Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Từ dự bị thành… ngôi sao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tiến và Anh “khoe” chiếchuy chương đồng đạt được tại cuộc thi – triển lãm quốc tế Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7 (IEYI 2010)
Vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, hai anh em song sinh Lê Anh Tiến (lớp 10DT2, Khoa Điện tử viễn thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) và Lê Hoàng Anh (sinh viên năm 1 Khoa CNTT, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đã sáng tạo rất nhiều phần mềm mang tính ứng dụng cao trong đời sống…
Sinh ra trong gia đình thuộc diện khó khăn của phường Thạc Gián (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng), kinh tế chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi của bố. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, hai anh em Hoàng Anh và Anh Tiến đi giữ xe, nhận đồ hàng mã về làm, đi dạy kèm… để phụ giúp bố mẹ và kiếm tiền ăn học. Khó khăn đã không làm họ chùn bước để khẳng định tài năng sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trưởng thành từ… đội hình dự bị
Gặp chúng tôi khi vừa mới nhận giải nhì cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu nhi toàn quốc” lần thứ 6 và huy chương đồng cuộc thi – triển lãm quốc tế “Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ” lần thứ 7 (IEYI 2010), Anh Tiến vui vẻ cho biết: “Chúng em đến với tin học rất tình cờ và may mắn. Năm lớp 10, tụi em trở thành thành viên đội tuyển tin học của trường do… đội thiếu thành viên. Thật sự, lúc đó hai anh em cũng chỉ mới nhìn thấy cái máy vi tính chứ chưa một lần sờ tới bàn phím”.
Mang tiếng có mặt trong đội tuyển tin học nhưng do điều kiện kinh tế gia đình quá eo hẹp nên hai em không thể mua máy tính để học tập. Do đó, nhà sách là địa điểm để các em tìm hiểu thông tin về môn học còn hoàn toàn mới lạ này. Năm lớp 11, nhờ tiết kiệm tiền thưởng từ các cuộc thi và được bố mẹ hỗ trợ thêm, Hoàng Anh và Anh Tiến đã trang bị được chiếc máy tính để bàn. Sau đó, hai anh em tự mày mò học từ những kiến thức căn bản, vì vậy mà cặp song sinh này không tránh được những rủi ro thường gặp. Tiến kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất của hai anh em: “Năm lớp 11, chúng em sáng tạo phần mềm quản lý bán hàng và cho chạy thử trên máy tính của mình thì rất ổn, nhưng khi chạy qua máy tính của cuộc thi thì gặp vấn đề. Lý do là máy tính ở nhà sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu là Access, còn máy tính của cuộc thi sử dụng SQL server. Tụi em cứ tưởng hai hệ thống này đều giống nhau, ai ngờ đến thi không làm sao đưa phần mềm qua máy khác, em phải về nhà bưng nguyên CPU của mình lên sân khấu để thuyết trình”.
Chỉ tiếp xúc với công nghệ thông tin trong một thời gian ngắn nhưng Hoàng Anh và Anh Tiến tỏ ra rất có năng khiếu trong lĩnh vực này. Ngay năm học lớp 10, Hoàng Anh và Anh Tiến đã đạt thành tích rất đáng nể như: giải khuyến khích kỳ thi Tin học trẻ không chuyên TP.Đà Nẵng, giải 3 phần mềm từ điển sinh vật…
Sức khỏe yếu do mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng điều đó xem ra cũng chẳng ảnh hưởng đến niềm đam mê của cặp song sinh này. “Nhiều bữa hai đứa cứ làm việc trên máy tính quên ăn, quên ngủ; có những hôm hai anh em mày mò với công việc gần như thâu đêm suốt sáng”, bà Hoa, mẹ của cặp song sinh, cho biết.
Những phần mềm công nghệ khả dụng
Giữa năm lớp 10, Hoàng Anh và Anh Tiến bất ngờ công bố “phần mềm từ điển sinh vật”. Đây là một website chuyên đề về các loài động vật, thực vật, sinh vật… Điểm đặc biệt của nó là tìm kiếm dưới dạng ngôn ngữ tiếng Việt nên phù hợp rất nhiều đối với học sinh ở nước ta. Được chạy thử, ứng dụng trên mạng thông qua website http://tudiensinhvat.vn do Công ty Điện toán và Truyền số liệu 3 (VDC) tài trợ tên miền và hosting. Sản phẩm đã đạt giải 3 cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi lần thứ 3 (năm 2006-2007).
Tiếp sau thành công đó, nhiều phần mềm đã được đưa vào ứng dụng trên địa bàn TP.Đà Nẵng như phần mềm “Vui học tới trường” đạt giải nhì Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 14. Phần mềm này giúp cho học sinh mẫu giáo và tiểu học học tập và nhận biết mọi vật thông qua những hình ảnh vô cùng sinh động và trực quan.
Trong hơn 10 phần mềm đã sáng tạo, có lẽ phần mềm khiến cặp song sinh này tâm đắc nhất chính là phần mềm “All in one for mobile 1.0” vừa mới nhận giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi toàn quốc lần thứ 6 và huy chương đồng cuộc thi – triển lãm quốc tế Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7 (IEYI 2010). All in one cung cấp một loạt tính năng cho điện thoại di động như: học lịch sử, học tiếng Anh, tra cứu các triều đại Việt Nam, trắc nghiệm về Thăng Long – Hà Nội, tra cứu danh bạ điện thoại, tra từ điển, tính năng dịch đoạn văn bản từ tiếng Anh dịch ra gần 60 ngôn ngữ của các quốc gia khác rất ổn định. Nếu chỉ dùng vào các dịch vụ học tập như: tra từ điển, học tiếng Anh thì không cần tới GPRS mà vẫn sử dụng được. Với dung lượng 237Kb, người dùng có thể cài đặt phần mềm này trực tiếp bằng file hoặc bắn qua cổng bluetooth. Hoàng Anh và Anh Tiến cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp cho phần mềm hoàn thiện với nhiều tính năng ưu việt hơn.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, cậu em Lê Anh Tiến chia sẻ: “Em cố gắng đạt kết quả học tập thật tốt để có thể tìm kiếm một suất học bổng về lĩnh vực công nghệ”. Còn Lê Hoàng Anh thì bẽn lẽn nói về ước mơ sẽ trở thành ông chủ của một công ty phần mềm lớn trong tương lai. Nhưng hiện tại em rất mong tìm được nhà đầu tư cho những phần mềm của hai anh em.
Bài, ảnh: Phan Lệ

“Tụi em trở thành thành viên đội tuyển tin học của trường là do… đội thiếu thành viên. Thật sự, lúc đó hai anh em cũng chỉ mới thấy cái máy vi tính chứ chưa một lần sờ tới bàn phím”, Anh Tiến nói.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)