Trước làn sóng trỗi dậy của các chương trình ca nhạc truyền hình, sản phẩm phát trên các nền tảng mạng xã hội…, công chúng đến với các sân khấu ca nhạc truyền thống không còn nhiều như xưa. Nơi người dân mê âm nhạc từ trong máu thịt với đời sống tinh thần vô cùng phong phú, dường như đang thực sự thiếu không gian thưởng thức âm nhạc đại chúng, bình dân…
Show diễn duy nhất tại Sân khấu Trống Đồng, tạm gọi là có nghệ sĩ tên tuổi tham gia, sau hai năm ngưng trệ. Ảnh: Dũng Phương
Đâu rồi sự ái mộ?
Trong 6 ngày Tết Nhâm Dần 2022, Sân khấu Trống Đồng trở lại tổ chức 6 đêm diễn phục vụ người dân TPHCM sau 2 năm tê liệt vì dịch Covid-19. Lượng khách trung bình 400-500 người/đêm diễn, đông nhất vào mùng 3 tết với 600 khán giả. “Ghế bỏ nhiều lắm! Các năm trước phải từ 1.000 đến gần 2.000 khách/đêm”, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, phụ trách Sân khấu Trống Đồng, cho biết.
Sau 6 đêm diễn đó, đến nay Sân khấu Trống Đồng vẫn chưa có kế hoạch cho các đêm diễn tiếp theo, bởi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, muốn tổ chức phải có nhiều điều kiện kèm theo, trong khi vé bán rất khó. Bà Thu Hồng thông tin: “Từ khi xảy ra dịch Covid-19 vào năm 2020, các suất diễn phải ngưng. Hiện tại, hàng tuần vẫn không có đêm diễn nào, có diễn chắc cũng không có khách!”.
Sân khấu Trống Đồng sau hơn 30 năm đã cũ. Trong khi đó, các kênh truyền hình, truyền thông mạng xã hội quá mạnh, người dân không còn mặn mà đến sân khấu trực tiếp, nhất là giới trẻ.
“Lượng khán giả chỉ toàn cỡ 8X trở về trước. Người lớn tuổi trước đây thích sân khấu này lắm mà giờ dịch bệnh còn phức tạp, họ ít dám đi. Còn 9X hầu như không có. Người trẻ bây giờ thích lên mạng coi YouTube, TikTok, Instagram… Mấy ai màng đi coi tụ điểm ca nhạc nữa? Hài 20 năm trước và bây giờ càng không có gì mới mẻ! Chưa kể, năm vừa rồi là năm buồn của nghệ sĩ, nhiều mất mát, scandal… Sao hạng A bị tai tiếng nhiều, người ta bớt dần sự ái mộ với nghệ sĩ là có thật”, bà Thu Hồng kể thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Viên, nguyên Chủ nhiệm Sân khấu Trống Đồng, cũng bày tỏ nhiều băn khoăn. Nghỉ hưu từ năm 2009, đến năm 2018, ông trở lại hỗ trợ tụ điểm này khi tình hình tụ điểm, sân khấu èo uột. Năm 2018-2019, lượng khán giả chỉ 250-300 người/tối, trong khi trước đây là 2.500-3.000 người/tối, ca nhạc diễn suốt tuần. Thời hưng thịnh nhất ở Trống Đồng là từ những năm cuối thập niên 1990 đến 2010. Đỉnh cao nhất là 2008-2009, doanh thu năm 2008 tới hơn 14 tỷ đồng.
“Ngày xưa có từng lớp ngôi sao nổi lên. Khi lớp ca sĩ Bảo Yến, Nhã Phương, Cẩm Vân… lắng xuống thì lớp kế cận xuất hiện liền. Từ Phương Thanh, Lam Trường đến Thanh Thảo, Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Mỹ Tâm, Lệ Quyên… Lớp ca sĩ giờ vẫn có những gương mặt tài năng nhưng sức hút, cái tầm để ra rạp đại chúng, khán giả bỏ vé mua không mấy ai. Ca sĩ xịn hát show lớn, cát-xê cao. 30-40 triệu đồng/show, trong khi tiền vé có 100.000-150.000 đồng như Trống Đồng thì làm sao mời được?”, ông Ngọc Viên kể.
