Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tư duy về một phương pháp dạy học khác

Tạp Chí Giáo Dục

“Giáo viên dạy văn cần cho các em học sinh tiếp xúc với báo chí hằng ngày, giới thiệu tuyến bài phù hợp với quan điểm giáo dục, bài viết có tính nhân văn, giá trị đạo đức. Đồng thời không cấm cản học sinh xem và đọc những tin tức giật gân, những tin bạo lực… vì ta càng cấm các em càng xem, nên hãy xem đó như cơ hội để giúp học sinh có một cách nhìn và bày tỏ thái độ với sự kiện diễn ra. Tránh trường hợp như mấy năm gần đây, đa số học sinh bị… đứng hình khi gặp đề thi có câu chuyện trên báo chí, các em không biết bày tỏ quan điểm và giải thích theo hướng nào đối với bài thi và ứng xử thế nào với một bình luận nào đó được đưa ra”, lời nhắc nhở của thầy hiệu trưởng trường tôi trong một buổi họp hội đồng sư phạm gần đây. Tôi cứ nghĩ mãi, có phải mình đang nghe bài diễn thuyết của một nhà giáo dục tâm huyết nào đó, rất tầm vóc đang trăn trở day dứt trước hiện trạng văn hóa đọc đi xuống trong nhà trường.

Thầy hiệu trưởng tiếp tục nói: “Đồng thời khuyến khích học sinh vào thư viện trường, giới thiệu những tác phẩm hay của tác giả trẻ, những tác phẩm kinh điển của thế giới có giá trị lớn để hình thành thế giới quan tốt đẹp cho các em. Bên cạnh đó, cần cho các em tiếp cận ở mức độ vừa phải với những tác phẩm văn học của các tác giả Việt Nam gây nhiều bàn luận trái chiều trước đây mà giờ được chấp nhận trong trường học…”.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã nói nhiều về vấn đề này, nhưng có lẽ không nhầm đây là lần đầu tiên sau nhiều năm công tác trong ngành, tôi được đón nhận sự quan tâm đặc biệt đối với văn hóa đọc của học sinh từ lãnh đạo nhà trường. Còn khuyến khích học sinh đọc báo để cập nhật tin tức nữa chứ. Đây không chỉ là lời sáo rỗng, vì sau buổi họp hội đồng sư phạm, chính hiệu trưởng đã xuống tận thư viện tư vấn cách bố trí vị trí để sách và chỗ ngồi đọc phù hợp. Thầy còn khuyến khích giáo viên, học sinh viết cảm nhận về những quyển sách hay và có thưởng mỗi tháng; yêu cầu giáo viên văn họp tổ lập “hội đồng” đọc cảm nhận của giáo viên và học sinh trong trường. Phân chia nhau dán lên bảng tin trường thông tin văn học văn nghệ, thời sự “nóng” phù hợp…

Hy vọng rằng đây là tâm huyết và tư duy về một phương pháp dạy học khác mà lãnh đạo nhìn thấy và đến lúc phải thực hiện cho bằng được nhằm năng cao môn học làm người, chứ không phải là cách làm đối phó với những đề thi văn có tính nghị luận xã hội trong các kỳ thi gần đây.

Y.HÂN (TP.HCM)

Bình luận (0)