Tác giả cùng trẻ ở mái ấm Thanh Sơn |
Cha mẹ bỏ rơi trước cửa chùa ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, có không ít đứa trẻ chưa bao giờ biết mùi vị của giọt sữa mẹ. Mái ấm Thanh Sơn là nơi cưu mang hơn 100 cảnh đời bất hạnh như thế. Những đứa trẻ chưa rụng cuống rốn phải lìa xa cha mẹ ngày nào giờ đã trở thành học sinh ngoan, sinh viên giỏi.
Từ cửa phật…
Mái ấm Thanh Sơn (chùa Thanh Sơn thuộc thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) hiện đang nuôi dạy 107 trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, hoàn cảnh gia đình khó khăn trong độ tuổi từ 4 tháng đến 22 tuổi. Bà Phạm Thị Tình ngụ gần đó kể lại: “Hơn 100 đứa được nhà chùa cưu mang, trong số những đứa mà chúng tôi biết lai lịch của cha mẹ chúng (chỉ vài người-NV), mỗi đứa có một hoàn cảnh riêng. Có đứa con nhà nghèo, mắc bệnh tật bẩm sinh không có điều kiện nuôi dưỡng. Cũng không ít đứa là con nhà khá giả hoặc là kết quả của những mối tình vụng trộm, không đoạn kết… Thời gian trước, cứ nửa đêm là nghe tiếng con nít khóc thét, có hôm có đến 2, 3 đứa còn chưa rụng cuống rốn nằm trước cửa chùa, tội nghiệp lắm. Tấm lòng từ bi của Tỳ kheo Thích Thanh Quang, Giám tự kiêm Trưởng ban từ thiện chùa Thanh Sơn dang rộng vòng tay đón nhận các em và thành lập nên mái ấm chăm sóc, nuôi nấng cho đến ngày hôm nay”. Kể xong, bà Tình chỉ tay về phía các chú tiểu đang quét dọn sân chùa, giọng nghẹn ngào: “Tụi nhỏ khỏe mạnh, học hành đàng hoàng cũng nhờ tấm lòng bác ái của các thầy, những tấm lòng hảo tâm của bá tánh khắp nơi trong và ngoài nước, nếu không…”. Mái ấm Thanh Sơn còn có một cơ sở khác cách đó khoảng 4 km, nơi cưu mang nữ tu và nữ ngoài đời (người đời). Hoàn cảnh của họ cũng như bao người khác, bị rỏ rơi, gia đình khó khăn phải nương nhờ nơi cửa phật.
Các em nhỏ từ 4 tháng đến 5 tuổi đều có người chăm sóc tử tế. Trong số những đứa trẻ ấy có nhiều em bị tật bẩm sinh, bệnh down… Người chăm sóc cho các em không ai khác ngoài các chị cùng cảnh ngộ ở mái ấm này từ hơn chục năm trước. Chị Nguyễn Thị Thắm, một trong những người trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các em chia sẻ: “Được chăm sóc, phục vụ cho các cháu là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi. Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã khó, trẻ lang thang cơ nhỡ càng khó gấp bội nhưng chính vì thấu hiểu được hoàn cảnh, tôi luôn xem các em như con, em của mình. Khi tôi đủ lớn, các thầy bảo “cha con đi làm ăn xa”. Cũng có người bảo “cha mẹ bỏ mày ở chùa”. Tôi khóc nhiều lắm. Đến giờ này tôi vẫn không biết quê quán tôi ở đâu, nỗi đau cũng nguôi ngoai theo năm tháng và tôi lại tìm thấy niềm vui trong công việc”. Môi trường giáo dục trẻ được tổ chức bài bản và khoa học. Mỗi phòng nhà lắp hai dãy giường tầng với 6 đến 8 giường rất sạch sẽ và ngăn nắp. Các thành viên bao gồm người lớn, nhỏ với mục đích để người lớn dạy dỗ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhau và kèm cặp các em nhỏ học tập.
Hỏi chuyện một bé lên 5 tuổi, tên Trần Thị An Nhiên về cha mẹ của mình. Bé trả lời rất hồn nhiên: “Ở đây không có cha mẹ, chỉ có các thầy thôi”. Cái điệu bộ mắc cỡ của bé cũng làm các bé gái khác ngại ngùng nép mình vào trong kẹt cửa. Ngay lúc ấy, một vị khách viếng chùa đi ngang qua, nói: “Bọn trẻ đâu biết rằng chúng đã bị chính người sinh ra mình nhẫn tâm bỏ rơi”. Giọng gắt gỏng của người khách đã làm tôi đau xé lòng.
Vào đại học
Để giáo dục trẻ ngay từ nhỏ tính đoàn kết, không kỳ thị lẫn nhau, nhà chùa sắp xếp cho các em sinh hoạt chung với trẻ bình thường. Nhiều đứa trẻ mới tập nói cũng đã biết lí nhí ngọng nghịu gọi chị (các bé lớn hơn), gọi thầy và chào hỏi rất lễ phép khi có khách đến viếng chùa.
Khuôn viên nhà chùa có diện tích khiêm tốn nhưng khu đất dành để xây nhà tập thể cho các mảnh đời bất hạnh vẫn được ưu tiên số một. Phía sau sân chùa được chia thành hai dãy nhỏ riêng biệt nhau. Một dãy dành cho trẻ từ 4 tháng đến 5 tuổi, dãy còn lại dành cho các chú tiểu từ tiểu học đến THPT. Các chú tiểu ở đây hầu hết đã quy uy. Chú tiểu Phan Trung Hiếu, pháp danh Trần Hạnh nhớ lại: “Năm con 6 tuổi, bố đánh đập mẹ con con hoài. Không lâu sau, mẹ dắt con đến đây rồi đi mất”. Nay Hiếu đã là học sinh lớp 12, là một tấm gương tự học tự rèn cho học sinh Trường THPT Trần Bình Trọng, huyện Cam Ranh. Ngoài giờ học trên lớp, Hiếu trực tiếp chỉ bảo các chú tiểu khác học chữ và học đạo. Tất cả mọi chi phí ăn ở, học tập, đi lại cho các em mầm non đến đại học đều được nhà chùa đài thọ 100%.
Trẻ sơ sinh nhặt được trước cửa chùa, thầy Thích Thanh Quang làm thủ tục nhận con nuôi, làm giấy khai sinh và đặt cho những cái tên đậm chất triết lý Phật giáo, nguyện cầu cuộc sống bình an đến những con người bất hạnh như An Nhiên, An Bình, Hạnh Phúc, Phước Lành… Trong số 107 em đang sống trong mái ấm hiện nhiều em sắp trở thành những kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo… trong một, hai năm nữa.
Trần Tuy An
Mái ấm Thanh Sơn, hiện có 8 em (chưa xuất gia) là sinh viên các trường CĐ-ĐH. Trong đó có hai anh em Nguyễn Ngọc Bi Zon (ĐH Ngân hàng TP.HCM); Nguyễn Ngọc Bi Doanh (ĐH Y dược TP.HCM); Lương Lệ Chi (ĐH Ngân hàng TP.HCM); 2 sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM là Nguyễn Đình Nghĩa (năm 4); Vũ Tiến Trình (năm 3)… |
Bình luận (0)