Yêu cầu được “tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở các trường ĐH, CĐ” một lần nữa được đưa ra thảo luận trong hội thảo diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) ngày 23-10. Hội thảo do Ban liên lạc các trường ĐH, CĐ VN chủ trì với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Biền Văn Minh – trưởng khoa sư phạm kỹ thuật Trường ĐH Sư phạm Huế – khẳng định: “Việc trao quyền tự chủ không chỉ là nhu cầu mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết để nền giáo dục VN bứt phá, việc này có thể hiểu như khoán 10 cho giáo dục”.
Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến tỏ ra thận trọng. PGS-TS Phùng Xuân Nhạ, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), cho rằng: “Nếu áp dụng tự chủ một cách đại trà sẽ dẫn đến tình trạng quá nhiều phương hướng, mỗi trường làm mỗi kiểu và gây rối cho ngành giáo dục”. Chính vì thế, PGS-TS Phạm Xuân Hậu, viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kiến nghị cần có một lộ trình phù hợp, đảm bảo cho thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường ĐH, CĐ.
Chẳng hạn, trước khi cho trường tự chủ cần tiến hành phân loại đánh giá và kiểm định chất lượng, xây dựng hành lang pháp lý để ràng buộc sự tự chịu trách nhiệm, đồng thời điều tra tiềm lực để đảm bảo độ an toàn khi cho trường tự quyết.
GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, chia sẻ: song song với vấn đề tự chủ cần đẩy mạnh việc thanh tra để tránh tình trạng tự chủ thì muốn làm gì thì làm, muốn thu học phí bao nhiêu thì thu.
Vấn đề tài chính là nhạy cảm nhất, bộ phải áp khuôn chặt chẽ việc thu chi của trường sao cho tiền thu học phí phải dành chủ yếu vào việc đầu tư phục vụ công tác giảng dạy. Và việc quan trọng nhất là ràng buộc sự tự chủ với tự chịu trách nhiệm. Trường phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước người học, trước cơ quan chủ quản trong quá trình tiến hành tự chủ.
Ông Quân cũng nói rằng một khi tạo điều kiện để các trường tự chủ thì sẽ tăng tính trách nhiệm bởi đã “khoán hộ” rồi thì anh không thể kêu ai. Trường phải “tự bơi” nên sẽ không có các trường đại học “ảo”, kém chất lượng xuất hiện gây lùm xùm dư luận như trong thời gian qua.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho rằng tự chủ phải dựa trên ba vấn đề: đào tạo, tài chính và tổ chức. Một khi đã trao quyền tự chủ cho các trường rồi thì lãnh đạo trường phải có trách nhiệm trước mọi hoạt động của mình: minh bạch về tài chính, thu chi phải rõ ràng, đồng thời chủ động về nhân lực, lượng đầu vào lẫn đầu ra, thu nhập của cán bộ công chức… Khi xảy ra tiêu cực phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và xã hội chứ không thể đổ lỗi cho ai.
THÁI BÁ DŨNG – ĐÌNH ĐỐI (TTO)
Bình luận (0)