Giao quyền tự chủ cho các trường đại học là vấn đề được nêu ra từ lâu nhưng đến nay vẫn là đề xuất. Tại buổi làm việc ngày 2.11, Quốc hội đã nghe tờ trình về Dự án Luật Giáo dục đại học.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng phải có quyền tự chủ cao để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học.
Các trường đại học đòi quyền tự chủ nhưng chưa được. Cụ thể là tự chủ trong việc mở ngành, chuyên ngành đã có trong danh mục đào tạo của Nhà nước; được quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện do Bộ GDĐT quy định; được lựa chọn phương thức, thời gian tổ chức tuyển sinh và chỉ phải báo cáo về Bộ GDĐT.
Những đòi hỏi đó rất chính đáng, nhưng Bộ GDĐT vẫn muốn ôm hết việc, coi đó là “tài sản” riêng của mình. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ GDĐT lại không lo làm tốt việc quản lý nhà nước của mình mà thích làm thay việc của cơ sở đào tạo như vậy?
Câu trả lời quá dễ, đó là phải khư khư giữ lấy quyền để còn ban phát, để các trường phải chạy về Bộ xin xỏ. Xin thì cho và có lẽ Bộ không thể cho không. Cái gọi là cơ chế xin – cho đó tồn tại lâu nay, gây khó cho các trường. Các trường bức xúc lắm, nhưng vì lợi ích nhà trường mà phải “cắn răng” chịu đựng.
Một trường đại học muốn mở ngành phải đi xin, chưa kể hàng năm là cuộc đua xin chỉ tiêu tuyển sinh. Tổ chức tuyển sinh cũng phụ thuộc vào Bộ, từ thời gian cho đến những quy định khác. Không có một quốc gia tiên tiến nào trên thế giới lại quản lý các trường đại học như ở VN. Thế nhưng họ lại vượt mình quá xa, họ giỏi hơn mình gấp bội. Còn VN có Bộ GDĐT quản lý chặt chẽ và định hướng thông minh như vậy nhưng nền đại học nước nhà vẫn kém phát triển và lạc hậu xa so với thế giới.
Các trường đại học cần có được quyền tự chủ, trên cơ sở các tiêu chí được Bộ GDĐT quy định. Giao quyền tự chủ là cởi trói để các trường đại học phát huy năng lực, sáng tạo, đổi mới. Có sự tự chủ, chắc chắn sẽ có những trường đột phá, tạo ra được những giá trị mới trong lĩnh vực giáo dục đại học. Tất nhiên, giao quyền tự chủ cũng sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh mới và những trường yếu kém sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Cuối cùng, giao quyền tự chủ cho các trường đại học sẽ giảm bớt quyền của Bộ GDĐT, do đó sẽ hạn chế đi những thủ tục, cơ chế và có thể là tiêu cực từ xin – cho.
Theo Chân Tâm
(Dân Việt)
Bình luận (0)