Mới đây ở làng đại học Thủ Đức và khu vực cồn tại phường Long Châu (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đã xảy ra hai vụ học sinh đuối nước tử vong. Trong số các nạn nhân có cả các em biết bơi thành thạo. Để bảo vệ tính mạng trong trường hợp bị rơi xuống nước mà không biết bơi hoặc biết bơi mà đã đuối sức, kỹ thuật bơi sống sót (hay còn gọi là bơi tự cứu) là phương pháp bỏ túi thật sự cần thiết.
Kỹ thuật bơi tự cứu có thể tập cả ở dưới nước hoặc trên cạn, để khi gặp nguy hiểm có thể áp dụng để giành cơ hội sống sót |
Biết bơi cũng bị đuối nước
Đó là vụ đuối nước xảy ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 16-4-2018 tại hồ đá làng đại học Thủ Đức. Vào thời gian này, em Bùi Đức Minh Nhật (13 tuổi), là học sinh lớp 7 Trường THCS Tân Phú (quận 9, TP.HCM) cùng nhóm bạn trên đường tới trường học đã ghé vào khu vực hồ đá trong làng đại học vui đùa, hóng mát. Trong lúc nghịch nước, không may Nhật bị trượt chân ngã xuống hồ mất tích. Thấy Nhật gặp nạn, nhóm bạn lập tức tri hô và chạy đi tìm người cứu giúp nhưng bất thành. Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ cứu nạn (thuộc PCCC tỉnh Bình Dương) đã có mặt phong tỏa hiện trường, triển khai công tác tìm kiếm và tìm được thi thể nạn nhân vào buổi trưa cùng ngày. Cha của em Nhật do quá đau lòng đã lao xuống hồ đòi chết cùng con nhưng rất may được lực lượng an ninh ngăn cản kịp thời. Được biết, hồ đá làng đại học còn được người dân gọi là “hồ tử thần”, vì nơi đây đã xảy ra hàng chục vụ tử vong do đuối nước. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng đã cắm biển cấm và làm rào chắn xung quanh hồ, nhưng một số người vẫn vào đây để hóng mát.
Tương tự, 4 ngày trước vụ đuối nước tử vong ở hồ đá làng đại học, trên địa bàn tỉnh An Giang cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. Vụ việc xảy ra vào lúc khoảng 16 giờ chiều 13-4, sau khi tan học nhóm 9 em học sinh Trường THCS Chu Văn An (khóm Long Thạnh C, phường Long Hưng, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đã rủ nhau đến tắm tại bãi cồn thuộc phường Long Châu (thị xã Tân Châu). Trong lúc tắm, em Nguyễn Thị Mỹ Vương và Nguyễn Thanh Tuấn (cả hai em đều 13 tuổi) bơi ra xa, dẫn đến đuối sức chìm theo dòng nước. Thấy vậy, một em trong nhóm là Phan Trọng Nhân vội bơi ra cứu bạn nhưng cũng bị cuốn chìm theo. Khi thấy các em học sinh tri hô, nhiều người dân lao ra ứng cứu nhưng chỉ cứu được em Vương, riêng em Tuấn và Nhân chìm sâu xuống nước và mất tích. Sau nhiều giờ tổ chức tìm kiếm, đến khoảng 20 giờ đêm cùng ngày, thi thể của hai em mới được tìm thấy cách hiện trường khoảng 100 mét. Được biết, khu vực cồn phường Long Châu trước đó cũng từng xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm khác.
Kỹ thuật bơi tự cứu
Nói đến đuối nước, nhiều người cho rằng nguyên nhân chính gây đuối nước là do không biết bơi, hoặc chỉ cần biết một kiểu bơi cơ bản là sẽ an toàn khi xuống nước. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra những trường hợp tử vong cho dù nạn nhân biết bơi. Theo chuyên gia – huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm E-Bơi), đối với người không biết bơi, khi rơi xuống nước nạn nhân có thể bị sặc và khí quản có thể bị co thắt làm cho không thở được. Nhằm giúp bảo vệ tính mạng của người không biết bơi hoặc người biết bơi mà đã đuối sức, chuyên gia cho biết kỹ thuật bơi sống sót, hay còn gọi là bơi tự cứu sẽ là một biện pháp hữu hiệu giúp nạn nhân “tồn tại” để kéo dài thời gian chờ được ứng cứu.
Theo thống kê từ Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF, mỗi ngày ở nước ta có khoảng 10 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ đuối nước của trẻ em Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, cao gấp 10 lần các nước phát triển. |
Việc thực hành kỹ thuật bơi tự cứu theo chuyên gia là rất đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể tập dượt ở dưới nước hoặc trên cạn, để khi gặp nguy hiểm có thể áp dụng nó để giành lấy cơ hội sống sót. Đối với người tập trên cạn, trong trường hợp không biết thở ra trong nước thì có thể ngân (ư…ư….ư) khi cho mặt chìm vào một thau nước hoặc mặt nước cạnh bờ hồ bơi. Vì khi ngân như vậy thì hơi thoát ra bằng đường mũi giúp ta không bị sặc nước. Trong trường hợp thực tế cho thấy, người không biết bơi khi bị rơi xuống nước thường hoạt động bản năng, bị uống nhiều nước, quạt đập nhiều khiến cơ thể nhanh bị đuối sức. Khi đang trong tình trạng hoảng loạn, tim mạch của nạn nhân thường đập nhanh, thở gấp, tiêu tốn nhiều ôxy cho cơ bắp hoạt động, hít thở nhiều làm cho nhanh sặc. Do đó, khi bị rơi xuống nước, điều rất quan trọng đối với cả người không biết bơi hoặc biết bơi mà đã đuối sức là cần giữ bình tĩnh, nín thở (bằng cách ngậm miệng hoặc bịt mũi lại bằng tay) và chờ lực đẩy của nước đẩy cơ thể lên. Khi cơ thể đang nổi lên, người bơi cần tận dụng hai tay quạt nước để đưa đầu vươn lên cao khỏi mặt nước để thở lấy hơi. Khi thở nên tránh hít vào đường mũi (vì nước chảy từ trên đầu xuống dễ gây sặc), mà nên thở bằng cách há to miệng. Tuy nhiên, khi cơ thể ở dưới mặt nước thì có thể thở ra cả bằng mũi hoặc bằng miệng đều được, cho đến khi gần hết hơi thì nạn nhân lại tìm cách nhô lên để thở.
Ông Tuấn lưu ý, khi ở trong nước trọng lượng cơ thể đã nhẹ đi rất nhiều, khi nước ngập tới cổ thì trọng lượng cơ thể chỉ còn 5-10%. Do đó, khi áp dụng kỹ thuật bơi tự cứu, nạn nhân cần giữ thân người luôn ở tư thế thẳng đứng. Vì khi cơ thể được giữ theo tư thế thẳng đứng thì lực đẩy nổi của nước rất mạnh, chỉ cần quạt tay nhẹ nhàng là có thể đẩy cơ thể ta nhô lên được. Vì vậy, để kéo dài thời gian chờ người ứng cứu, nạn nhân cần giữ người thẳng đứng và thực hiện tuần tự quy trình nhô lên để hít vào và chìm xuống để thở ra. Mỗi khi nhô đầu lên khỏi mặt nước để thở và lấy hơi tiếp, nạn nhân cần tranh thủ phát đi lời kêu cứu cần thiết.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)