Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Từ đọc, học, thi đến thực tế còn khoảng cách…

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây trên một tờ báo có bài viết về việc một người mẹ đã la rầy đứa con của mình đang học mẫu giáo trước lúc ra về vì bé không chào bác bảo vệ, người mẹ đó đã yêu cầu con mình quay trở vào khoanh tay chào bác bảo vệ… Trước bài viết đầy tính nhân văn này, Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã mạnh dạn đưa vào đề thi môn văn học kỳ 2 của khối lớp 7. Sự nhanh nhạy này cho thấy những người thầy có trách nhiệm đã nhìn ra thực trạng thiếu sự tôn trọng và tri ân cần thiết trong lứa tuổi học trò đối với những người sống xung quanh. Và đây như một hành động đánh thức lòng biết ơn ở học sinh, mà lâu nay đã chai lì trong cảm xúc, xem việc làm của các bác bảo vệ, chị lao công… là nhiệm vụ và không cần thiết phải cám ơn!

Tuy nhiên, đó chỉ là ý chí và mong muốn của người lớn thôi. Chiều nay, trong buổi thi môn ngữ văn với đề bài được trích ra từ tờ báo, học sinh lúng túng khi trả lời câu hỏi tưởng chừng như quá dễ với bất kỳ ai, nhưng lại… làm khó các em vì không được ôn những chủ đề này để thi! Và, minh chứng cho điều đó là lúc tan buổi thi, các em cũng quên mất vừa rồi đề văn có nội dung yêu cầu chào bác bảo vệ trước khi ra về.

Mong muốn của những người ra đề là gắn kết nội dung dạy học với chủ đề thực tiễn, đó là những bài báo mang tính giáo dục cao, những hình ảnh đẹp nhân văn, những câu chuyện về lòng nhân ái…, nhưng chỉ ra trong đề thi thôi thì chưa đủ, và chỉ đưa vào chủ đề ôn thi thôi cũng chưa đủ. Phải nhắc nhớ thường xuyên, phải nêu gương, phải kiên trì hơn nữa mới mong sau này gặp đề thi tương tự các em không ngập ngừng, cũng không bỡ ngỡ bởi đó là hành động diễn ra hàng ngày rất thường tình vậy thôi.

Nguyễn Minh Thanh

Bình luận (0)