Để có những tiết học tích cực mà học sinh làm trung tâm, trong mỗi giờ dạy giáo viên phải biết gợi mở những vấn đề để người học có ý kiến phản hồi. Có thể nói trong bất kỳ môn học nào người học cũng phải biết đào sâu suy nghĩ và có tư duy phản biện tốt. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Hồ Thiệu Hùng xoay quanh vấn đề này.
Khi học sinh phản biện, người thầy không nên tự ái mà cần xem xét thấu đáo ý kiến phản biện của các em (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
– TS. Hồ Thiệu Hùng nói: Lịch sử tiến bộ của loài người đã cho thấy cứ mỗi khi nảy sinh sự hoài nghi khoa học trước một niềm tin nào đó là lại có những nỗ lực giải đáp nỗi hoài nghi ấy. Nếu các nỗ lực này thất bại thì niềm tin ấy được củng cố, còn nỗ lực mà thành công thì niềm tin ấy đổ nhào và loài người lại tiến thêm một bước dài trong nhận thức thế giới. Thuyết địa tâm (trái đất ở trung tâm, mặt trời cùng mặt trăng và các thiên thể đều quay quanh trái đất) từng là hình mẫu tiêu chuẩn của nhân loại từ thời cổ đại cho đến thế kỷ 17. Những ai nghi ngờ điều này mà nghĩ rằng chính trái đất mới quay quanh mặt trời – thuyết nhật tâm – đều thuộc phe thiểu số, thậm chí còn bị đả kích và truy bức, điển hình là Ga-li-lê. Ông là người ủng hộ thuyết nhật tâm của Cô-per-nic nên bị nhà thờ lúc bấy giờ lên án là dị giáo và quản thúc tại gia cho đến khi mất năm 1642. Còn vô vàn những câu chuyện như vậy trong khoa học. Hiện nay thì không còn ai ủng hộ thuyết địa tâm lỗi thời nữa.
Câu chuyện trên cho thấy rằng trong khoa học muốn tiến lên phải đi qua con đường gập ghềnh, chông gai của phản biện, qua phủ định có kế thừa một quan niệm đi trước đã trở nên lạc hậu, cản trở phát triển của nhận thức; rằng chân lý không nhất thiết luôn thuộc về số đông, rằng chân lý không phải thuộc về kẻ mạnh. Nếu ai cũng suy nghĩ theo lối cũ, làm theo cách cũ thì loài người nay vẫn chưa thoát khỏi thời kỳ đồ đá.
Trong các tiết học, học sinh phản biện với giáo viên là tốt, nhưng việc này phải có giới hạn và mức độ. Có đúng vậy không, thưa ông?
– Nói phản biện là muốn nói phản biện khoa học, chứ không phải là kiểu nói ngược lại thầy, ngược lại sách để tỏ ra khác người, để được “nổi”, một kiểu “phản biện” chẳng có lý lẽ, chứng cứ gì. Tư duy phản biện không chỉ có nghĩa là chống lại, là phê phán, là phủ nhận mà còn là bảo vệ, ủng hộ để tiếp nhận một thông tin nào đó một cách cặn kẽ hơn, sâu sắc hơn. Khi phản biện, dù khen hay dù chê đều phải tìm ra lý lẽ xác đáng. Ngày nay với sự phát triển của internet, người dù học cao, hiểu nhiều lại càng phải hết sức cẩn trọng với nhận định của mình, nhận rõ giới hạn hiểu biết của mình. Là học sinh càng phải khiêm tốn học hỏi. Nhà trường hoạt động tốt khi có không khí sư phạm cởi mở nhưng lễ độ. Một kiểu bày tỏ ý kiến phản biện mà học sinh nên chọn là nói “Thưa thầy, em nghĩ như thế này, không biết đúng sai ra sao, nhờ thầy phân tích cho em rõ”. Nếu lỡ học sinh vụng về hơn thì thầy cũng nên nén… tự ái lại mà xem xét thấu đáo ý kiến phản biện của trò. Không nên quy kết là “trứng đòi khôn hơn vịt”, là vô lễ. Như vậy sẽ làm thui chột tư duy độc lập, học sinh sẽ rút vào “vỏ ốc” lười suy nghĩ.
Đã có lần được nghe ông kể về kết luận bài văn của học sinh về nhân vật Tấm trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Đó có phải là phản biện đúng hay không? Không dám phản biện, không được phản biện, điều đó có tác hại như thế nào, thưa ông?
