Cờ đỏ rợp bóng sân trường
Không khô khan, không giáo huấn, vẫn nói về lịch sử, nhưng chuyên đề “Tự hào biển đảo Việt Nam” do Tổ lịch sử – giáo dục công dân Trường THPT Tenlơman (Q.1, TP.HCM) vừa tổ chức, lịch sử được khơi dậy sâu lắng đến… trào nước mắt. Tại đây có triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Một dải sơn hà” với 20 bộ tư liệu gốc do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cung cấp đã mang đến cho học sinh góc nhìn khoa học và xác thực, những chứng cứ hùng hồn nhất khẳng định chủ quyền của nước ta với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra còn có sự góp mặt của 20 tác phẩm báo tường, 5 bức tranh, 21 mũ bảo hiểm được vẽ và trang trí với chủ đề “Mênh mông biển Việt”. Đây là những sản phẩm của học sinh trong trường, gắn giáo dục truyền thống với an toàn giao thông. Ở đó còn thể hiện góc nhìn của học sinh về biển đảo, hình tượng người lính, quê hương đất nước qua thơ và những bài cảm nhận vừa tự hào nhưng cũng đầy trăn trở của thế hệ trẻ trước sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam…
Qua những giây phút lắng đọng, cả sân trường như vỡ òa trong lời bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”. Đâu đó nước mắt đã rơi khi trên sân khấu, lời ca như thúc giục, phía dưới là cờ đỏ sao vàng rợp bóng sân trường. Cô Nguyễn Thị Xuân Hương (Tổ trưởng Tổ lịch sử – giáo dục công dân) nhắn nhủ rằng lời bài hát cũng chính là thông điệp gửi gắm đến học sinh trong trường, luôn “sẵn sàng khi Tổ quốc gọi và sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần”. Theo cô Hương, trong chương trình lịch sử và giáo dục công dân có rất nhiều bài về tình yêu Tổ quốc, biển đảo rất ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy đơn thuần theo kiểu truyền thống thì học sinh khó hình dung ra được sự hùng vĩ, tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam. “Chuyên đề trên hoàn toàn do học sinh tự làm, giáo viên chỉ hướng dẫn, định hướng. Qua đó giúp các em phát huy được khả năng sáng tạo, tìm tòi, hiểu biết mà trong SGK không có”, cô Hương cho biết.
Đánh giá cao khả năng sáng tạo của học sinh trong chuyên đề, cô Trần Thị Hồng Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1) cho rằng cái hay nhất của hoạt động nằm ở chỗ “học sinh tự thực hiện”. Vì thế mang đến sự mộc mạc mà vẫn để lại nhiều dấu ấn cảm xúc. “Việc lồng ghép các yếu tố tư liệu gốc, báo tường, hoạt cảnh mang đến trọn vẹn cả về khoa học lẫn cảm xúc, trang bị một cách đủ đầy nhất cho học sinh kiến thức và cả ý thức về chủ quyền dân tộc”, cô Thủy chia sẻ.
Cô Trần Thị Thơm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết chuyên đề là một hoạt động dài hơi, không chỉ trang bị kiến thức lịch sử mà trên hết là giáo dục truyền thống yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương cho học sinh. Đặc biệt là giúp các em định hướng, xác định, nhận thức rõ chủ quyền đất nước qua những “bằng chứng thép” để từ đó hun đúc ý thức giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất của dân tộc.
Quang Long
Bình luận (0)