Khi đề cập đến khoa học xã hội, một vấn đề được đặt ra là các ngành học này chỉ đơn thuần là học thuộc lòng. Nhưng tất cả có phải chỉ gói gọn trong 3 chữ “học thuộc lòng” hay không? “Học thuộc lòng” – đó chính là cái khó nhưng cũng là cái dễ trong việc học các bộ môn xã hội. Chỉ cần ghi nhớ những kiến thức cơ bản học sinh có thể dễ dàng vượt qua các kì thi. Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức của người thầy thì người học cũng phải tự mình tìm ra những phương pháp thích hợp để lĩnh hội tri thức. Qua quá trình học tập của mình trước đây, tôi nhận thấy phương pháp quan trọng nhất chính là tự học, tự suy luận. Trong phạm vi khả năng của mình, tôi xin đề cập đến một số phương pháp mà bản thân thường áp dụng, đó là ghi nhớ các sự kiện cơ bản bằng cách gắn nó với các mốc quen thuộc với bản thân như ngày sinh nhật mình, sinh nhật người thân, các ngày lễ lớn… Đối với các sự kiên khó nhớ chính xác chỉ cần nhớ nó nằm trong khoảng thời gian nào, nội dung cơ bản của các sự kiện. Đối với các số liệu, không cần nhớ chính xác đến từng con số, chỉ cần nhớ ước lượng trong một khoảng gần. Ngoài ra cần thường xuyên đọc thêm các nguồn tài liệu tham khảo, sách báo để mở rộng kiến thức, quan điểm, rèn luyện các phương pháp trình bày, suy luận và so sánh đối chiếu các nguồn tài liệu khác nhau. Một điều lưu ý là khi đọc sách các bạn đừng quên ghi chú những nội dung cảm thấy tâm đắc, những ý bạn còn thắc mắc và những ý tưởng chợt xuất hiện khi bạn đọc đến nội dung đó. Ngoài ra, để học tốt các môn học này, các bạn đừng quên tranh luận, việc tranh luận giúp các bạn tăng cường khả năng suy luận, củng cố lại kiến thức và rèn luyện khả năng tự tin.
CHÂU THANH PHƯƠNG
(Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Bình luận (0)