– Trở lại chuyện dạy ngày xưa – chuyện một học sinh giỏi văn lớp 5 phê bình cô Tấm là ác trong bài của mình. Chuyện diễn ra vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Bài đó lúc đầu bị các giám khảo cho điểm thấp bởi trong đáp án thì cô Tấm là đại diện cho cái thiện. Đằng này cô Tấm lại bị đứa học trò trách là Cám đã quá ác với chị Tấm nên bị mọi người căm ghét, giờ chị Tấm quay lại trả thù thật ác độc thì hóa ra chị cũng là người ác luôn. Bài bị xem là sai về “tư tưởng” nên các giám khảo cho điểm dưới trung bình. Về sau, có sự chấn chỉnh lại là cứ để học sinh mạnh dạn nêu ý kiến riêng của mình, trái với đáp án cũng không sao miễn là câu văn lưu loát, lý lẽ vững vàng. Sau đó thì các giám khảo đánh giá lại và cho điểm bài văn rất cao. Em đó được chọn đi thi học sinh giỏi toàn quốc, đạt được giải học sinh giỏi toàn quốc và nay thành tiến sĩ đang ở nước ngoài. Câu chuyện Tấm Cám giờ đây sau vài chục năm đã được xem xét lại dưới nhiều góc nhìn khác, nhân văn hơn, đoạn kết Tấm trả thù Cám cũng bị xén đi. Thầy cô giáo ngày nay đã bớt nghĩ kiểu xơ cứng như thời đấy nên nhiều người hẳn sẽ mừng nếu học sinh nói lên ý kiến riêng của mình về một nhận định nào đó, của thầy cũng được, không đồng tình cũng được, miễn là nói có lập luận, chứng minh hẳn hoi. Còn không được phản biện, không dám phản biện thì thành người không có tư duy độc lập, chỉ giỏi “ăn theo, nói leo” thôi, rất nguy hại cho sự tiến bộ.
Thưa ông, vậy giáo viên cần phải khuyến khích học sinh đào sâu suy nghĩ và có tư duy phản biện đúng?
“Đổi mới giáo dục thì phải đổi mới hoạt động dạy và học, muốn đổi mới hoạt động dạy và học mà không khuyến khích tư duy phản biện, không rèn luyện năng lực phản biện khoa học cho học sinh thì mất hẳn một nội dung cơ bản của đổi mới”, TS. Hồ Thiệu Hùng nói. |
– Người thầy có trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc không được đào tạo những lứa học trò chỉ biết “ăn theo, nói leo”, làm thế khác nào đưa thế hệ trẻ đi vào ngõ cụt của trí tuệ. Thế hệ chủ nhân tương lai đất nước mà trí tuệ đi vào ngõ cụt thì đất nước đi về đâu? Thời đại khoa học hiện nay người ta không còn sợ mà ngược lại còn khuyến khích việc đề xuất các ý kiến khác lạ, khuyến khích sự cọ xát, thậm chí va đập của các luồng ý kiến khác nhau. Có như vậy mới rõ cái gì đúng, cái gì sai, cái gì hay, cái gì dở, có vậy mới có sáng tạo, có phát minh mới. Thực tế chứng minh rằng cứ làm theo kiểu cũ thì chỉ có thể thu được sản phẩm cũ. Nếu thấy rằng sản phẩm đã lỗi thời thì phải hiểu là do cách làm đã lỗi thời và chỉ có thay đổi cách làm mới hy vọng ra được một sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu mới của cuộc sống. Sợ đổi mới, bám riết cách dạy một chiều thì khác nào nhốt suy nghĩ của học sinh vào một cái hộp chật chội, kìm hãm sự phát triển tư duy độc lập của học sinh.
Như vậy khuyến khích người học tư duy phản biện cũng là nội dung cơ bản của đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, trong đó có đổi mới phương pháp giảng dạy của từng bộ môn?
– Trong nguồn nhân lực, hiện nay điều được coi trọng nhất là trí tuệ chứ không phải cơ bắp. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của máy móc, của trí tuệ nhân tạo, đồ vật còn biết “ra lệnh” cho nhau, phối hợp với nhau một cách thông minh. Lẽ nào thầy lại muốn biến học trò của mình thành các robot sinh học, chỉ biết nhận “lệnh” và dùng “cơ bắp” thực hành “lệnh” mà thôi? Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT được phát động và đang được triển khai hẳn có nhằm vào mục đích thay đổi não trạng này. Đổi mới giáo dục thì phải đổi mới hoạt động dạy và học, muốn đổi mới hoạt động dạy và học mà không khuyến khích tư duy phản biện, không rèn luyện năng lực phản biện khoa học cho học sinh thì mất hẳn một nội dung cơ bản của đổi mới.
Xin cảm ơn ông!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)