Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Từ đề án 1816: Bệnh nhân “chảy” ngược về vùng sâu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các BV tuyến trên giảm được 30% bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên nhờ đề án 1816

Ngày 16-4, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức sơ kết việc thực hiện đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện (BV) tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” (gọi tắt là đề án 1816).
Trên 1.200 bác sĩ tuyến trên đi làm “từ thiện”
“Từ nhiều năm nay, tình trạng bệnh nhân bỏ qua tuyến dưới dồn về phía trên gây nên quá tải đối với các BV tuyến trung ương, tuyến tỉnh là khá phổ biến. Ở nhiều bệnh viện, việc 2-3 bệnh nhân phải nằm một giường diễn ra như cơm bữa”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Châu cho biết.
Mặt khác, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thì “Do thiếu cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi, dẫn tới công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở những tỉnh miền núi, khu vực Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa phần nào bị hạn chế”…
Và để khắc phục tình trạng này, ngày 26-5-2008, đề án 1816 đã được phê duyệt. Đề án nhằm thực hiện 3 mục tiêu: nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của BV tuyến dưới, giảm tình trạng quá tải cho các BV tuyến trên, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới.
Theo đó, từ tháng 8-2008 đến tháng 3-2009, cả nước có 59 BV tuyến trên cử cán bộ đi luân phiên (trong đó: 31 BV trung ương (TW), 4 BV thuộc TP.Hà Nội, 22 BV thuộc TP.HCM, BV Việt Tiệp (Hải Phòng) và BV ĐK tỉnh Kiên Giang) với 1.246 lượt bác sĩ. Các bác sĩ có tay nghề, chuyên môn đã xuống 57 BV tuyến dưới, chủ yếu các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa như Hà Giang, Hưng Yên, Điện Biên, Lai Châu, Lâm Đông, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… để hỗ trợ các đồng nghiệp ở đây nâng cao tay nghề.
Vấn đề này, ông Triệu cho rằng: “Đời một người bác sĩ bình quân là 30 năm, thôi thì nên dành một vài tháng, thậm chí là một năm để làm “từ thiện” – đó là đi vùng sâu vùng xa”. Cũng theo ông thì trong thời gian tới, mô hình luân phiên bác sĩ sẽ phải luật hóa. Nghĩa là tất cả các bác sĩ đều phải có thời gian đi vùng sâu vùng xa…
Chống “phủ mền” trang thiết bị y tế
Mặc dù đề án 1816 mới triển khai trong 6 tháng nhưng các bác sĩ tuyến trên đã chuyển giao được 20 chuyên ngành cho đồng nghiệp tuyến dưới như nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa, ung thư, tai mũi họng, răng hàm mặt, truyền nhiễm, tâm thần, xét nghiệm… Kết quả có gần 6.000 bác sĩ tuyến dưới được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ. Không chỉ học lý thuyết, các bác sĩ tuyến dưới còn được đồng nghiệp tuyến trên “cầm tay chỉ việc”, theo đó đã dạn dĩ hơn trong công tác khám chữa bệnh.
Ông Mai Hữu Tiềm – Phó giám đốc BV Đa khoa (ĐK) Vĩnh Long cho biết: “Trước đây chúng tôi đã cử một bác sĩ lên BV Chợ Rẫy học về ngoại thần kinh. Tuy nhiên, sau khi học xong, bác sĩ này không đủ tự tin để chữa bệnh. Bởi vậy, BV đã nhiều lần đề nghị BV Chợ Rẫy xuống đây hỗ trợ nhưng đều bị từ chối. Nguyên nhân là do BV Chợ Rẫy đang thiếu bác sĩ, trong khi bệnh nhân thì quá đông. Tháng 8-2008, sau khi đề án 1816 ra đời, một số bác sĩ giỏi của BV Chợ Rẫy đã xuống đây hỗ trợ chúng tôi. Đến nay, bác sĩ của BV ĐK Vĩnh Long đã tự tin chữa những bệnh nặng cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân người Vĩnh Long đang điều trị ở BV Chợ Rẫy đã xin chuyển về BV Vĩnh Long nằm. Thậm chí, không ít bệnh nhân ở các tỉnh lân cận cũng qua đây chữa bệnh thay vì lên TP.HCM như trước…”. Nhiều bác sĩ nói vui rằng đề án 1816 đã làm cho thực trạng bệnh nhân… chảy ngược.
Mặc dù là một BV nông thôn nghèo nhưng BV Châu Thành A (Hậu Giang) vẫn có khá nhiều máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại. Song, những cái máy này thường xuyên bị “phủ mền” vì không ai biết sử dụng. “Phải đợi đến tháng 8-2008, khi các bác sĩ ở BV ĐKTW Cần Thơ luân phiên về đây hướng dẫn cách sử dụng, chúng mới hết bị “phủ mền”. Đến nay thì bác sĩ, điều dưỡng của chúng tôi đã có thể sử dụng bơm tiêm tự động, đo SPO2, đo và đọc điện tim, test glucose mao mạch…”, đại diện ban giám đốc BV Châu Thành A cho biết.
BV ĐK Lai Châu cũng vậy, mặc dù máy móc hiện đại thì nhiều nhưng hầu hết đều phải nằm “phủ mền” vì bác sĩ thiếu chuyên môn. Tháng 9-2008, khi các bác sĩ ở BV Hữu nghị Việt – Đức, BV Nhi TW, BV Phụ sản TW… về đây hướng dẫn kỹ thuật thì những chiếc máy này mới được “bóc tem”.
Ông Triệu thừa nhận đây là thực trạng chung ở nhiều BV tuyến dưới. Và theo ông: “Việc cử cán bộ y tế luân phiên về tuyến dưới là giai đoạn chống “phủ mền” các trang thiết bị y tế hiệu quả nhất”.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)