Việc truyền dịch cần được bác sĩ chỉ định – Ảnh: N.C.T. |
Theo bác sĩ Trần Văn Thường – trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, dịch vụ tiêm truyền nước (điện giải, dinh dưỡng…) rất phổ biến, có khi nhân viên y tế đến truyền tại nhà theo yêu cầu, đặc biệt trong khu vực nông thôn vùng sâu.
Mệt là truyền nước
Trong chuyến công tác tháng 5 vừa qua đến trạm y tế thị trấn Phong Điền (thuộc huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), khoảng xế trưa, chúng tôi gặp một phụ nữ lớn tuổi đến trạm và muốn truyền chai nước cho khỏe.
Bà N.T.H. (60 tuổi, nhà ở thị trấn Phong Điền), vốn là khách quen của trạm, mỗi lần thấy trong người mệt mỏi là ra trạm y tế để truyền, thường 1-2 tuần một lần. Hỏi bà bệnh gì mà truyền nước, bà H. nói không bệnh gì, chỉ mệt mỏi do ăn uống và ngủ không được, truyền vào thấy khỏe hơn.
Lát sau, lại có một thanh niên đến nhờ truyền cho chai nước cho “khỏe và mát” vì thấy nóng trong người.
Nhiều người dân ở thôn quê thường ít khi đến bệnh viện khám bệnh, có mệt thì đi truyền nước hay chích thuốc ở gần nhà. Bà B.N. (ấp Trường Đông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, Cần Thơ) kể: "Hễ đau hay mệt gì là tui đi bác sĩ tư chích mũi thuốc hay truyền một, hai chai nước cho mau hết. Vậy cho đỡ mất công lội ra bệnh viện xa xôi, vừa tốn tiền vừa mất thời gian!".
Còn bà T.T.L. (một cán bộ hưu trí ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng nói bà hay ra trạm y tế gần nhà truyền nước, đạm mỗi khi mất ngủ, ăn uống kém. Mỗi tháng ra trạm y tế 1-2 lần, riết thành khách quen.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Lập – trưởng phòng nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế Cần Thơ – cho biết các trạm y tế ở địa phương đã được kiểm tra và được phép thực hiện kỹ thuật tiêm chích, thay băng, truyền dịch. Tuy nhiên phải được bác sĩ (hoặc y sĩ) khám bệnh, có chỉ định truyền mới thực hiện. Còn ở các điểm y tế tư nhân, dịch vụ truyền dịch chỉ thực hiện theo y lệnh của bác sĩ khám.
Mỗi loại dịch có một số chỉ định
Chính vì thói quen mệt là đi truyền nước ở nhiều người nên đã xảy ra một số trường hợp đáng tiếc. Theo bác sĩ Trần Văn Thường, tại Cần Thơ đã xảy ra một số ca tai biến đến chết người (trong đó có người truyền nước tại phòng mạch tư). Do đó tùy thể trạng, bệnh lý của từng người, sẽ được chỉ địch dịch truyền khác nhau.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết hiện có hơn 20 loại dịch truyền và chủ yếu chia thành 3 nhóm chính: nhóm dịch truyền cung cấp một số chất dinh dưỡng cho cơ thể, ví dụ dung dịch đường 5%, dung dịch đạm, dung dịch chất béo. Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, ví dụ dung dịch nước muối 0,9%, dung dịch Lactated Ringer, dung dịch bicarbonat. Những nhóm dung dịch đặc biệt ví dụ huyết tương tươi, dung dịch cao phân tử, dung dịch albumin…
Mỗi loại dịch có chỉ định nhất định. Cụ thể, dung dịch đường truyền cho người đang hạ đường huyết, hoặc phối hợp với chất đạm, béo để truyền cho người không thể ăn, uống được, phải nuôi ăn lâu dài. Dung dịch chất đạm, chất béo được truyền để cung cấp dinh dưỡng cho người suy kiệt, không ăn uống được. Dung dịch điện giải chủ yếu dùng trong trường hợp mất nước, mất máu, chống sốc trong trường hợp tụt huyết áp. Nhóm dung dịch đặc biệt có chỉ định truyền khắt khe hơn.
Khi nào cần truyền dịch?
Theo bác sĩ Lưu Phương, cơ thể con người bình thường sẽ duy trì ổn định các chỉ số về máu, chất đường, chất đạm, chỉ khi bị rối loạn thay đổi mới chỉ định truyền dịch. Chỉ định truyền được bác sĩ quyết định sau khi khám lâm sàng với từng ca bệnh cụ thể.
Vì vậy, có lúc bác sĩ chỉ định truyền dịch trước khi bệnh nhân được làm xét nghiệm, đặc biệt với bệnh nhân bị choáng, bị sốc do mất nước, mất máu, bệnh nhân bị ngộ độc.
Người bị huyết áp thấp có nên truyền dịch? Bác sĩ Lưu Phương cho biết huyết áp thấp có hai loại là huyết áp thấp cơ địa và tụt huyết áp. Huyết áp thấp cơ địa thường không cần truyền dịch khi không mắc bệnh lý. Tuy nhiên, khi có bệnh lý mà có chỉ định truyền dịch thì vẫn phải truyền.
Còn tụt huyết áp là một trong những dấu hiệu của sốc nói chung, đặc biệt sốc mất nước và mất máu hoặc uống thuốc trị bệnh cao huyết áp quá liều hoặc cơ thể suy kiệt quá nặng. Những trường hợp này phải truyền dịch càng nhanh càng tốt.
Có một thực tế, bệnh nhân không biết chỉ số huyết áp bình thường nên khi mắc bệnh, nhất là bệnh lý cấp tính, nếu đi khám bệnh với chỉ số huyết áp thấp, các bác sĩ rất khó phân biệt giữa cơ địa huyết áp thấp hay tụt huyết áp do sốc.
Bác sĩ Lưu Phương nhấn mạnh truyền dịch chính là đưa chất lạ vào thẳng mạch máu của cơ thể nên luôn tiềm ẩn những nguy cơ về dị ứng (trong y khoa gọi là choáng phản vệ). Tai biến có thể gặp khi truyền dịch là choáng phản vệ và nếu không cấp cứu đúng cách có thể tử vong, ngoài ra có thể gây ngứa ngáy, khò khè…
Với người có bệnh tim tiềm ẩn, việc truyền dịch quá nhanh, quá nhiều có thể dẫn tới phù phổi cấp. Khi không có chỉ định mà truyền dịch, tim và thận sẽ làm việc nhiều hơn, lợi bất cập hại. Truyền dịch không đúng chỉ định còn gây rối loạn chuyển hóa. Người bình thường nếu truyền dịch sẽ làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn và không muốn ăn…
Theo bác sĩ Trần Văn Thường, nếu bệnh nhân sau phẫu thuật hay do bệnh lý nào đó gây suy nhược, ăn uống kém, mất nước nhiều, bác sĩ mới chỉ định truyền bù nước, bù dinh dưỡng. Còn nếu người bình thường chỉ thấy mệt mỏi, mất ngủ nên đi khám bệnh tìm nguyên nhân, điều chỉnh chế độ ăn, nghỉ ngơi hợp lý, không nên lạm dụng việc tiêm truyền dịch để tránh biến chứng nguy hiểm. |
THÁI LŨY – THÙY DƯƠNG (TTO)
Bình luận (0)