Thách thức để tồn tại
Ngày xưa, Trống Đồng cùng 126 là 2 tụ điểm sân khấu nổi tiếng nhất nhì Việt Nam. Bên cạnh 2 tụ điểm này là hàng loạt tụ điểm sáng đèn thường xuyên như Sân khấu Lan Anh, sân khấu ở công viên Lê Văn Tám, công viên Lê Thị Riêng, công viên Hoàng Văn Thụ, sân khấu trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn, các sân khấu trong Chợ Lớn (quận 5)… Có một thời gian, sân khấu Lan Anh phất lên phong trào tổ chức các show đại nhạc hội. Bây giờ, hầu hết các tụ điểm truyền thống, ra đời mấy chục năm này đều bị thu hẹp và giải tán, chỉ còn Sân khấu Trống Đồng hoạt động nhưng èo uột, lác đác khán giả. Không chỉ các tụ điểm sân khấu bình dân mà các Nhà hát thành phố, Hòa Bình, Bến Thành… hiện khá đìu hiu, chỉ biểu diễn lúc có chương trình, sự kiện đặc biệt.
Ông Nguyễn Ngọc Viên cho rằng, công nghệ phát triển khiến các bầu show “chết đứng”. Có người bán nhà làm show không thu được lợi nhuận, có người bỏ nghề.
Bà Thu Hồng cho biết thêm, dù đã cố gắng thay đổi nhưng rất khó vực dậy Sân khấu Trống Đồng. Ban chủ nhiệm sân khấu có mời những nghệ sĩ trẻ, tài năng nhưng giá cát-xê trên trời và sân khấu này cũng không hợp với họ. Trước nhiều thách thức để tồn tại, khi nguồn thu không đủ, Sân khấu Trống Đồng buộc phải cắt giảm ban nhạc, âm thanh, ánh sáng… nên tổng chương trình khó hay.
“Tôi mong các cơ quan chức năng thành phố tạo điều kiện để đơn vị có cơ hội hoạt động, phát triển, tạo sân chơi thưởng thức âm nhạc bình dân cho khán giả”, bà Thu Hồng đề xuất.
“Thực sự, khán giả Việt chưa bao giờ bỏ quên âm nhạc. Nếu có các tụ điểm sân khấu hiện đại, phù hợp, ứng dụng công nghệ hấp dẫn, chất lượng ca sĩ và show diễn cao, người dân sẽ vẫn đến. Ở các nước trên thế giới, người ta đâu có dẹp các tụ điểm sân khấu tổ chức đại nhạc hội; ca sĩ muốn ra album phải tổ chức ở các tụ điểm cố định như thế. Còn mình bây giờ phát hành sản phẩm âm nhạc trên mạng, YouTube. Không thể đổ lỗi khán giả bỏ sân khấu được. Khán giả thích đến nghe trực tiếp, ca sĩ hát quên lời chút xíu không sao, ban nhạc đánh chệch chút xíu cũng không sao… Vì nó là thật, có sự sáng tạo của nghệ sĩ trong đó. Giờ chỉ toàn nhép là chính, đâu biết ai là ca sĩ xịn. Giờ khi đi ngang Sân khấu 126, thấy người ta tổ chức hội chợ là buồn, Sân khấu Trống Đồng lác đác khách cũng buồn”, đạo diễn Hoàng Duẩn nói.
Có nhạc sĩ chua chát: “Ở các thành phố lớn trên thế giới, nơi nào nhiều nhà hát, nhiều sân khấu mới là những thành phố phát triển, thông minh. Còn ở mình, quán nhậu nhiều hơn, văn hóa “chợ” nhiều hơn… thì đừng nên đòi hỏi nhiều".
Nhạc sĩ Quốc An: Miễn phí cũng ít người xem Có một thời, nghệ sĩ từ Nam tới Bắc đều chọn TPHCM làm nơi họ khởi đầu, đến gần khán giả. TPHCM là nơi định hướng và gần như quyết định thị trường ca nhạc cả nước. Ngày trước, muốn xem thần tượng biểu diễn, công chúng bỏ ra một khoản tiền nhất định đến các tụ điểm, sân khấu… thì nay chỉ cần bật tivi, lướt điện thoại là có thể thưởng thức vô vàn tiết mục của nhiều ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. Sau này, các tụ điểm mất dần, nhà tổ chức phải chật vật bán vé mà thậm chí trao vé miễn phí cũng ít người đến xem.
Chị Đào Hồng Ngọc (29 tuổi, ngụ phường 1 quận 11): Chịu khó đầu tư để hút khán giả trẻ Là người trẻ bây giờ xu hướng thích đi nghe nhạc phòng trà, quán bar. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nếu những tụ điểm, sân khấu ca nhạc này thay đổi, chịu khó đầu tư thì biết đâu khán giả trẻ quan tâm trở lại. Khi nhu cầu của khán giả và sự đầu tư của các sân khấu tiệm cận nhau thì công chúng nhất định sẽ đi xem ở tụ điểm, sân khấu âm nhạc. Nói chung, tùy ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và chất lượng đêm diễn mà tôi chọn đi hay không… |
Bình luận (0)