61 HCV triển vọng giải Trần Hữu Trang được trao trong 11 mùa giải qua nhưng chỉ có 20 nghệ sĩ khẳng định được tên tuổi
Năm 1991, Hội Sân khấu TP HCM và Báo Sân khấu TP HCM đã lập nên giải thưởng Trần Hữu Trang, kế tục thành quả của giải Thanh Tâm. Giải Trần Hữu Trang được tổ chức theo hình thức tập hợp các nghệ sĩ thể hiện tài năng qua một trích đoạn bởi thời điểm đó rất ít đoàn dàn dựng vở mới đúng tầm nghệ thuật. Sàn diễn bắt đầu bị thu hẹp, việc chọn lựa kịch mục để chấm giải như cơ cấu tổ chức của giải Thanh Tâm đã không cho phép. Từ đó đến nay, giải Trần Hữu Trang đã chọn trao 61 HCV triển vọng và 5 HCV xuất sắc cho các nghệ sĩ nhiều thế hệ.
Có mấy người xứng danh!
Trong số 61 HCV triển vọng và 5 HCV xuất sắc của giải Trần Hữu Trang, có 2 nghệ sĩ ưu tú được trao giải xuất sắc là Vũ Linh và Phượng Hằng vẫn còn xứng danh với tên gọi của giải.
Nếu điểm lại danh sách nghệ sĩ đã từng đoạt HCV giải Trần Hữu Trang thì đến nay tên tuổi của NSƯT Vũ Linh và Phượng Hằng vẫn đứng ở mức tạo doanh thu kỷ lục cho các đoàn hát. Tài năng của cả hai được giới chuyên môn đánh giá cao khi bộ sưu tập vai diễn của họ ngày càng đầy lên với nhiều nhân vật có số phận, tính cách khác nhau và được xem là vai diễn để đời. NSND Thanh Tòng đã từng nhận xét: “NSƯT Vũ Linh đại diện cho thế hệ nghệ sĩ trưởng thành từ sau 1975, vừa ca vọng cổ hay vừa vũ đạo đẹp mắt. Vai kép chánh dẫu là văn, võ hoặc kép lẳng, mùi, tướng soái, Vũ Linh đều thể hiện rất tốt. NSƯT Phượng Hằng đại diện cho nữ nghệ sĩ trẻ bứt phá với cách ca vọng cổ hơi dài, nét luyến láy mượt mà, ca rõ lời và có sức sáng tạo. Nếu trước đây, trường phái ca hơi dài thuộc về các nam nghệ sĩ như: Minh Cảnh, Châu Thanh, Ngân Giang… thì bên nữ có Phượng Hằng hình thành phong cách ca hơi dài rất độc đáo”.
NSƯT Vũ Linh và NSƯT Phượng Hằng trong vở Kim Vân Kiều Ảnh: THANH HIỆP
Cho đến nay, cả hai vẫn tiếp tục dẫn đầu danh sách nghệ sĩ chịu khó tìm tòi, sáng tạo, thể hiện phong cách diễn xuất mới. Đạo diễn NSƯT Hoa Hạ nhận xét: “Xứng tầm một HCV xuất sắc phải là một nhân tố phát huy được sự cộng hưởng trong ca diễn, mang lại luồng sinh khí mới cho người xem. NSƯT Vũ Linh đã làm được điều đó. Riêng NSƯT Phượng Hằng sau những vai diễn tạo dấu ấn, sau này chị còn diễn xuất sắc những vai tiếp nối sáng tạo của đàn chị như: Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga và dấu son đậm nét là khi Phượng Hằng làm đào chánh của Đoàn Cải lương Trung Hiếu, đã có 2 vai diễn để đời trong 2 tác phẩm Vụ án Mã Ngưu, Lệnh truy nã… NSƯT Vũ Linh sau này đã đứng ra đạo diễn nhiều kịch bản, nhiều chương trình mà dấu ấn là thương hiệu “Người đưa đò”, dìu dắt các nữ diễn viên trẻ đã đoạt HCV triển vọng tiếp tục tỏa sáng cùng anh; còn NSƯT Phượng Hằng thì đảm nhận trọng trách nâng đỡ dàn diễn viên xuất thân từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, để họ vững vàng khi đến với các nhân vật bên cạnh sự yểm trợ hết mình của chị”.
