Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Từ hàng ghế khán giả

Tạp Chí Giáo Dục

Xem Cha dượng để tự soi mình?

Một cảnh trong phim Cha dượng

Nhiều “cậu ấm cô chiêu” hẳn sẽ bắt gặp hình ảnh của… chính mình khi xem bộ phim Cha dượng đã phát sóng trên kênh HTV. Nhất là khi phim lấy bối cảnh rất gần gũi, một mái gia đình và trường học – nơi mà lẽ ra một cô học trò 16 tuổi tên Phương (do Phương Kiều đóng) và những bạn bè đồng trang lứa phải yên vị học hành và sống êm ấm. Nhưng họ đã tự bước bằng một lối đi… không giống ai để dấn thân vào thế giới với những trò ăn chơi đốt tiền bạc, hủy hoại xác thân, sức khỏe. Theo đó là kết quả học tập ngày càng sa sút mà đến chính nhân vật Phương đã từng “hồn nhiên” công nhận cái đầu rỗng của mình trước nỗ lực của người cha dượng tên Tân (Đức Hải đóng) trong vòng một tuần hòng trả lại kiến thức cho cô. Những bậc làm cha mẹ quen tất bật với công việc hay những phụ huynh vốn sống nghiêm khắc hẳn không khỏi giật mình và “bức xúc” khi chứng kiến hình ảnh một bộ phận giới trẻ hiện thời, chỉ biết trốn học, ăn chơi, hút chích… Ngoài đời, còn có bao nhiêu bà mẹ như Mai Thi (Tuyết Thu thủ vai), ngất xỉu vì “sốc” trước cảnh con gái mình tụ họp cùng bạn bè hút chích ngay chính trong căn nhà mỗi ngày chị ra vào…?
Xem đến tập cuối cùng của phim mới cảm nhận được ý nghĩa và giá trị nhân văn gửi gắm trong đó. Chính Phương đã cho những khán giả… hay lo của Việt Nam cơ hội được… thở phào khi cô trút bỏ đi cái lốt không mấy đẹp đẽ đó. Một cô bé Phương mặc quần áo ngủ dài tay, kín đáo thay cho trang phục cũn cỡn trước kia; một bé Phương khép nép lau nhà giùm bà ngoại (công việc mà trước giờ chưa hề thấy cô đụng tay vào) khiến người xem cảm động. Tuy nhân vật cha dượng trong phim có lối diễn xuất hơi gượng nhưng người xem thấy những nỗ lực ở anh nhằm cảm hóa cô con gái cứng đầu không phải do anh sinh ra. Anh đã thành công vì đã làm điều ấy bằng tình thương chứ không phải sự ghét bỏ…
Kết phim bằng bữa cơm thân mật, thuận hòa giữa hai đôi vợ chồng mới có lẽ chỉ bắt gặp được trên… phim. Cả tiếng “ba” mà mãi đến tận cuối phim cô con gái Phương mới bật lên khi gọi người cha dượng… Thực tế cuộc sống có thể không… có hậu đến thế. Nhưng phim là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ quanh năm chỉ biết đến công việc mà quên mất con cái họ cần gì. Thật thiếu sót nếu đổ hết lỗi lầm lên những đứa trẻ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy, chính những bậc cha mẹ như Mai Thi phải gánh một phần trách nhiệm rất lớn trong việc yêu thương và giáo dục con cái. Phim không nhận được nhiều lắm sự mến mộ của khán giả nhưng cũng không ít người đồng tình với tính giáo dục của nó.
MÊ TÂM

Bình luận (0)