Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tự chủ toàn diện để thu hút người học

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới từ khâu quản lý, phân bổ ngân sách, tuyển sinh, chương trình đào tạo… là những nội dung đang được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học và các trường nghề.

Sinh viên Trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ thực hành

Phân bổ ngân sách theo đầu ra

Theo đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH đang từng bước giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường. TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết việc giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường bước đầu gặp không ít khó khăn, tuy nhiên đây cũng là một giải pháp hay để trường chủ động nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút người học. “Các trường đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cần được ưu đãi vay vốn, ưu tiên về đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, cung ứng dịch vụ đào tạo…”, TS. Nguyễn Thị Hằng đề xuất.

TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) cho hay Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện đổi mới cơ chế phân bổ và giao dự toán ngân sách chi thường xuyên cho GDNN hiện nay theo hướng đặt hàng hoặc đấu thầu chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo dựa trên kết quả đầu ra. Sự phân bổ này đồng đều, không phân biệt cơ sở đào tạo công lập hay tư thục. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng cơ chế về giá dịch vụ sự nghiệp công GDNN sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đảm bảo tính đúng, tính đủ trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí của từng ngành nghề và trình độ đào tạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trước lo lắng của các trường về việc không có kinh phí để đầu tư đồng bộ trang thiết bị đào tạo những ngành nghề trọng điểm, TS. Trương Anh Dũng khẳng định ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư vào các yếu tố đảm bảo chất lượng để nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Các ngành nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó xã hội hóa cũng được ưu tiên đầu tư từ ngân sách.

Để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và giảm gánh nặng ngân sách, TS. Nguyễn Hồng Minh (Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN) cho biết thời gian tới chỉ cho phép thành lập mới trường công lập theo quy hoạch và phải cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ. Khuyến khích thành lập các trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài; thí điểm chuyển các trung tâm GDNN, trường TC có năng lực yếu thành vệ tinh của các trường CĐ.

Đổi mới chương trình đào tạo

Bên cạnh việc đổi mới về cơ chế, chính sách, sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo thì đổi mới chương trình đào tạo cũng cần phải thực hiện ngay. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các trường chủ động xây dựng chương trình trên cơ sở chuẩn đầu ra có sự tham gia của doanh nghiệp. Tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp… Trong đổi mới chương trình đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh việc xây dựng chương trình liên thông giữa các trình độ trong cùng ngành nghề hoặc các ngành nghề khác, ưu tiên liên thông giữa sơ cấp lên các trình độ cao hơn.

Nhằm khắc phục tình trạng nhân lực yếu kém ngoại ngữ, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các bộ chương trình tiếng Anh chuyên ngành cho nhóm nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và quốc tế. Tổ chức đánh giá trình độ tiếng Anh, tin học cơ bản 3 năm liền cho người học theo chuẩn quốc tế. Thí điểm đào tạo ngoại ngữ cho người học các nghề trọng điểm khu vực ASEAN và quốc tế tại các trường được quy hoạch là trường chất lượng cao để đào tạo nhân lực chất lượng hơn.

Tại các buổi họp bàn giải pháp thu hút tuyển sinh GDNN, đại diện nhiều trường đưa ra ý kiến: “Cơ sở GDNN cần được quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm”. Với ý kiến này, TS. Nguyễn Hồng Minh cho rằng theo đề án đổi mới chất lượng đào tạo GDNN, các trường được tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải đảm bảo trên cơ sở điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo. Trường cũng được phép tuyển sinh nhiều lần trong năm, được tổ chức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả hai phương thức trên.

T.Anh

 

Bình luận (0)