Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Từ con cưng thành con… hư

Tạp Chí Giáo Dục

Những đứa “con hư” thường hay khóc khi không được thỏa mãn (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, trong khi các cặp vợ chồng lại có xu hướng sinh ít con. Theo đó những đứa trẻ được sinh ra đều trở thành con cưng. Và vì là con cưng nên không ít bé trở thành con… hư.
Các kiểu “hư”
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh – Trưởng đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng I cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi tiếp xúc hàng chục phụ huynh bất lực, đau khổ vì những hành vi bất thường của con. Những hành vi bất thường này xuất hiện ở những đứa trẻ là con duy nhất trong gia đình. Do được nuông chiều vật chất quá mức, đến nỗi những đứa trẻ này trở thành người chỉ huy, điều khiển mọi người trong gia đình và tệ hơn có trẻ biến thành đứa “con hư”…”.
Chị Hạnh (Q.10) có con 2 tuổi kể: “Bé Bảo Nhi thường hay khóc đêm, ba mẹ làm đủ cách nhưng không thể dỗ nín được. Mỗi bữa ăn là một “trận chiến” giữa vợ chồng tôi và bé. Bé từ chối thức ăn đặc, ăn vào là rặn ra để ói, sợ con đói tôi cứ phải chờ lúc bé ngủ mới dám cho bú sữa. Không chỉ có vậy, bé hay tiêu, tiểu bừa bãi và tùy hứng. Và mỗi khi bé thích gì thì đòi bằng được, nếu ba mẹ không đáp ứng bé khóc nức nở gây tím tái, ngưng thở. Thấy con hư như vậy, chúng tôi đã nhiều lần gửi nhà trẻ nhưng lần nào cũng vậy cứ tới trường một bữa là bé đau bụng hoặc sốt, ho. Tôi “bó tay” với con…”.
Nhỏ tuổi thì hư theo kiểu nhỏ tuổi, lớn tuổi lại hư theo kiểu lớn tuổi. Như trường hợp của Hoàng Lâm – con chị Mai (Q.5). Hồi học lớp 1, lớp 2, thấy nhà sách có bán đồ chơi điện tử mới lạ nào là Lâm đòi ba mẹ mua bằng được. Nhưng chỉ chơi vài ba bữa là đập phá đồ chơi. Lâm rất mê xem phim và trò chơi bạo lực. Lớn lên một chút, học lớp 5, lớp 6, Lâm bắt đầu đua đòi theo bạn để mua những bộ quần áo mới. Rồi xin, thậm chí là ăn cắp tiền của ba mẹ để trốn học đi chơi…
Khi bước vào tuổi vị thành niên những đứa “con hư” lại càng hư hơn. Theo bác sĩ Thanh, tuổi này là tột đỉnh của tuổi khủng hoảng với những nguy cơ: xì ke, chán ăn, phạm pháp, trốn nhà, tự tử. Hăm dọa cha mẹ nếu không được thỏa mãn, có hành vi bạo lực và thích đi bụi đời…
Cha mẹ phải làm tốt vai trò giáo dục của mình
Cũng theo bác sĩ Thanh, nếu cha mẹ cứ để những đứa “con hư” sống trong hoang tưởng toàn năng, khi lớn lên các em sẽ có nguy cơ phạm pháp, bạo lực với chính bản thân và với người khác, hoặc rơi vào trầm cảm. Các nghiên cứu của nhà tâm lý Jean Dumas – chuyên viên về trẻ bạo lực cho thấy, rối loạn chống đối của trẻ sẽ tiên báo rối loạn hành vi sau này.
Về cá nhân trẻ, mặc dù muốn gì được nấy, được “làm vương, làm tướng” trong nhà nhưng các em không hề hạnh phúc, không thấy vui.
Vậy, cha mẹ cần có thái độ giáo dục như thế nào để những đứa con cưng của mình không trở thành những đứa con hư?
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, ngay từ khi con còn bé, cha mẹ cần giúp trẻ chấp nhận sự ấm ức chứ không nên đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Tùy vào lứa tuổi của trẻ, cha mẹ phải qui định giờ ăn, học, giúp việc nhà, ngủ cho con. Đặc biệt, cha mẹ cần chính xác và nhất quán trong các quyết định, tránh cảnh cha nói “không” còn mẹ lại nói “có”.
Trong việc giáo dục, cha mẹ cần liệt kê những điều buộc trẻ phải thực hiện, giảm bớt sự tiêu thụ của trẻ, tập trẻ biết chờ đợi, cố gắng. Động viên trẻ làm điều tốt, kiểm tra xem trẻ có làm tốt điều được yêu cầu, không bàn cãi dài dòng về những sai phạm của trẻ. Đưa ra những hậu quả khi trẻ hành động xấu, khen thưởng khi trẻ tiến bộ. Từ chối đặt trẻ ngang hàng với người lớn, tái lập uy quyền của cha mẹ nhưng không dùng bạo lực với trẻ.
“Đây là vấn đề liên quan đến toàn xã hội. Thiếu kỷ cương trong giáo dục gia đình thì Nhà nước sẽ phải thành lập thêm nhiều trung tâm cải tạo và nhiều bệnh viện tâm thần. Ngăn cấm, đòi buộc, trừng phạt không phải là bạc đãi trẻ con vì sự bạc đãi thể hiện sự lệch lạc trong cảm xúc và sự bất lực trong giáo dục thường ngày của cha mẹ. Khi cha mẹ làm tốt vai trò giáo dục của mình thì xã hội bớt cần các nhà chuyên môn và thẩm phán”, bác sĩ Thanh khẳng định.
Bài & ảnh: Minh Hương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)