Dần đuối sức
Trong giai đoạn đầu, giải thưởng Trần Hữu Trang đã phát hiện nhiều tài năng trẻ, đại diện cho thế hệ nghệ sĩ cải lương mới và họ đã khẳng định vị trí của mình trên sân khấu như: NSƯT Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Phương Hồng Thủy, Thoại Mỹ, Thanh Ngân, Tú Sương, Trinh Trinh, Tâm Tâm, Quế Trân… Sau 11 lần tổ chức, trong vòng 19 năm, giải thưởng Trần Hữu Trang dường như “đuối sức” trong điều kiện sân khấu cải lương dần rơi vào khủng hoảng. Soạn giả NSND Viễn Châu nói: “Nếu tính từ cột mốc Vũ Linh, Phượng Hằng đoạt HCV xuất sắc đến nay, hạn chế của giải Trần Hữu Trang chính là trao quá nhiều HCV theo kiểu phong trào, mặt trận khi chia đều giải cho các đơn vị có gửi diễn viên đi thi. Một HCV xuất sắc như Vũ Linh, Phượng Hằng là phải đảm đương nổi việc lôi kéo khán giả đến với sàn diễn”.
Trong 61 diễn viên đoạt HCV triển vọng giải Trần Hữu Trang, chỉ khoảng 20 nghệ sĩ khẳng định tên tuổi trên sân khấu. Trong 5 nghệ sĩ được trao giải HCV xuất sắc: NSƯT Vũ Linh, Phượng Hằng, Hoàng Nhất, Hải Yến và Vũ Luân thì chỉ Vũ Linh và Phượng Hằng xứng tầm.
Vì sao một số diễn viên sau khi đoạt HCV đã bỏ nghề, có người chuyển qua hát tân nhạc, có người làm bầu sô và có một số ít gây tai tiếng cho giới sân khấu? Đạo diễn – NSND Huỳnh Nga lý giải: Giải Trần Hữu Trang mang tính phong trào trong tình trạng sân khấu cải lương đã rơi vào thoái trào cả chục năm qua, các nghệ sĩ trẻ bị thu hẹp đất dụng võ, không có cơ hội để tiếp tục rèn luyện và phát huy nghề nghiệp. So với các nghệ sĩ từng đoạt giải Thanh Tâm, biên độ hoạt động của các diễn viên trẻ đoạt giải Trần Hữu Trang đã giảm hẳn do không có sàn diễn. Họ chịu nhiều thiệt thòi hơn do không có môi trường để thể hiện tài năng. Nếu có thì chỉ đi hát quán, hát đình. Còn gắn kết với đoàn nghệ thuật quốc doanh thì mỗi năm chỉ dàn dựng vài vở diễn để đi phục vụ khán giả miễn phí. Chính vì vậy, kể từ sau mùa giải năm 2003, giải thưởng Trần Hữu Trang đã chững lại trong suốt 4 năm. Và mùa giải năm nay, vẫn chưa lóe sáng lên điều gì khi vẫn từng ấy trích đoạn cũ, cách dàn dựng cũ và diễn viên dự thi vẫn trong tư thế tham gia vì phong trào chứ chưa phải là sự phát hiện để dự báo một sức tỏa sáng đúng tầm cho đời sống nghệ thuật cải lương.
Tạo môi trường để rèn nghề
Đạo diễn Ca Lê Hồng cho biết: “Các vòng bán kết giải Trần Hữu Trang lần thứ XII sẽ được tổ chức tại TP Cần Thơ với 21 diễn viên tranh giải triển vọng và 5 diễn viên tranh giải xuất sắc. Sau nhiều năm chững lại, từ mùa giải thứ XI đến nay đã có một thế hệ nghệ sĩ trẻ của sân khấu cải lương nổi lên. Đó là những nghệ sĩ có nền tảng về thanh sắc, ca diễn, tự tin và hơn hết là lòng đam mê nhiệt thành với nghề. Nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia giải chưa từng đảm nhận vai đào, kép chánh nhưng vẫn cảm nhận về vai diễn rất tốt, ca ngọt, diễn mùi và bộc lộ tâm lý nhân vật sâu sắc. Sau cuộc thi, các diễn viên đoạt HCV sẽ được tham gia các chương trình biểu diễn do các đài truyền hình khu vực ĐBSCL tổ chức, nhằm tạo điều kiện cho họ rèn nghề, tiếp cận với khán giả.
|
Theo NLĐ
Bình luận (0)