Chủ trương thí điểm tự chủ tài chính được đặt ra trong Luật giáo dục nghề nghiệp 2014. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 4 trường trên cả nước thí điểm tự chủ tài tài chính là CĐ Kỹ nghệ II, CĐ nghề Quy Nhơn, CĐ nghề Công nghệ Hà Tĩnh và CĐ nghề Công nghệ Quốc tế Lilama. Một số trường khác đang trong giai đoạn nghiên cứu và xây dựng lộ trình tự chủ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) e dè thực hiện tự chủ nhưng nguyên nhân chính vẫn là do tuyển sinh ngày càng khó và cơ chế bao cấp tài chính. Sự bất bình đẳng cũng đã được đại diện nhiều trường nghề đề cập bởi nhiều nơi tuyển sinh không đạt chỉ tiêu vẫn sống khỏe nhờ tình trạng cào bằng trong phân bổ ngân sách. Chính vì thế, tự chủ tài chính là giải pháp để loại bỏ những cơ sở tuyển sinh không được, là cơ hội để tinh gọn, quy hoạch lại mạng lưới. Và như vậy, tự chủ tài chính là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở GDNN công lập nhằm giảm chi ngân sách Nhà nước.
Ở một số trường, người đứng đầu có thể ngồi “rung đùi” khi thực hiện tự chủ tài chính nhờ các hoạt động dịch vụ liên kết đào tạo, hợp đồng đào tạo hoặc tham gia đánh giá kỹ năng nghề… Nhưng cũng có không ít cơ sở phải chật vật, cắt giảm nhân sự, xóa bỏ một số phòng, ban, kể cả đầu tư phát triển, dự án. Việc tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn nhưng để guồng máy hoạt động tốt thì cán bộ, giảng viên, giáo viên phải gánh quá nhiều đầu việc trong khi thu nhập thì không tăng là bao.
Đặc biệt, cơ chế tự chủ tài chính sẽ không hiệu quả nếu cơ quan chủ quản vẫn tiếp tục “ôm” các cơ sở GDNN. Cụ thể, do ôm đồm trong quản lý của cơ quan chủ quản nên dẫn đến tình trạng ỷ lại, chủ quan ở người đứng đầu các cơ sở GDNN. Và khi người đứng đầu chỉ đóng vai trò là người đề xuất, không có quyền quyết định thì sẽ thiếu tinh thần trách nhiệm. Điều này vô tình đã triệt tiêu động lực sáng tạo cũng như ý thức trách nhiệm của họ. Hơn nữa, là người đứng đầu cơ sở GDNN nhưng không có quyền tự chủ với nguồn vốn thì sẽ không chủ động trong mọi hoạt động, đặc biệt trong bối cảnh trường nghề “đốt đuốc tìm người học” như hiện nay. Như vậy, để trường nghề không bị rơi vào nhóm có nguy cơ loại bỏ khỏi quá trình sàng lọc, cơ cấu lại vì không phù hợp, yếu kém thì cần đánh giá lại năng lực của người đứng đầu. Điều này thật sự cần thiết khi cơ quan chủ quản không can dự vào công việc nội bộ, chuyên môn của cơ sở đào tạo, nếu không sẽ tạo “hiệu ứng ngược”.
T.Anh
Bình luận (0)