Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Từ đề tham khảo thi THPT Quốc gia 2017: Không có cửa cho học tủ, học lệch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo đánh giá của một số giáo viên, học sinh, đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố có nội dung kiến thức trải rộng do đặc thù của hình thức thi trắc nghiệm. Chính vì thế, nếu học tủ, học lệch, học sinh sẽ khó hoàn thành được bài thi.

Từ đề tham khảo thi THPT Quốc gia  2017: Không có cửa cho học tủ, học lệch

Học sinh lớp 12 gấp rút ôn tập trước khi bước vào kỳ thi THPT cuối tháng 6 tới. Ảnh: Nghiêm Huê.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng bộ đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố rất kịp thời. “Hai lần công bố đề minh họa trước đã  giúp thầy cô và học sinh hình dung được cách thức ra đề.  Lần này, Bộ cho biết đề tham khảo giống như đề thi thật trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.  Có thể thấy, từ đề tham khảo, cấu trúc, ma trận, câu hỏi  không quá khó, không đánh đố, là những kiến thức cơ bản mà học sinh đã được học” – thầy Bình nói.

Do đó, theo thầy Bình, với dạng đề như Bộ vừa công bố, học sinh trước hết phải hiểu, phải biết vận dụng rồi vận dụng mức độ cao. Đề cũng có tính phân hóa lớn. Nội dung kiến thức trong đề trải rộng toàn bộ chương trình đã học. Vì vậy, học sinh không thể học tủ, không thể học lệch mà phải nắm  chắc kiến thức trọng tâm của toàn bộ chương trình.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hải, hiệu trưởng trường  THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết khi nhận được đề tham khảo, trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn cùng nhau thảo luận, phân tích cấu trúc, ma trận đề thi, chủ đề kiến thức rồi rút kinh nghiệm đồng thời triển khai ôn tập. Sau đó sẽ đưa đề cho học sinh tự làm, tự chấm theo đáp án của Bộ GD&ĐT.

Nói riêng từng môn trong đề tham khảo, thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, trong bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, môn Sinh thường là môn học sinh “sợ” nhất. Chính vì vậy, trường chỉ đạo tập trung bổ sung kiến thức còn hổng cho học sinh. Cô Ngô Thị Thành, trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội cho biết đề môn Lịch sử kiến thức trải rộng.

Trong đó, phần lịch sử thế giới dự kiến chiếm 3 điểm cũng là một khó khăn. “Với những học sinh xác định bài thi tổ hợp muộn, ví dụ như đến học kỳ II năm lớp 12 mới xác định chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội thì chắc chắn sẽ rất khó khăn. Vì thi trắc nghiệm kiến thức không khoanh vùng như thi tự luận. Hơn nữa, trong đề thi tham khảo vừa rồi, có nhiều câu hỏi rất chi tiết mà nhiều khi giáo viên cũng bỏ qua” – cô Thành nói.

Sau khi “thử sức” với đề Toán, Nguyễn Huy Phương, học sinh lớp 12 trường THPT Tống Văn Trân, Ý Yên, Nam Định cho rằng đề thi trắc nghiệm môn Toán không dễ và cũng không khó. “Sau khi làm xong, em tính được 6 điểm đến 7 điểm. Tuy nhiên, với 3 phương án nhiễu, rất dễ nhầm lẫn” – Phương nói.

Vừa ôn vừa luyện kỹ năng

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, thời gian còn lại, trường THPT Việt Đức, Hà Nội sẽ  bổ sung  kiến thức cho học sinh đồng thời, các giáo viên xác định rõ tư tưởng cho người học là không học lệch, học tủ.  Giáo viên cũng không cần phải sa đà vào những kiến thức quá phức tạp, quá khó đối với những học sinh  chỉ trung bình kém. “Trường sẽ tập trung bổ sung  những kiến thức còn hổng và rèn luyện kỹ năng cho học sinh bằng việc xây dựng những đề tương tự như của Bộ với nhiều chủ đề để học sinh làm quen hình thức đề thi mới” – thầy Bình nói.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hải, hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trung cũng cho rằng  thời gian ôn tập chỉ còn 2,5- 3 tuần. Chính vì vậy, giáo viên cũng như nhà trường sẽ lên kế hoạch ôn tập gấp rút và bổ sung thêm kiến thức cho học sinh.

Ông Cao Xuân Hùng, giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết khi Bộ GD&ĐT chưa công bố đề tham khảo, tâm lý chung của học sinh và giáo viên là lo lắng. Nhưng khi biết đề, lo lắng đó đã được giải tỏa. Sở cũng đã chỉ đạo giáo viên nghiên cứu, phân tích đề sau đó có những nhận xét, kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT trong thời gian tới.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn gửi các trường THPT và trung tâm GDTX hướng dẫn sử dụng đề thi tham khảo phục vụ việc ôn thi, trong đó nhấn mạnh đề thi tham khảo được Bộ GD&ĐT công bố lần này là tài liệu quan trọng giúp giáo viên, học sinh có cái nhìn khái quát về mức độ, phạm vi kiến thức, cấu trúc của đề thi.

Sở cũng yêu cầu các trường chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn, hướng dẫn học sinh tự làm đề thi tham khảo với thời gian làm bài theo quy định trong kỳ thi. Căn cứ đáp án đề thi tham khảo, học sinh tự chấm điểm bài thi của mình, tự đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.

“Với những học sinh xác định bài thi tổ hợp muộn, ví dụ như đến học kỳ II năm lớp 12 mới xác định chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội thì chắc chắn sẽ rất khó khăn. Vì thi trắc nghiệm kiến thức không khoanh vùng như thi tự luận. Hơn nữa, trong đề thi tham khảo vừa rồi, có nhiều câu hỏi rất chi tiết mà nhiều khi giáo viên cũng bỏ qua”.

 Ngô Thị Thành

Nghiêm Huê (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)