Với hầu hết các nước, Chương trình (CT) giáo dục phổ thông quốc gia chỉ có một. Từ CT quốc gia, các địa phương (bang, khu vực, nhà trường) căn cứ vào thực tiễn để thiết kế CT địa phương và CT nhà trường. CT địa phương và CT nhà trường thường tuân thủ CT quốc gia từ 80 đến 90%; nội dung còn lại do địa phương tự điều chỉnh. Hầu hết các nước thực hiện chính sách một CT, nhiều sách giáo khoa (SGK).
Theo tác giả, sách giáo khoa phải tuân thủ chương trình. Trong ảnh: Giáo viên Trường THPT Võ Văn Kiệt (TP.HCM) hướng dẫn học sinh đọc sách trong tiết học môn ngữ văn. Ảnh: Anh Khôi
Vì thế CT trở thành cơ sở quan trọng nhất của việc dạy học, từ biên soạn SGK, lựa chọn phương pháp và kiểm tra – đánh giá. SGK chỉ là một trong những tài liệu dạy học quan trọng nhưng không bắt buộc. Giáo viên có thể dạy theo bất kỳ bộ sách nào và lấy tư liệu từ các nguồn khác nhau để hướng dẫn học sinh học hàng ngày, miễn là đáp ứng được yêu cầu của CT.
Văn bản CT của mỗi nước trình bày có khác nhau, nhưng đã theo định hướng nhiều SGK thì CT phải có tính “mở”. Tức CT chỉ quy định “kết quả đầu ra” bằng các yêu cầu cần đạt đối với học sinh. Từ yêu cầu cần đạt này, CT nêu lên một số kiến thức cốt lõi cần dạy để đạt được các yêu cầu. Cái đích của dạy và học là yêu cầu cần đạt; còn dạy thông qua cái gì, bằng cách nào là quyền của người soạn SGK và giáo viên. Điều này giống như học ngoại ngữ: học sinh học sách nào, giáo trình nào, học ở đâu, ai dạy… không quan trọng, mà quan trọng là cuối cùng học sinh nói – nghe lưu loát và đọc thông, viết thạo một ngoại ngữ nào đó. Như thế SGK chỉ là công cụ, phương tiện để giúp giáo viên, học sinh dạy và học nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu của CT. Vì thế khi kiểm tra – đánh giá phải dựa vào yêu cầu cần đạt của CT, không dựa vào một SGK cụ thể nào cả. CT Ngữ văn 2018, mỗi lớp đều đã nêu rõ yêu cầu cần đạt về 4 kỹ năng giao tiếp: đọc, viết, nói và nghe với 3 loại văn bản: văn học, nghị luận và thông tin. Theo CT này, giáo viên dạy sách nào cũng được, nhưng cuối năm lớp 6, học sinh cần biết đọc truyện truyền thuyết, cổ tích; truyện đồng thoại; truyện ngắn; thơ lục bát; thơ có yếu tố tự sự, miêu tả; hồi ký hoặc du ký; biết đọc văn bản nghị luận văn học và nghị luận xã hội; biết đọc văn bản thông tin thuật lại một sự kiện… Biết viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm; bước đầu biết viết văn bản thuyết minh, nghị luận. Tương tự như đọc và viết là phải biết nói và nghe ra sao… Thế nào là biết đọc, biết viết các loại và kiểu văn bản? CT cũng đã nêu.
Văn bản chương trình của mỗi nước trình bày có khác nhau, nhưng đã theo định hướng nhiều SGK thì chương trình phải có tính “mở”. Tức chương trình chỉ quy định “kết quả đầu ra” bằng các yêu cầu cần đạt đối với học sinh. Từ yêu cầu cần đạt này, chương trình nêu lên một số kiến thức cốt lõi cần dạy để đạt được các yêu cầu. |
SGK phải tuân thủ CT, cụ thể hóa các yêu cầu của CT thông qua các văn bản và các hoạt động đọc, viết, nói, nghe cụ thể. Để dạy cách đọc, SGK cần tổ chức cho học sinh học đọc theo thể loại và kiểu văn bản. Mỗi bài học cần tập trung cho một thể loại nào đó chứ không phải chạy theo chủ đề nội dung như khái niệm đề tài, chủ đề trong tác phẩm văn học. Tuy nhiên, dạy học ngữ văn còn có nhiệm vụ trang bị cho học sinh vốn văn học, văn hóa. Vì thế ở mỗi thể loại, SGK cần lựa chọn được những tác phẩm tiêu biểu cho văn học dân tộc và nhân loại. Việc giáo dục phẩm chất, nhân cách được thông qua nội dung các tác phẩm cụ thể. Mỗi tác phẩm văn học đều hàm chứa trong nó nhiều giá trị, nhiều ý nghĩa khó có thể khuôn vào một chủ đề duy nhất. Giáo viên cứ hướng dẫn học sinh đọc hiểu tốt các văn bản tác phẩm thì chính là vừa dạy cách đọc, vừa góp phần giáo dục phẩm chất, nhân cách.
Với định hướng nêu trên, hai năm qua chúng tôi đã biên soạn ra bộ sách Ngữ văn 6. Sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt để sử dụng cho năm học 2021-2022. Chúng tôi sẽ trình bày chi tiết về nội dung, bố cục cuốn sách, cấu trúc bài học, cách dạy và cách đánh giá kết quả học tập trong thời gian tới.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)