Gần đây, trên một diễn đàn có nêu ý kiến: “Có cần phải cho học sinh học tiếng nước ngoài là từ Hán Việt”; nhiều ý kiến đã nhất trí và mạnh mẽ phản đối trên cơ sở ngộ nhận, đồng nhất từ Hán Việt với chữ Hán, đã lên tiếng bài xích từ Hán Việt. Từ góc độ là người có thời gian dài, đã và đang giảng dạy bộ môn ngữ văn, chúng tôi xin nêu đôi điều suy nghĩ.
Từ Hán Việt không phải là tiếng Hán
Trước hết, chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm khác nhau nhưng rất dễ nhầm lẫn: “chữ Hán” và “từ Hán Việt”/ “từ Việt gốc Hán”. Chữ Hán có thể hiểu là chữ Nho, một loại ký tự đã từng có thời kỳ đóng vai trò “chữ quốc ngữ” của nước ta trong thời gian hàng nghìn năm, dưới thời kỳ phong kiến, nay vẫn còn hiện diện ở các văn bia, câu đối ở các đình chùa… Trong chương trình ngữ văn phổ thông thì chữ Hán tồn tại trong các văn bản gốc của các tác phẩm như “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn), “Cáo Bình Ngô” (Nguyễn Trãi), đặc biệt là trong “Nhật ký trong tù” (Hồ Chí Minh) và nguyên tác các tác phẩm của các nhà thơ Trung Quốc như Lý Bạch, Đỗ Phủ… đang được dạy trong chương trình THCS, THPT hiện hành.
Ở bậc ĐH, chuyên ngành sư phạm ngữ văn, “Hán Nôm học” là một môn học, sinh viên được học kéo dài liên tục hai năm, trong chương trình có thời gian học tỉ mỉ về cách đọc, viết chữ Hán và chữ Nôm. Nội dung này chưa bao giờ xuất hiện trong chương trình ngữ văn phổ thông.
Từ Hán Việt chính là từ tiếng Việt
Thực tế, trong từ vựng mỗi nước, bên cạnh vốn từ bản địa bao giờ cũng tồn tại bộ phận từ ngoại lai từ nhiều nguồn, như từ vựng tiếng Việt bao gồm nhiều từ ngữ du nhập từ các nguồn tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga… đã được Việt hóa. Tất cả những từ này là từ tiếng Việt.
Tương tự, từ Hán Việt là “Từ tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán, đã nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt, còn gọi là từ Việt gốc Hán” (Nguyễn Như Ý, 1996, Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học).
Chương trình phổ thông hiện hành đã có các bài học về “từ Hán Việt”: Đó là bài lý thuyết “Từ Hán Việt” ở chương trình lớp 7 THCS và bài “Luyện tập từ Hán Việt” ở chương trình lớp 10 THPT. Các nhà soạn sách giáo khoa đã bố trí ở hai cấp học hai bài về từ Hán Việt như trên theo phương hướng tích hợp dọc (tích hợp đồng tâm) là rất phù hợp. Ngoài ra, cuối mỗi cuốn sách giáo khoa ngữ văn (tập II), trong chương trình THCS và THPT hiện hành đều có Bảng tra yếu tố Hán Việt (lớp 6, 7, 8, 9) và Bảng tra cứu từ Hán Việt (lớp 10, 11, 12); trong bảng là những yếu tố/từ Hán Việt thường dùng hoặc/và thông dụng trong các văn bản cổ, mà học sinh đã tiếp xúc trong năm học đó.
Nên tăng cường dạy và học từ Hán Việt
Theo nhà nghiên cứu H. Maspéro (1912), “có đến 60% vốn từ tiếng Việt là từ gốc Hán” (Trần Ngọc Thêm, 2002, Lời giới thiệu). Do đó, việc cung cấp từ vựng – ngữ nghĩa của từ Hán Việt, từ tiếng Việt gốc Hán cho học sinh trong chương trình phổ thông là rất quan trọng và rất cần thiết, để học sinh nước nhà có thể làm chủ được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình – một công cụ quan trọng mà các em sẽ sử dụng trong suốt cuộc đời của mình.
Trở lại với ý kiến “đề xuất đưa chữ Hán vào chương trình phổ thông…” như một môn học – từng “nổi sóng” dư luận gần đây, theo chúng tôi rõ ràng là chưa cần thiết, vì trước hết, chắc chắn nó sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho học sinh phổ thông vốn đã quá tải về chương trình như hiện nay. Vả lại, ở mức độ chương trình kiến thức phổ thông, học sinh chưa nhất thiết phải đi sâu vào chuyên ngành Hán Nôm này.
Cái mà ta cần giúp cho học sinh thủ đắc qua chương trình ngữ văn phổ thông không phải là “tiếng Hán”, mà là “từ Hán Việt”. Còn nhằm mục đích “để giúp tiếng Việt giàu có hơn, trong sáng hơn, ít bị sai hơn” thì – theo chúng tôi – nên tăng cường thêm số tiết học về “từ Hán Việt” trong chương trình phổ thông là đủ; mà hai nội dung người soạn sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên ngữ văn cần đặc biệt lưu ý là: Nhận diện từ Hán Việt và phương hướng nắm vững, mở rộng vốn từ Hán Việt theo phương châm “học ít biết nhiều” và “học ít hiểu kỹ”(*).
Ngoài ra, giáo viên cũng cần tham khảo thêm nhiều sách chuyên ngành về Hán Nôm khi soạn giảng, đồng thời giới thiệu cho học sinh tham khảo thêm một số tài liệu về từ Hán Việt(**) để các em có thể tự mình bổ sung kiến thức về bộ phận từ tiếng Việt này.
Đỗ Thành Dương
Tài liệu tham khảo
(*) Đặng Đức Siêu (2001), Dạy và học từ Hán Việt ở trường phổ thông, NXB Giáo dục, Hà Nội.
(**) Lê Đình Khẩn (2002), Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, NXB ĐH Quốc gia, TP.HCM.
Bình luận (0)