Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ SV Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) |
Nhằm kiểm tra và đánh giá lại những ưu khuyết điểm của cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội” đồng thời xem xét lại việc ban hành quy chế (mới thí điểm) cho một số trường đại học thực hiện mô hình tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với trường ĐH KHXH& NV và trường ĐH Kinh tế TP.HCM về vấn đề trên.
> Đề nghị tăng học phí ĐH 15% hàng năm
Tự chủ tài chính: các trường gặp khó khăn
Đây là một điều nghe có vẻ hết sức bất hợp lý, khi cho rằng các trường tự chủ về tài chính lại đang gặp khó khăn tứ bề, nhất là về vấn đề tài chính. Bởi theo nguyên tắc vận hành của mô hình trên thì các trường sẽ được tự chủ thu chi và tự quyết tất cả mọi khoản thu chi liên quan đến kinh tế mà không chịu sự ràng buộc gì từ Bộ. Tuy nhiên, đây lại là thực tế đang khiến cho không ít trường thực hiện mô hình tự chủ tài chính thật sự lao đao từ khi triển khai hình thức trên theo nguyện vọng ( hầu hết các trường đại học đều mong được chuyển đổi qua hình thức này) và theo quy định cùng đề án phát triển giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT. Vậy nguyên nhân của những khó khăn trên nằm ở đâu? Tại sao việc tự chủ thu chi lại khiến cho các trường “kêu” rằng không đủ nguồn lực kinh tế để phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy phục vụ cho nhu cầu học tập của sinh viên?
Trả lời cho những thắc mắc trên, PGS. TS Phạm Văn Năng – hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế phân tích: Với hình thức chuyển đổi sang tự chủ tài chính, các trường đại học sẽ bị Bộ cắt giảm nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm, cũng như quy định bắt buộc tỉ lệ tuyển sinh SV ngoài chính quy theo một số lượng nhất định (sinh viên ngoài chính quy chỉ khoảng 70% trên tổng số lượng SV toàn trường) sẽ khiến các trường đại học thực hiện mô hình tự chủ hết sức khó khăn bởi hiện nay học phí đang ở mức quá thấp. PGS.TS Phạm Văn Năng lấy ví dụ cụ thể là năm học vừa qua (2008) trường chỉ được Bộ rót có 4,31 tỉ- so với số tiền hơn 26 tỉ đồng những năm chưa thực hiện tự chủ tài chính (tiền này để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, đào tạo lại nguồn nhân lực…) khiến cho năm học vừa qua trường bị thiếu hụt chi hơn 18 tỉ. Trong khi đó nguồn tiền bù chi cho khoản thiếu hụt trên chủ yếu lấy từ nguồn học phí của SV hệ ngoài chính quy (học phí cũng đang ở mức rất thấp 1,8 triệu/ SV/ 1 năm). “Nếu năm 2009 Bộ thực hiện quy định tỉ lệ tuyển sinh như quy định trên các trường tự chủ tài chính sẽ hết sức khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí bù cho chi phí bị thiếu hụt, trường tôi năm tới được dự báo là sẽ tiếp tục bị thâm hụt các khoản chi, do đó rất mong sớm được Bộ tháo gỡ và hỗ trợ”- PGS.TS Năng nói. Bên cạnh hai khó khăn chính trên thì việc vẫn giữ mức học phí thấp như hàng chục năm nay cũng là một bất cập cần phải được tháo gỡ. Về vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội, dù PGS.TS Năng đánh giá rất cao hiệu quả của công tác này nhưng trước những hạn chế đang tồn tại như: sự thiếu quan tâm đến hoạt động gắn kết và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chính sách phát triển chưa có được sự đồng bộ từ các Bộ, ngành, chính quyền địa phương với các đơn vị đào tạo…ông cũng hy vọng sẽ sớm được Bộ tháo gỡ cũng như có được sự ủng hộ của các doanh nghiệp.
Có quan điểm tương đồng với PGS.TS Năng về vấn đề trên, PGS.TS Võ Văn Sen- hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV chỉ ra một số bất cập đang tồn tại khiến cho các trường thực hiện mô hình tự chủ tài chính gặp khó như: “tự bơi” trước khó khăn bị cắt giảm nguồn chi thường xuyên từ Bộ, cơ sở vật chất còn yếu kém vì không có tiền để tái đầu tư, quy định về biên chế nhân sự còn một số vướng mắc…. Ông còn nhấn mạnh, nếu các trường không được “cởi trói” về vấn đề tự thu chi học phí, tự tuyển dụng nhân sự, tự mở và đào tạo các ngành theo nhu cầu xã hội, đặc biệt là tự thu chi học phí (không vượt quá khung quy định) thì sẽ rất khó để khắc phục việc các trường thiếu hụt về tài chính, cũng như đẩy mạnh công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội, bởi như PGS.TS Sen nói: “Sẽ không thể có được một nguồn nhân lực chất lượng tốt, nếu như chúng ta không có được sự đầu tư xứng đáng”.
