua, anh là một trong 6 gương mặt được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu thành phố năm 2015.

Ký hợp đồng sau 1 tháng thử việc

Quyết định từ bỏ công việc làm thầy để lao động chân tay có vẻ hơi điên rồ, nhưng với anh Tân, công việc này giúp anh vận dụng kiến thức đã học vào ứng dụng thực tế. Qua trải nghiệm, kỹ năng tay nghề của anh dần nâng cao, từ đó anh đã đúc rút kinh nghiệm và đưa ra những sáng kiến nhằm nâng cấp máy móc hoạt động tốt hơn.

Những ngày đầu làm việc tại ISAMCO, anh Tân được giao bảo dưỡng, sửa chữa các lỗi hỏng hóc đơn giản của xe ô tô. Chưa hết, do sợ tay nghề anh chưa vững nên công ty còn cắt cử người kèm cặp thêm. Cũng như nhiều sinh viên mới ra trường, anh không tránh được tâm lý lo lắng khi bắt tay vào làm việc. Vì ở trường, sinh viên chỉ sửa chữa trên máy móc “chết”, nếu làm hỏng cũng không ảnh hưởng đến ai hay làm chưa xong thì ngày mai làm tiếp. Ngược lại, khi ra thực tế, máy móc hoạt động thật, lại là sản phẩm được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến, yêu cầu người thợ phải đảm bảo chất lượng và thời gian. Chưa hết, ISAMCO là đơn vị luôn đặt uy tín làm đầu, làm hỏng thì bản thân người thợ phải đền sản phẩm, chưa kể còn bị trừ tiền lương…

Tuy nhiên, với những kiến thức đã học ở trường cùng với tinh thần năng động, cầu tiến, làm việc có trách nhiệm, anh Tân luôn tìm ra cách sửa chữa nhanh và chính xác nhất. Từ những hỏng hóc đơn giản đến phức tạp, anh luôn hoàn thành tốt. Từ đó, chuyên môn tay nghề của anh sớm được khẳng định, vì vậy, chỉ sau 1 tháng thử việc, anh đã được ký hợp đồng chính thức, một mình đứng xe làm từ những chi tiết đơn giản đến khó nhất.

Sau hơn 1 năm làm việc, anh Tân đã đại diện cho công ty tham gia cuộc thi tay nghề giỏi toàn quốc trên dòng xe Mitsubishi và đạt giải cao. Chưa hết, nhiều năm liền anh được bầu chọn là “Người thợ đầu đàn”, được TW Đoàn trao tặng danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc (2015); giải nhất toàn quốc về sửa chữa tổng quát trong Hội thi kỹ năng dịch vụ khách hàng lần 5 năm 2011… Hiện tại, ngoài công việc chính, anh còn làm cố vấn dịch vụ, tham gia cải tiến, nâng cấp thiết bị sản xuất. Ngoài ra anh còn làm Bí thư Đoàn của ISAMCO, Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM…

Năng động, say mê với nghề

Để trở thành một người thợ giỏi, anh Tân cho rằng không nhất thiết phải học cao. Ngoài kiến thức, kỹ năng, đòi hỏi mỗi người phải năng động, ứng dụng kiến thức nhà trường vào thực tế một cách khoa học, hiệu quả. Có những lỗi hỏng hóc nằm trong lý thuyết, nhưng ra thực tế đòi hỏi phải dựa vào kinh nghiệm. Nếu áp dụng máy móc công thức sách vở sẽ không sửa chữa được. Chưa kể người thợ phải có thái độ tích cực, trách nhiệm, đề cao tinh thần làm việc nhóm.

Theo anh Tân, đặc điểm chung hiện nay là sinh viên học lý thuyết nhiều, khá yếu thực hành. Hoặc khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên thụ động, học cho xong, học để biết. Như vậy bản thân sẽ làm mất thời gian, cơ hội tích lũy kiến thức, rèn luyện phát triển, ảnh hưởng khi ra trường đi làm.

Người hay đề ra các giải pháp hay

Trong quá trình làm việc, anh Tân đã đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp hay cho xí nghiệp như: “Giải pháp lắp đặt hệ thống hẹn thời gian bật và tắt cùng ống nước cho hệ thống làm mát nhà xưởng”, “Giải pháp thiết kế giá đỡ và đồ gá trên bàn ép thủy lực khi thay thế khớp các đăng trục láp”. Hai giải pháp này giúp cho đơn vị tiết kiệm khoảng hơn 30 triệu đồng/năm.

Tham gia nhiều cuộc thi tay nghề và đạt không ít giải thưởng cao, nhưng anh Tân chỉ xem đó là kết quả đánh giá từng giai đoạn phấn đấu của tập thể, là động lực để anh tiếp tục rèn luyện chứ không dừng lại ở chiến thắng đạt được.

Bản thân anh, năm 2005, xét nguyện vọng 2 vào ngành cơ khí động lực của Trường CĐ Công nghiệp 4 TP.HCM với tâm thế khá mù mờ, chưa hiểu rõ về ngành này. Vào học chuyên ngành anh mới biết chính xác ngành mình học là sửa ô tô. Tuy nhiên, thay vì nản chí, anh nhanh chóng xác định lại tư tưởng, định hướng nghề nghiệp và nhận thấy phù hợp nên quyết tâm theo học, chú trọng thực hành. Càng đi sâu vào chuyên ngành, anh càng thấy thích, say mê với những công nghệ được trang bị trên ô tô hiện đại. Thực hành giỏi hơn các bạn cùng lớp, anh đã được nhà trường tin tưởng chọn vào đội tuyển thi tay nghề cấp toàn quốc và xuất sắc đạt giải 3…

Ngoài những yếu tố trên, để tay nghề phát triển hơn, đòi hỏi người thợ phải luôn tìm hiểu, cập nhật kiến thức mới, đáp ứng xu thế thời đại. Đối với nghề sửa xe ô tô, là sản phẩm luôn được nâng cấp, trang bị công nghệ tiên tiến, anh Tân thường xuyên đọc, tìm hiểu những dòng xe mới, những chi tiết, công nghệ mới. Mục đích là vừa nâng cao kiến thức, vừa đáp ứng nhu cầu sửa chữa cho từng loại xe, từng giai đoạn phát triển của xe. Đây là lí do mà khách hàng luôn tin tưởng anh, còn lãnh đạo công ty cũng yên tâm khi giao phó công việc cho anh.

Bài, ảnh: N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)