Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Tự hào với nghiên cứu sinh Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Nghiên cứu sinh Việt Nam có kết quả học tập rất xuất sắc khiến chúng tôi cảm thấy rất tự hào” – TS Stephen Maxner, Chủ tịch HĐQT Quỹ Giáo dục Việt Nam, cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí vừa qua.

Các nghiên cứu sinh VEF năm 2010. Ảnh: QUẾ NGUYỄN

Qua 8 năm triển khai các hoạt động của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), ông đánh giá thế nào về những đóng góp của chương trình đối với sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam ?
Đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam chính là mong muốn và nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi khi thực hiện các chương trình của VEF. Chúng tôi giúp Việt Nam bằng cách đưa sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập rồi sau đó bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, họ sẽ trở về phục vụ đất nước.
Hiện có 129 nghiên cứu sinh VEF đã tốt nghiệp, trong đó 74 người đã trở về làm việc tại Việt Nam, số còn lại đang tham gia các hoạt động chuyên môn tại Mỹ hoặc đang học tiếp chương trình tiến sĩ. Thông qua chương trình học giả, 29 tiến sĩ Việt Nam đã tham gia các chương trình sau tiến sĩ tại Mỹ và 24 người đã trở về làm việc tại Việt Nam.
Đây chính là những nhân tài. Trở về Việt Nam, chắc chắn họ sẽ có những đóng góp rất thiết thực. Hiện các nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tại các trường ĐH ở Mỹ có kết quả học tập rất xuất sắc và sẵn sàng quay về để đóng góp cho Việt Nam, đây là điều khiến chúng tôi hết sức vui mừng và tự hào.
Như vậy, số lượng nghiên cứu sinh tốt nghiệp trở về hiện mới chỉ khoảng 50%. Theo ông, cần có chính sách nào để thu hút họ trở về nhiều hơn nữa?
– Nghiên cứu sinh theo chương trình học bổng VEF và chương trình học giả đều phải ký cam kết quay trở về phục vụ Việt Nam. Hiện có khoảng 40 nghiên cứu sinh tốt nghiệp chưa trở về vì họ đang tham gia chương trình đào tạo học thuật tại các trường ĐH, các viện nghiên cứu tại Mỹ nhằm có thêm kinh nghiệm làm việc trước khi trở về.
– Hiện tại, các chương trình học bổng VEF chỉ tập trung vào các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, toán học, y tế và công nghệ. Thời gian tới, VEF có mở rộng thêm các lĩnh vực khác mà Việt Nam đang cần? Liệu có thể tăng thêm suất học bổng cho chương trình học giả hay không?
Các hoạt động trao đổi giáo dục được thực hiện theo Đạo luật VEF của Chính phủ Mỹ, do vậy chúng tôi chỉ được phép mở rộng các lĩnh vực khác khi đạo luật này thay đổi. Nếu yêu thích các lĩnh vực xã hội, nghiên cứu sinh có thể theo học chương trình học bổng Fulbright, chương trình này hỗ trợ cả các ngành khoa học – xã hội.
Chúng tôi cũng đang tiến hành thảo luận để tăng thêm suất học bổng cho chương trình này. Theo đánh giá của chúng tôi, những người học xong chương trình học giả khi về Việt Nam đều giữ cương vị quan trọng và có đóng góp rất tốt. Do vậy, trong tương lai, số lượng tiến sĩ theo chương trình học giả chắc chắn sẽ tăng lên.
– Theo kế hoạch, các chương trình của VEF chỉ kéo dài đến năm 2018. Với những lợi ích mà VEF mang lại, ông có đề xuất gì với Chính phủ Mỹ để tiếp tục duy trì chương trình này?
Đây là vấn đề cần phải thảo luận và trao đổi nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn thấy những nỗ lực của VEF thời gian qua bị bỏ phí. Do vậy, các thành viên HĐQT của VEF sẽ đề xuất, kiến nghị và cố gắng thuyết phục để kéo dài các chương trình của VEF.
VEF thành lập năm 2000 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2003. Thông qua chương trình học bổng của VEF, 341 nghiên cứu sinh xuất sắc của Việt Nam đã được tuyển chọn theo học các chương trình sau ĐH tại 76 trường ĐH hàng đầu của Mỹ.
Trong đó, 129 nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp, 79 người nhận bằng tiến sĩ, 50 người nhận bằng thạc sĩ.
Năm 2012, VEF dự định cấp khoảng 45 suất học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam theo học các chương trình sau ĐH và 3 suất học bổng cho chương trình sau tiến sĩ.
Mỗi nghiên cứu sinh tham gia chương trình được hỗ trợ khoảng 27.000 USD/năm.
Theo NLĐ

 

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)