Cơ chế, quy định: cần phải được tháo bỏ những bất cập
Phải nói ngay rằng mô hình tự chủ tài chính và đào tạo theo nhu cầu xã hội là những định hướng hết sức đúng đắn từ Bộ GD-ĐT khi nó không chỉ giúp cho các trường, phụ huynh, sinh viên, xã hội tránh được sự lãng phí, tránh được những tồn đọng liên quan đến việc phát triển, cũng như giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm việc làm ngay sau khi ra trường. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, mô hình tự chủ tài chính và đào tạo theo nhu cầu xã hội vẫn còn tồn tại một số bất cập, một số những vướng mắc trong quá trình thực hiện, mà những vướng mắc này phần nhiều thuộc về cơ chế và các quy định còn quá nhiều “lạc hậu” khiến cho các trường gặp không ít khó khăn khi triển khai. Theo GS. TS Trần Ngọc Thêm (trưởng khoa Văn hoá học, trường ĐH KHXH&NV) để các trường có thể thực hiện tốt mô hình tự chủ, thực hiện tốt mô hình đào tạo theo nhu cầu xã hội như định hướng của Bộ thì Bộ cần phải tháo gỡ một số việc như sau: Nhà nước cần phải có chính sách đồng bộ về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, đồng thời công tác vận động, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa vào các chương trình gắn kết, hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trẻ; Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giảng dạy cho các trường đại học được thu học phí theo nhu cầu đào tạo, thu theo chuẩn quốc tế, cơ chế phân cấp quản lý phải tuỳ thuộc vào mỗi trường (chất lượng từng trường) mà có sự phân cấp, hỗ trợ, duyệt cấp ngân sách một cách hợp lý hơn. Song song một số vấn đề chính trên thì vấn đề tầm nhìn, thái độ ứng xử của xã hội với ngành giáo dục của các cấp quản lý, của xã hội theo GS Thêm cũng là vấn đề cần phải nhanh chóng khắc phục… Việc các trường đại học qúa tập trung vào mục tiêu làm sao để các em ra trường có việc làm ngay trong khía cạnh của việc đào tạo theo nhu cầu xã hội mà bỏ qua một số nguyên tắc theo GS Thêm cũng cần phải nhanh chóng được chấn chỉnh, GS Thêm nói: “Chúng ta đào tạo theo nhu cầu xã hội tức là định hướng cho các em trong việc chọn ngành, nâng chất cho các em trong qúa trình đào tạo chứ không phải chăm chăm vào việc làm sao để có nơi nhận các em làm việc mà quên đi các giá trị cơ bản. Bởi giáo dục đào tạo dù giảng dạy trên bất cứ hình thức nào cũng phải dựa vào nền tảng của các khoa học cơ bản, nếu bỏ quên và xa rời nó sẽ rất không hay trong việc giữ vững thương hiệu, nhiệm vụ và chủ trương đào tạo của ĐH QG. Bởi ĐH QG là nơi đào tạo khoa học cơ bản cho các em chứ không phải là trường nghề”. PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, trưởng khoa Nhân học thì cho rằng: Bộ cần quan tâm nhiều hơn đến các ngành học mới, có sự hỗ trợ nhiều hơn cho các ngành mới, nhưng lại đang là nhu cầu thực sự của xã hội để các trường có điều kiện làm tốt hơn nữa công tác chuẩn chất lượng đầu ra.
Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận các bức xúc và trăn trở của giảng viên, ban giám hiệu hai trường ĐH KHXH&NV cùng ĐH Kinh tế. Bộ trưởng khẳng định: Việc mức đầu tư cho giáo dục trong suốt thời gian qua vẫn giậm chân tại chỗ là một thực tế hết sức buồn. Bộ GD-ĐT ý thức rất rõ khó khăn này ở các trường đại học và sẽ nhanh chóng thay đổi chuyện này bằng hình thức tăng học phí trong thời gian sớm nhất, tất nhiên là sẽ phải làm từ từ và tăng theo số ít qua từng năm. Bên cạnh việc nhìn nhận một số bất cập còn tồn tại như: khung học phí quá lỗi thời, nguồn ngân sách phân bổ cho các trường còn quá ít, công tác đào tạo nguồn cán bộ nguồn (GS, PGS) còn chậm, cả nước đến nay vẫn chưa có được một trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực cho xã hội…, Bộ trưởng khuyến khích các trường tiếp tục khắc phục khó khăn và phát huy những mô hình kinh tế hiệu quả từ các ngành nghề dịch vụ của chính sản phẩm đào tạo mang thương hiệu trường để san sẻ những khó khăn chung với ngành.
Nguyễn Anh Tú
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)