Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Tự chủ đại học: Vẫn chưa khả thi

Tạp Chí Giáo Dục

Tự chủ ĐH đối với những trường công lập đang là lộ trình được Bộ GD&ĐT triển khai trong năm học tới. Nhưng theo phản ánh của nhiều trường ĐH, việc giao quyền tự chủ là rất cần thiết, nhưng cách thức áp dụng mà Bộ GD&ĐT đưa ra vẫn chưa thể gọi là tự chủ hoàn toàn. Một số trường ĐH được áp dụng thí điểm về tự chủ từ 5 năm trước đã lên tiếng: thiếu hụt kinh phí hoạt động.

 Trong mùa tuyển sinh 2012, Bộ GD&ĐT đã có chủ trươngcho phép các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh Ảnh: Hoàng Long
Vướng mắc khó khăn do thiếu kinh phí
Từ năm 2005, Bộ GD&ĐT đã chủ trương áp dụng thí điểm 5 trường ĐH được tự chủ, đặc biệt là tài chính. Có thể hiểu đơn giản hơn, nếu không được tự chủ, tất cả mọi hoạt động như mua sắm thiết bị học tập, đề xuất kinh phí đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đều phải phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT phê duyệt. Nếu giao quyền tự chủ, trường ĐH sẽ tự cân đối kinh phí, tự mở rộng quy mô, chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu, tự quyết định phương án tuyển sinh, cân đối đầu vào… theo nhu cầu riêng, yêu cầu đặc thù của trường mình. Thế nhưng, cách giao quyền tự chủ hiện nay của Bộ GD&ĐT vẫn chưa thực sự theo hướng mở, chưa giao trọn vẹn việc tự quyết các hoạt động lẫn cơ chế hỗ trợ. Một số trường khi đi vào hoạt động tự chủ đã vấp phải rất nhiều khó khăn xuất phát từ thiếu hụt kinh phí.
GS Ngô Thế Chi – Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, nhà trường hiện đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính của Bộ Tài chính. Nhưng cơ chế này gần như lại bắt nhà trường phải thu, chi theo định mức; duyệt trình việc tuyển nhân sự; quản lý chi tiêu mua sắm máy móc thiết bị giảng dạy; giám sát nâng cấp cơ sở vật chất. Điển hình, Bộ Tài chính quy định máy chiếu phục vụ giảng dạy phải đạt 5 năm mới hết khấu hao, nhưng thông số chuẩn thì chỉ 2000 giờ hoạt động là đã hết khấu hao. Như vậy, mang tiếng là tự chủ, nhưng thực chất nhà trường vẫn bị quản lý về mọi mặt. Ngay cả kinh phí đáp ứng cho việc giảng dạy đối với học sinh học lại, thi lại học phần, nếu đưa ra kiểm toán sẽ bị kê khai nộp lại. Vì thế buộc phải thu ngoài của sinh viên. Việc tự chủ như trên chỉ là hình thức, còn trên thực tế nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ trong hoạt động.
Theo GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, nhà trường được phép áp dụng tự chủ từ năm 2005, nhưng thực chất 2008 mới đi vào thực hiện. Điều nghịch lý là, khi giao quyền tự chủ, ĐH Ngoại thương không được hưởng những đặc lợi, đặc quyền nào hơn so với các trường công lập khác. Ngược lại, kinh phí ngân sách Nhà nước bị cắt giảm mạnh, từ 7,1 tỉ đồng (năm 2004) xuống còn 587 triệu đồng vào 2008. Hàng năm, trường ĐH Ngoại thương thu trên 100 triệu đồng tiền học phí, nhưng do bị cắt giảm ngân sách nên chỉ đủ bù chi vào các chi phí đào tạo. Do nguồn thu học phí không đáng kể, kinh phí bị cắt giảm mạnh, nhà trường đã không thu hút và giữ được nhân tài. Dẫn đến sự "chảy máu chất xám” giảng viên.
Tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng?
Một trong những nguyên nhân khiến các trường ĐH "xé rào” tuyển sinh trong những năm qua là bởi nhiều quy chế của Bộ GD&ĐT ràng buộc, đan xen. Khiến các trường lúng túng trong cuộc đua cạnh tranh, đành phá bỏ rào cản quy chế, chấp nhận chịu phạt để hưởng lợi thêm từ các nguồn thu học phí khi tuyển sinh đầu vào vượt khung. Cũng vì các trường bị khống chế chỉ tiêu tuyển sinh nên việc đăng ký ban đầu luôn phải dôi ra con số dự phòng, con số này vượt quá nhiều lần năng lực, hạn mức một số trường. Bức tranh tuyển sinh ĐH vì thế bị lạm dụng, méo mó với cảnh chỉ tiêu đăng ký rất nhiều nhưng không có ai theo học. Trong mùa tuyển sinh sắp tới (2012), Bộ GD&ĐT đã có chủ trương cho phép các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, sau đó báo cáo Bộ. Cách làm này đã nhận được nhiều sự đồng tình từ các trường ĐH trong bối cảnh sơ khai thực hiện tự chủ.
PGS Phan Duy Minh,Trưởng Bộ môn Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính nhận xét, do cơ chế tự chủ ĐH, mà đặc biệt là tự chủ tài chính chưa được áp dụng đại trà, nên hoạt động của các trường ĐH chưa thể nâng cao chất lượng một cách đột phá. Nếu trao quyền tự chủ một cách hoàn toàn cho các trường ĐH, họ sẽ tự cân đối, hoạch toán chi tiêu, tuyển sinh, chất lượng từ đó mới dần được cải thiện.
Về lộ trình trao quyền tự chủ tài chính, thu chi cho các trường ĐH, Thứ trưởng Bộ GD&Đ Bùi Văn Ga cho biết, quan trọng nhất là hình thành cơ chế giám sát chặt chẽ, để ngăn chặn kịp thời các trường tự ý đẩy mức học phí lên quá cao, quyền lợi người học không được đảm bảo. Việc tăng học phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng? không được tăng tràn lan. Cơ chế này, Chính Phủ đã cho phép, Bộ GD&ĐT tán thành. Nhưng trao quyền tự chủ không có nghĩa là để cho các trường làm gì cũng được, đặc biệt việc tăng học phí quá mức, không xứng tầm với chất lượng sẽ có chế tài xử lý.
Theo Anh Thắng
(daidoanket)

Bình luận (0)