Trong bối cảnh trường học tiến tới tự chủ thì việc đồng hành, chia sẻ của phụ huynh không chỉ giúp nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mang đến môi trường học tập tốt cho học sinh.
Gặp khó khi tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm
Vào các dịp lễ hội như Noel, Tết…, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM (nhất là trường mầm non, tiểu học) xây dựng kế hoạch lồng ghép hoạt động vui chơi vào các hoạt động giáo dục của trường với mong muốn ngoài việc tìm hiểu thêm về văn hóa còn tạo sân chơi và hoạt động trải nghiệm thú vị cho học sinh, mang đến không gian học tập thú vị, đổi mới cho các em. Tùy theo độ tuổi, cấp học, các hoạt động được tổ chức phù hợp với học sinh, có thể đưa vào môn học hoặc tổ chức thành một chuỗi hoạt động trải nghiệm. Cô T.H. (Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn TP.Thủ Đức) cho hay, khi nhà trường tổ chức những hoạt động trải nghiệm, học sinh rất hào hứng, các em vui chơi say mê; qua đó nhà trường giáo dục trẻ nhiều điều về văn hóa, lịch sử, hình thành cho trẻ kỹ năng thực hành cảm xúc xã hội… Trong nhiều hoạt động còn có sự tham gia của phụ huynh, tạo sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và trẻ.
Tuy nhiên, theo cô T.H., để có thể tổ chức được những hoạt động giáo dục trải nghiệm cho trẻ thì nhà trường phải “co kéo” kinh phí rất nhiều. Trên thực tế, nếu chỉ sử dụng tiền ngân sách để tổ chức thì rất khó mà cần thêm sự chung tay, hỗ trợ từ phía phụ huynh. Đặc biệt, hiện nay hầu hết các trường đều tiến tới tự chủ giáo dục. “Hầu hết phụ huynh học sinh nhà trường đều ủng hộ với các hoạt động mang đến những trải nghiệm tích cực cho trẻ, trẻ học thông qua chơi, sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với nhà trường. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận rất nhỏ phụ huynh, thậm chí là một vài phụ huynh có tư tưởng rằng con mình đến trường đã đóng tiền học phí là phải được miễn phí tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức. Song phụ huynh không hiểu rằng, để có thể tổ chức được một hoạt động giáo dục trải nghiệm cho trẻ thì chỉ riêng kinh phí của nhà trường là không đủ, mà rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh”, cô T.H. chia sẻ.
Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 kể, mới đây khi trường thông báo đến phụ huynh tổ chức một hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh bên ngoài nhà trường, gắn với các môn học như ngữ văn, lịch sử đã gặp sự phản ứng của một số phụ huynh vì hoạt động phải đóng thêm chi phí. Dù chi phí chỉ vài chục ngàn đồng, đó là chi phí để vào cổng tại các điểm mà học sinh vào học tập, tham quan. “Chi phí để tổ chức hoạt động giáo dục ngoài nhà trường không quá nhiều, mỗi học sinh chỉ đóng vài chục ngàn đồng là chi phí vào cổng tại những điểm mà các em vào học tập, tham quan, trải nghiệm. Mặc dù khi tổ chức những hoạt động như thế này, đối với những học sinh khó khăn, nhà trường đều có sự hỗ trợ để các em tham gia cùng, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện học sinh. Vậy nhưng phụ huynh cũng phản ứng vì cho rằng mức học phí mà phụ huynh đóng là đã bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục của nhà trường và nhất quyết không cho con mình tham gia vì cho rằng không phù hợp”, vị hiệu trưởng buồn bã nói.
Nhà trường cần phụ huynh đồng hành
Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) thông tin, theo kế hoạch sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024-2025 và định hướng sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2026-2030, đến năm 2025, ngành giáo dục TP.HCM đặt mục tiêu: Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% (mỗi năm 2%) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (mỗi năm 2%) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021. Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính); phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Tiếp tục giảm bình quân 10% (mỗi năm 2%) chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.
Theo các nhà quản lý giáo dục, khi ngành giáo dục thành phố nói riêng và cả nước nói chung đang trong giai đoạn phấn đấu tự chủ giáo dục phổ thông thì hơn hết cần sự ủng hộ, đồng hành, chia sẻ của phụ huynh với nhà trường trong công tác tổ chức các hoạt động giáo dục. Có như vậy mới có thể mang đến cho học sinh môi trường giáo dục mà ở đó trẻ được phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực…
Một cán bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM thẳng thắn: Kinh phí của nhà trường không thể nào “choàng tay, gánh gồng” trong tất cả các hoạt động giáo dục. Xã hội hóa giáo dục là lời giải đúng cho bài toán về phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, rõ ràng xã hội hóa giáo dục không phải là cào bằng, với học sinh khó khăn thì mỗi nhà trường đều có phương án hỗ trợ các em trong mỗi hoạt động giáo dục. Một mặt nhà trường cần công khai, minh bạch đến phụ huynh kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, để phụ huynh thấy những trải nghiệm mà con mình sẽ học được, trải nghiệm được từ hoạt động đó; một mặt nhà trường cần tăng cường tuyên truyền để phụ huynh hiểu về vai trò đồng hành, chia sẻ của mình với nhà trường, góp phần giáo dục toàn diện học sinh.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)