Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tự hoại… môi trường!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà vệ sinh trong nhà nhưng nước được xả thẳng xuống rạch (ảnh chụp tại khu phố 5, phường 16, quận 8)
Điều kiện kinh tế khó khăn cùng với sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân chính khiến cho một bộ phận người dân ngụ tại các quận ven, huyện ngoại thành TP.HCM như huyện Bình Chánh, quận 8, quận 6… không tự xây được nhà vệ sinh hợp quy chuẩn nên đã phóng uế thẳng ra ngoài môi trường, nguy cơ gây bệnh rất cao.
Môi trường bị ô nhiễm
TP.HCM vốn được coi là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nhưng ở đâu đó vẫn xuất hiện nhiều hộ dân có điều kiện sống khó khăn, kéo theo đó là sự thiếu hiểu biết. Theo ghi nhận của chúng tôi, huyện Bình Chánh là một trong những ổ dịch tiêu chảy cấp mà nguyên nhân xuất phát từ việc vệ sinh môi trường không đảm bảo. Ấp 1, xã Lê Minh Xuân và ấp 5, xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh xuất hiện ổ dịch tiêu chảy, trong số đó có ca bệnh đã bị tử vong. Các hộ gia đình sống ở khu vực này vệ sinh còn kém, nước ao hồ tù đọng, cầu tiêu làm bên bờ ao hoặc trong nhà nhưng ống dẫn thì xả thẳng xuống ao nuôi cá. Ngoài 2 ấp trên thì tại ấp 1, xã Phong Phú có khoảng 50 hộ dân xây dựng nhà vệ sinh tạm bợ, rác thải không qua xử lí xả thẳng ra ao, hồ. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, một bộ phận người dân ở đây còn sử dụng nước mưa, nước sông chưa qua xử lí để sinh hoạt. Chị Trương Thị Tám (ấp 1, xã Phong Phú) cho biết: “Sử dụng riết rồi quen, nên không xây nhà vệ sinh cho tốn tiền. Nếu mấy tháng mà không có mưa thì phải sử dụng nước sông để sinh hoạt”. Khi được hỏi về vấn đề dịch bệnh thì chị Tám thản nhiên trả lời: “Không biết có dịch bệnh”.
Khu phố 5, phường 16, quận 8 TP.HCM có trên 50 hộ dân sử dụng cầu tiêu được xây trong nhà nhưng xả thẳng xuống rạch Ruột Ngựa và rạch Cát. Bà Nguyễn Thị Múi (60 tuổi) cho biết: “Ở đây, nhà nào cũng dùng nhà vệ sinh như vậy, chứ lấy đâu ra tiền mà xây nhà vệ sinh tự hoại”. Vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Múi vừa đưa tay chỉ xuống con rạch: “Nước lên, xuống thất thường nên không biết mà tránh, có lúc đang nằm ngủ thì nước tràn vào nhà ướt hết cả đệm nhưng vẫn phơi ra và đem dùng lại”. Theo quan sát của chúng tôi, con rạch Ruột Ngựa nước có màu đen ngòm, khi nước cạn thì nhìn thấy bùn lắng, rác đủ các loại ngập mặt rạch, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Bà cười xõa: “Sống riết rồi quen, ngoài rạch thì bốc mùi nhưng trong nhà thì lau chùi sạch sẽ nên cũng đỡ”. Bà Tho (Tổ trưởng khu phố) cho biết: “Khu vực này nằm trong vùng giải tỏa nên từ nhiều năm nay người dân xả rác xuống rạch. Nhiều hộ dân còn dùng nhà đó vừa để tắm vừa làm nhà cầu”.
Hẻm 38, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè nằm gần UBND thị trấn Nhà Bè nhưng nhiều năm nay người dân trong hẻm phải sống chung với “lũ” do nước ngập hẻm, không có lối thoát tạo nên một cái ao tù. Trời mưa thì nước ngập vào gần nhà dân, trời nắng con hẻm bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2014 có 62% hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, còn 38% nhà tiêu chưa đạt chuẩn. Tình hình môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, có 6 tỉnh còn tỷ lệ 60% hộ gia đình không có nhà tiêu vệ sinh, 10 triệu hộ gia đình sử dụng cầu tiêu ao cá, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
BS. Đàm Ngọc Tuấn (Giám đốc Phòng khám đa khoa Thiên Hậu) cho biết: “Vấn đề vệ sinh môi trường kém cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Trong số đó phải kể đến các bệnh về đường tiêu hóa như bệnh tiêu chảy cấp, bệnh tả… Bên cạnh đó, còn có khả năng mắc một số bệnh về truyền nhiễm như bệnh sốt xuất huyết do môi trường sống ẩm thấp tạo điều kiện cho kí sinh trùng gây bệnh phát triển”.
Cũng theo BS. Tuấn để giảm thiểu khả năng mắc bệnh thì người dân nên chú ý đến vấn đề vệ sinh. Đặc biệt là không nên xả rác chưa qua xử lí ra ngoài môi trường, chú ý vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng. Cần phát quang bụi rậm quanh khu vực sống để làm mất đi nơi trú ngụ của các loại côn trùng gây bệnh… Bên cạnh đó cần tuyên truyền cho người dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe bản thân, tránh việc lây bệnh cho cộng đồng.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
 
500.000 đồng cho một nhà vệ sinh tự hoại
Ông Lại Phước Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết, chính quyền địa phương ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân và ấp 5, xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh đã tổ chức họp với tất cả các hộ dân, kết quả các hộ dân đã thống nhất, mỗi hộ sẽ xây dựng một nhà vệ sinh tự hoại với giá 500.000 đồng. Cũng theo ông Hòa, ngoài 2 điểm phát hiện dịch tiêu chảy cấp nêu trên, địa bàn huyện Bình Chánh còn đến 7 xã khác có những “điểm đen” nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đặc biệt là tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết, trong đó tập trung chủ yếu là ở xã Bình Lợi. Hiện nay, người dân ở các xã này còn có tập quán cầu tiêu ao cá không hợp vệ sinh, nhất là việc chăn nuôi heo rồi dội nước phân xuống ao cá, nước chảy tràn ra khu vực sinh hoạt, gây mất vệ sinh, bốc mùi hôi thối.
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)