Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tự chủ tài chính trong giáo dục đại học: Tăng thu để có “tiền nào của nấy”?

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu hụt kinh phí mua tài liệu, trang thiết bị học tập và thí nghiệm; lương giảng viên thấp, chất lượng giảng dạy bị ảnh hưởng… do hạn hẹp về nguồn thu, đó là điệp khúc mà các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) vẫn "ca" từ nhiều năm nay. Trong những sai phạm tài chính mà một số cơ sở giáo dục trong thời gian gần đây mắc phải, có nguyên nhân bắt nguồn từ nhu cầu tăng nguồn thu bằng mọi cách.
Tăng thu từ đâu?
Thông thường, nguồn thu chủ yếu của các trường ĐH, CĐ dựa vào ngân sách nhà nước, bao gồm kinh phí đào tạo ĐH, sau ĐH, nghiên cứu KH…; các nguồn ngoài ngân sách như học phí đào tạo hệ chính quy, không chính quy; hợp đồng đào tạo với các địa phương… Ngoài ra, tùy vào sự năng động của từng trường mà có các nguồn thu hợp pháp khác như hoạt động dịch vụ, phục vụ đào tạo (trông giữ xe, bồi dưỡng kiến thức thi ĐH, chuyển đổi sau ĐH, lãi tiền gửi…).
Tuy nhiên, các trường đều cho rằng 2 nguồn thu lớn – từ ngân sách nhà nước và học phí – hiện không thể là nguồn lực phát triển hữu hiệu. Bên cạnh khoản ngân sách hạn hẹp, mức học phí đã từ hơn 10 năm nay vẫn dừng ở mức 1,8 triệu/năm đối với SV chính quy, không thể đủ bù đắp kinh phí cho các trường. Chưa kể, có những trường đặc thù, như các trường thuộc Bộ NN&PTNT, có rất nhiều SV là người dân tộc thiểu số, con em hộ nghèo và thuộc các đối tượng ưu tiên khác nên nguồn thu từ học phí lại càng eo hẹp. Còn nguồn thu từ phát triển KH-CN thì không phải trường nào cũng có. Có trường thuận lợi bởi có khách hàng là các doanh nghiệp, công ty hay ngân hàng trong khi rất nhiều trường ĐH khác, nhất là các trường nghiên cứu cơ bản thì việc tạo thêm nguồn thu lại càng khó khăn.
Một mặt, các trường phải linh hoạt để tăng thêm nguồn tài chính cho cơ sở, mặt khác, theo GS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, các trường sẽ rất dễ rơi vào "lạm thu" vì rất khó nói rõ ràng là có thể thu đến đâu hay thu khoản nào phải theo đúng quy định của Nhà nước, khoản nào trường có thể chủ động mức thu.
Vẫn chưa thể "tiền nào của nấy"
 Để tạo thêm nguồn thu, nhiều trường đã tăng cường mở rộng các hoạt động đào tạo không chính quy và loại hình dịch vụ đào tạo khác. Thế nhưng, ở góc độ chính sách, chưa có một văn bản chính thức của Nhà nước quy định các hoạt động nào trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được coi là hoạt động dịch vụ, nên việc tăng nguồn thu cũng gặp nhiều vướng mắc. Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hoàng Văn Châu đã nêu ví dụ: trường tổ chức những chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh, thu hút sinh viên nước ngoài tới học, nhưng Bộ Tài chính lại không cho phép thu học phí cao hơn quy định. Một ví dụ khác: một số phòng học của trường đã được lắp điều hòa nhưng chưa dám sử dụng bởi không thể chủ động tăng mức thu theo kiểu "tiền nào của nấy".
Những bất cập trong cơ chế tài chính đã được Bộ GD-ĐT thừa nhận, Vụ Kế hoạch – Tài chính cũng như Vụ Giáo dục ĐH đều khẳng định những chính sách nhằm tăng quyền cho hiệu trưởng chủ động hơn về mức chi tiêu sẽ được đề cập trong đề án đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH – sẽ được đưa ra trong thời gian sắp tới. Đóng góp ý kiến cho đề án này, hiệu trưởng một số trường ĐH đã đề nghị: để huy động được vốn đầu tư cho giáo dục ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cần chuyển dần cơ chế cấp kinh phí thường xuyên cho các cơ sở đào tạo sang cấp kinh phí trực tiếp cho người học, chuyển từ cấp kinh phí đào tạo đầu vào sang cấp kinh phí đầu ra ở một số ngành, lĩnh vực đào tạo (theo đặt hàng của Nhà nước). Các hoạt động đào tạo như đào tạo cấp chứng chỉ, các hoạt động liên doanh, liên kết về đào tạo… nên được coi như hoạt động dịch vụ, Nhà nước sẽ không quy định mức thu mà giao cho các trường tự thỏa thuận và hạch toán.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD-ĐT cũng cho biết: Cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH sẽ được đổi mới theo hướng thúc đẩy nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, dần hình thành môi trường cạnh tranh trong đào tạo ĐH, khuyến khích các trường tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ…
Trong các vấn đề tự chủ trong giáo dục ĐH, tự chủ tài chính là vấn đề nhận được sự đồng thuận cao giữa Bộ và những trường năng động. Đó là nội dung đầu tiên cần sớm được thúc đẩy để nâng cao chất lượng giáo dục.
Quỳnh Phạm (Theo HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)